Nâng cao chất lượng tín dụng chính sách
Thời gian qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 cùng những nguyên nhân khách quan khác đã gây khó khăn trong quá trình sản xuất, kinh doanh của người dân, nhất là những hộ nghèo. Do vậy mà nhiều hộ nghèo, cận nghèo vay vốn tín dụng chính sách không có điều kiện trả nợ đúng hạn.
Điều này đã ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng tại Đồng Nai: nợ quá hạn nhiều năm liên tục ở mức dưới 0,25% (thấp hơn bình quân cả nước) tăng lên mức 0,27%. Để kéo giảm tình trạng nợ quá hạn, hệ thống ngân hàng chính sách xã hội đang đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ người dân trả nợ, khoanh nợ, giãn nợ, xóa nợ theo quy định của pháp luật.
* Nợ quá hạn tăng
Ở thời điểm hiện tại, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh là hơn 2,8 ngàn tỷ đồng. Trong số này, nguồn vốn do trung ương phân bổ là 2,2 ngàn tỷ đồng, vốn huy động của địa phương khoảng 600 tỷ đồng. Hiện hệ thống ngân hàng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh đang thực hiện 16 chương trình tín dụng chính sách. Qua đó, góp phần giúp gần 100 ngàn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ khó khăn vay vốn để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm tại nhà, hỗ trợ học tập - học nghề, xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh nông thôn, mua nhà ở xã hội...
Tuy nhiên, theo thống kê của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, bên cạnh chất lượng tín dụng được duy trì và giữ vững thì nợ quá hạn còn tăng cao so với đầu năm. Trong đó, nợ quá hạn tập trung ở một số đơn vị như: TP.Long Khánh tăng 248 triệu đồng, H.Trảng Bom tăng 188 triệu đồng, H.Long Thành tăng 176 triệu đồng, H.Nhơn Trạch tăng 159 triệu đồng, H.Định Quán tăng 131 triệu đồng, TP.Biên Hòa tăng 127 triệu đồng, H.Xuân Lộc tăng 123 triệu đồng...
Hiện có 3 đơn vị cấp huyện có tỷ lệ nợ quá hạn còn cao là TP.Biên Hòa, H.Trảng Bom và H.Tân Phú. Cùng với đó, còn có 2 phường và 130 tổ tiết kiệm và vay vốn đang có tỷ lệ nợ quá hạn trên 2%. Ngoài ra, 3 xã, 55 tổ tiết kiệm và vay vốn có tỷ lệ nợ quá hạn trên 1,5% đến dưới 2%. Điều này đã ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng trên địa bàn tỉnh với hệ quả là nợ quá hạn nhiều năm liên tục ở mức dưới 0,25% tăng lên mức 0,27%.
Theo ông Huỳnh Công Nam, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh, như người dân sản xuất, chăn nuôi, buôn bán bị thua lỗ nên mất vốn. Người vay vốn mắc bệnh hiểm nghèo nên không còn khả năng lao động dẫn đến mất vốn. Người vay vốn sau khi không có khả năng hoàn trả vốn đúng thời hạn thì đi khỏi nơi cư trú để lao động nên khó liên hệ để yêu cầu hoàn trả tiền vay đúng hạn. Nhiều trường hợp người vay vốn qua đời và thân nhân quá khó khăn nên không thể trả vốn vay cho ngân hàng.
Bà Huỳnh Kim Dung, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn số 1 (P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) cho hay, Tổ tiết kiệm và vay vốn do bà quản lý có 27 hộ vay. Những hộ này vay chủ yếu từ chương trình vay giải quyết việc làm và vay vốn cho học sinh - sinh viên. Thời gian qua, có 2 trường hợp không hoàn trả nợ đúng hạn cho ngân hàng chính sách. Trong đó, 1 trường hợp do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khách quan nên làm ăn thua lỗ dẫn đến mất vốn. Còn trường hợp vay chương trình học sinh - sinh viên, khi đang trả dần tiền vay thì bị mất việc làm sau đó đi tìm việc nơi khác không ở nơi cư trú do vậy không thể thu hồi nợ.
* Nỗ lực kéo giảm nợ quá hạn
Ông Trần Hào, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Tân Hoa (xã Bàu Hàm, H.Trảng Bom) cho biết, tổ có 60 hộ vay vốn tín dụng chính sách, trong số này có 2 trường hợp nợ quá hạn với số tiền 60 triệu đồng. Ban đầu, 2 hộ nghèo này sử dụng tiền vay mua bò, dê để chăn nuôi với sự giám sát của đại diện chính quyền địa phương, tổ. Thời gian đầu bò, dê phát triển tốt nhưng về sau do mắc bệnh, giá cả thấp, đầu ra khó khăn nên 2 hộ này bị mất vốn. Do 2 trường hợp này đều là những hộ có từ 2 thành viên còn khả năng lao động trở lên nên tổ xin ý kiến ngân hàng chính sách tạo điều kiện cho những trường hợp này chậm trả, trả góp từ 300-500 ngàn đồng/tháng. Hiện những trường hợp này vẫn đang hợp tác với tổ để hoàn trả vốn vay cho ngân hàng chính sách. Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai mới đây, đoàn kiểm tra, giám sát của Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam do Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, Ủy viên Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam Võ Thành Thống làm trưởng đoàn đã yêu cầu tỉnh đưa ra những giải pháp nhằm kéo giảm tỷ lệ nợ quá hạn và nâng cao chất lượng tín dụng chính sách ở các tổ chức nhận vốn ủy thác.
Theo ông Huỳnh Công Nam, thời gian tới hệ thống ngân hàng chính sách xã hội trong tỉnh sẽ tăng cường phối hợp cùng cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội cùng vào cuộc giám sát người vay sử dụng nguồn vốn, hướng dẫn - tư vấn cho người vay sử dụng nguồn vốn chăn nuôi, trồng trọt, buôn bán đem lại nguồn thu nhập ổn định, hạn chế rủi ro mất vốn. Khi người vay vốn có nguy cơ mất khả năng chi trả do làm ăn kém hiệu quả, hệ thống ngân hàng chính sách cùng địa phương, đoàn thể sẽ có nhiều giải pháp hỗ trợ trả nợ như: cho trả chậm, trả góp theo điều kiện mà hộ vay quá hạn có thể thực hiện được… Sau đó xem xét nhu cầu vốn của hộ vay để bình xét cho vay phù hợp.
Song song đó, với những trường hợp theo quy định của pháp luật như: người vay vốn qua đời, mắc bệnh hiểm nghèo không còn khả năng lao động… hệ thống ngân hàng chính sách phối hợp cùng địa phương xác minh, lập danh sách và đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam xử lý nợ bị rủi ro theo quy định. Từ đầu năm đến nay, đã có 71 trường hợp tại Đồng Nai được Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam chấp thuận xóa nợ với số tiền gốc và lãi trên 1,1 tỷ đồng.
Riêng với những trường hợp có dấu hiệu chiếm dụng vốn, còn có khả năng trả vốn vay song lại trốn tránh trách nhiệm, ông Huỳnh Công Nam cho biết, hệ thống ngân hàng chính sách và cơ quan chức năng sẽ có những giải pháp theo quy định của pháp luật để buộc người vay hoàn trả vốn nhà nước theo quy định.
Theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, Ủy viên Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam Võ Thành Thống, Đồng Nai là một trong 6 tỉnh dẫn đầu cả nước về bố trí nguồn vốn địa phương dành cho vay tín dụng chính sách.