Nâng cao chất lượng sản phẩm từ việc thực hiện nghiêm QCVN, TCVN
Việc thực hiện đúng các quy chuẩn kỹ thật quốc gia cũng như Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường và thúc đẩy hội nhập quốc tế...
Doanh nghiệp muốn phát triển nhanh, bền vững nhất thiết phải nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Trong đó, nâng cao năng suất chất lượng, cụ thể là chất lượng sản phẩm là giải pháp then chốt mà mỗi quốc gia cần chú trọng đẩy mạnh.
Tính đến nay, các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) là cơ sở khoa học và công cụ quản lý nhà nước trong việc đảm bảo an toàn, sức khỏe của người sử dụng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… thông qua việc kiểm soát sản phẩm, hàng hóa sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu có nguy cơ gây mất an toàn, kém chất lượng.
Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) của Việt Nam bao gồm trên 13.000 TCVN, tỷ lệ hài hòa tiêu chuẩn quốc tế, khu vực và nước ngoài là 60%. Về cơ bản, các TCVN này được xây dựng bởi ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, trong đó có sự tham gia của Bộ Công Thương với tư cách thành viên các ban kỹ thuật.
Việc ban hành các TCVN, QCVN kịp thời đóng góp không nhỏ vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với vai trò, lợi ích của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và xu hướng, thông lệ quốc tế... Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, QCVN làm cơ sở quản lý an toàn, chất lượng đối với sản phẩm hàng hóa, đặc biệt các QCVN về lĩnh vực an toàn thực phẩm và sản phẩm tiêu dùng - những sản phẩm được tiêu thụ nhiều, chủng loại đa dạng và có nguy cơ cao gây mất an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng.
Thực tế cho thấy, khi năng suất, chất lượng được bảo đảm, sản phẩm được tiêu thụ nhiều hơn sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường, tăng doanh thu và lợi nhuận. Hơn thế nữa, đối với vấn đề chất lượng, nội dung cần ưu tiên là tập trung xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Đây không chỉ là công cụ hỗ trợ cho công tác quản lý sản phẩm hàng hóa của các cơ quan quản lý mà quan trọng hơn là một trong những định hướng quan trọng để cải tiến và đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp. Đối với tăng năng suất, nội dung cần ưu tiên là triển khai hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong việc áp dụng các công cụ, hệ thống về nâng cao năng suất tại doanh nghiệp…
Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, truyền thông về NSCL. Đẩy mạnh phổ biến, hướng dẫn áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, nhất là công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh vào doanh nghiệp. Tôn vinh, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích cao trong hoạt động nâng cao năng suất chất lượng. Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động của Giải thưởng Chất lượng quốc gia.
Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng cơ bản, đẩy mạnh áp dụng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng đặc thù cho ngành, lĩnh vực, tiêu chuẩn về các hệ thống quản lý mới được công bố.
Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (G.A.P), thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, năng suất xanh… Chỉ có như vậy doanh nghiệp mới có thể đứng vững trong nền kinh tế thị trường nhiều cơ hội cũng như thách thức như hiện nay.