Nâng cao chất lượng thi đua, khen thưởng và thúc đẩy ngành công nghiệp điện ảnh
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng 28/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
Các đại biểu cho rằng, cần nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng, chặt chẽ về tiêu chí nhưng cần mở rộng đối tượng để khích lệ, động viên, tạo sự lan tỏa…
Các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với Tờ trình, dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội; nhất trí về sự cần thiết sửa đổi toàn diện luật hiện hành, để thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác thi đua, khen thưởng; khắc phục những bất cập của các quy định hiện hành; bổ sung những vấn đề mới phát sinh phù hợp với thực tiễn về công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới và đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn các hình thức khen thưởng trong luật phải bảo đảm chính xác, không trùng lặp, chồng chéo; chú trọng khen thưởng tập thể ở cơ sở, khen thưởng công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh; doanh nhân, doanh nghiệp, trí thức, nhà khoa học; khắc phục cơ bản những hạn chế, vướng mắc về thẩm quyền, đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục khen thưởng.
Một trong những nội dung nhiều đại biểu quan tâm là so với quy định hiện hành, dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) trình Quốc hội khóa XV đã bỏ đối tượng xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ Nhân dân", "Nghệ sĩ Ưu tú" đối với nhạc sĩ, phát thanh viên.
Về nội dung này, đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn Hà Nội) cho rằng, không nên bỏ xét tặng danh hiệu này đối với nhạc sĩ. Đại biểu nhất trí với việc không đưa phát thanh viên vào đối tượng được xét tặng Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú nhưng vẫn giữ lại đối tượng là nhạc sĩ vì đây là người đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra các sản phẩm sáng tạo. “Nếu không có nhạc sĩ thì lấy đâu ra tác phẩm để nghệ sĩ, ca sĩ, nhạc công thể hiện”, đại biểu nhấn mạnh.
Nhiều đại biểu kiến nghị có quy định rõ hơn về nguyên tắc, trách nhiệm và việc xử lý vi phạm của cơ quan, đơn vị, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, của cá nhân trong thi đua, đề nghị khen thưởng và quyết định khen thưởng; đồng thời, quy định chặt chẽ về điều kiện, thủ tục, nhưng nên mở rộng đối tượng để khích lệ, động viên.
Các đại biểu Quốc hội thống nhất với những hình thức khen thưởng, nhưng cho rằng Thư khen của Chủ tịch nước đối với các cá nhân, tập thể có tác dụng rất lớn trong việc cổ vũ, động viên, nên bổ sung vào Luật Thi đua, khen thưởng. Bên cạnh đó, không nên so sánh việc khen thưởng giữa các ngành, các cá nhân, vì mỗi nơi có những đặc điểm và tiêu chuẩn khen thưởng khác nhau.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thay mặt cơ quan soạn thảo đã giải trình về những nội dung các đại biểu nêu; cho biết sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến, nghiên cứu cùng với Ủy ban Xã hội và các cơ quan có liên quan bổ sung, hoàn thiện dự án luật để trình Kỳ họp lần thứ 3, Quốc hội khóa XV vào tháng 6/2022.
Buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Tại phiên thảo luận đã có 23 ý kiến đại biểu phát biểu và 1 ý kiến đại biểu tranh luận. Đa số ý kiến phát biểu đánh giá cao và tán thành với nhiều nội dung trong Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Điện ảnh (sửa đổi).
Các đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Điện ảnh và đề nghị dự thảo Luật nêu rõ những cơ chế, chính sách để tạo đòn bẩy cho ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam phát triển.
Các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về: mục đích, quan điểm xây dựng Luật; tên gọi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng Luật; sự thống nhất trong hệ thống pháp luật; bố cục của dự thảo Luật; chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh; quản lý nhà nước về điện ảnh (thẩm quyền cấp phép phân loại phim; Hội đồng thẩm định và phân loại phim; phân loại phim; trách nhiệm quản lý nhà nước về điện ảnh); sản xuất phim; phát hành phim; phổ biến phim; quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh; sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước; phổ biến phim trên không gian mạng; quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh; hành vi bị nghiêm cấm...
Kết thúc nội dung thảo luận, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.