Nâng cao chất lượng thi đua, khen thưởng trong Quân đội

Thời gian qua, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân đã quyết liệt, tập trung lãnh đạo chỉ đạo, thực hiện tốt Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7-4-2014 của Bộ Chính trị, về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng (TĐ, KT). Nổi bật là, đã khắc phục những biểu hiện nhận thức lệch lạc, ngại khó, ngại khổ, 'bệnh thành tích' và các biểu hiện tiêu cực khác để hướng phong trào thi đua (PTTĐ) về thực chất, tạo động lực to lớn, cổ vũ cán bộ, chiến sĩ vượt qua khó khăn, vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ...

Những năm qua, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị toàn quân luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân về vị trí, vai trò, ý nghĩa, mục tiêu, nguyên tắc, tiêu chuẩn, nội dung, hình thức, biện pháp trong tiến hành công tác TĐ, KT và xác định là một nội dung lãnh đạo trong nghị quyết của cấp ủy Đảng; tạo động lực quan trọng, phát huy cao độ tài năng, sự cống hiến của cán bộ, chiến sĩ; thúc đẩy Phong trào Thi đua Quyết thắng phát triển có chất lượng cả diện rộng và chiều sâu, góp phần quan trọng xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh tiêu biểu, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”.

Tuy nhiên, công tác TĐ, KT ở nhiều cơ quan, đơn vị và nhiều thời điểm cũng còn những bất cập nhất định: Nhận thức về thi đua chưa được quán triệt đầy đủ; PTTĐ ở một số đơn vị duy trì có thời điểm còn mang tính hình thức, dập khuôn, phát động thì “trống giong, cờ mở”, nhưng khi tổ chức thực hiện lại không có những biện pháp hiệu quả nuôi dưỡng phong trào... nên chưa tạo động lực và sự hưởng ứng tham gia của đông đảo cán bộ, chiến sĩ. Bên cạnh đó, nội dung, chỉ tiêu thi đua còn chung chung, chưa cụ thể hóa sát đặc điểm, nhiệm vụ đơn vị nên chưa chuyển biến thành ý thức và hành động tự giác của mỗi cán bộ, chiến sĩ; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý hoạt động thi đua chưa chặt chẽ, chưa hướng vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, nhiều thời điểm, các phong trào thi đua còn “chồng lấn”, tạo tâm lý nhàm chán, thiếu tích cực trong thi đua...

 Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng trao thưởng tặng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong đấu tranh thành công chuyên án mua bán người ST1223.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng trao thưởng tặng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong đấu tranh thành công chuyên án mua bán người ST1223.

Để khắc phục triệt để những hạn chế, thiếu sót nâng cao chất lượng công tác TĐ, KT, vừa qua, tại Tọa đàm “Đổi mới công tác TĐ, KT tại Bộ Quốc phòng”, Trung tướng Trần Ngọc Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội trao đổi: “Để công tác TĐ, KT thực sự là “đòn bẩy”, kích thích tập thể, cá nhân hưởng ứng mạnh mẽ, hăng say hoạt động, khắc phục những hạn chế, tiêu cực thì thi đua phải thực chất, khen thưởng phải đúng người, đúng việc, đúng đối tượng, đúng thời điểm. Cán bộ chủ trì các cấp phải nhận thức và nêu gương trong thực hiện công tác khen thưởng, xác định thành tích là chung của tập thể, cần chú trọng khen thưởng những cá nhân trực tiếp tổ chức PTTĐ ở cơ sở hoặc có thành tích, công lao xứng đáng trong thực hiện nhiệm vụ, gắn thành tích tập thể với từng cá nhân, bảo đảm chính xác, kịp thời, đúng người, đúng việc, tránh bình quân chủ nghĩa, áp đặt chủ quan”.

Xây dựng môi trường TĐ, KT thực chất, rất cần sự công tâm, khách quan của cấp ủy, chỉ huy các cấp. Cấp ủy, chỉ huy các cấp phải trả lời được câu hỏi: “Vì sao, việc thực hiện các PTTĐ ở một số đơn vị cơ sở hiệu quả chưa cao?”, và “Tại sao, TĐ, KT nhiều nhưng những mô hình, kinh nghiệm ít được phổ biến rộng rãi?”... Thiếu tướng, Tiến sĩ Lê Văn Duy, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trường Sĩ quan Lục quân 1 khẳng định: “Đối với mỗi cơ quan, đơn vị Quân đội để PTTĐ thực sự trở thành động lực thúc đẩy mỗi cán bộ, chiến sĩ phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao thì trách nhiệm nêu gương của cấp ủy, tổ chức Đảng là vấn đề rất quan trọng, có tính quyết định. Thực tế cho thấy, ở cơ quan, đơn vị nào cấp ủy, tổ chức Đảng phát huy tốt vai trò trách nhiệm nêu gương thì cơ quan, đơn vị đó đạt kết quả cao trong thực hiện nhiệm vụ”.

Trách nhiệm nêu gương trong tổ chức PTTĐ được thể hiện từ trách nhiệm xây dựng và ban hành nghị quyết lãnh đạo, bảo đảm luôn bám sát nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng; đánh giá khách quan, chính xác những kết quả đạt được, những hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân, từ đó xác định các mục tiêu, chỉ tiêu và các chủ trương, biện pháp lãnh đạo sát đúng, có tính khả thi cao; phân công tổ chức thực hiện nghị quyết chặt chẽ, khoa học, hiệu quả.

Đồng thời phải lấy kết quả khen thưởng là một trong những tiêu chí cần thiết song không nên đặt nặng thành tích của cá nhân mà phải gắn với xem xét thành tích và kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, như vậy sẽ tạo được niềm tin đối với đội ngũ cán bộ, từ đó hăng hái thi đua, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ theo tinh thần: Dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách; dám hành động vì lợi ích chung.

Song song đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ở các cấp về công tác TĐ, KT, kịp thời rút ra được những kinh nghiệm hay, chọn được tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến, phát hiện hạn chế, khuyết điểm, đề ra biện pháp khắc phục, bảo đảm TĐ, KT đạt được các yêu cầu: Chính xác, dân chủ, kịp thời, công khai, đúng người, đúng việc, hướng về cơ sở; tránh chủ quan, đơn giản, tranh công, đổ lỗi... xây dựng được tinh thần đoàn kết phấn khởi, tạo ra sức mạnh tổng hợp trong xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, tổ chức Đảng vững mạnh xuất sắc, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Bài, ảnh: HÀ LONG

Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/nang-cao-chat-luong-thi-dua-khen-thuong-trong-quan-doi-783271