Nâng cao chất lượng trạm y tế xã, phường
Xác định trạm y tế (TYT) xã, phường có vai trò quan trọng trong việc giảm lưu lượng bệnh nhân tại các bệnh viện tuyến trên, thời gian qua, TP. Đồng Hới chú trọng đầu tư cơ sở vật chất khám chữa bệnh (KCB), đào tạo chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực chuyên môn y tế xã, phường. Nhờ đó, hoạt động KCB và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn được triển khai thực hiện khá đồng bộ, người dân được tiếp cận gần hơn với các dịch vụ y tế hiện đại.
Hiện 15/15 xã, phường trên địa bàn TP. Đồng Hới có TYT, với hơn 77 cán bộ, nhân viên, trong đó 29 y bác sĩ; 100% số TYT xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế xã, có đủ điều kiện KCB bảo hiểm y tế và thực hiện các danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã trở lên.
Theo báo cáo của UBND TP. Đồng Hới, năm 2022, toàn thành phố có trên 55.000 lượt người đến KCB các TYT trên địa bàn; trong đó KCB kê đơn cho trên 21.800 lượt người bệnh.
Để đảm nhiệm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân tại cơ sở, thành phố chú trọng đầu tư xây dựng, nâng cấp và tu sửa TYT xã, phường bằng nguồn ngân sách của địa phương; vận động nhân dân tham gia đóng góp xây dựng TYT theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”... Hiện nay, đã có 15 TYT được đầu tư xây dựng kiên cố, bảo đảm tiêu chuẩn. Từ năm 2022 đến nay, một số TYT xã, phường được cải tạo, sửa chữa khang trang, như: Nghĩa Ninh, Bảo Ninh, Bắc Lý, Nam Lý, Phú Hải…
Một trong những công trình TYT vừa được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại nhất là TYT phường Đồng Phú. Đây là TYT có quy mô khá lớn, phục vụ chăm sóc sức khỏe cho gần 13.000 người dân địa phương.
“Mỗi năm, TYT phường Đồng Phú KCB cho 3.500-4.000 bệnh nhân; tiêm phòng cho 1.500-1.800 lượt trẻ em và bà mẹ mang thai; đồng thời, thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường trên địa bàn. Được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm đầu tư xây mới, hiện TYT phường có quy mô 2 tầng, 12 phòng chức năng bảo đảm theo đúng tiêu chuẩn quốc gia về y tế, với đầu tư trang thiết bị KCB, như: Máy siêu âm, máy thở oxy, máy thở khí dung, máy đo tiểu đường… nên người bệnh đến thăm khám ngày một đông hơn. Tuy công việc có phần vất vả nhưng đội ngũ nhân viên y tế của trạm luôn nỗ lực trong chăm sóc sức khỏe cho bà con, tạo được sự tin tưởng đối với người dân địa phương”, bác sĩ Trần Thị Thoan, Trạm trưởng TYT phường Đồng Phú cho hay.
Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Đồng Hới Nguyễn Huy Bổng cho biết, ngoài phần lớn KCB bảo hiểm y tế, các TYT đã góp phần quan trọng trong phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, các bệnh mới lây lan, như: Sốt xuất huyết, sởi, cúm A (H1N1, H5N1, H7N9), mắt đỏ và một số dịch bệnh khác...
Cuối năm 2022, khi dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, Trung tâm Y tế TP. Đồng Hới phối hợp với các TYT xã, phường thực hiện việc điều tra dịch tễ, điều tra chỉ số côn trùng và phun thuốc diệt muỗi tại tại các điểm có dịch sốt xuất huyết… Kết quả đã triển khai phun hóa chất ở 30 ổ dịch thuộc 8 xã, phường trên địa bàn và tại các điểm tập trung đông người, như: Bệnh viện, trường học, các chợ, trung tâm mua bán hàng hóa… Nhờ đó, dịch sốt xuất huyết trên địa bàn được khống chế.
Tuy nhiên, để thực hiện tốt hơn nhu cầu chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho nhân dân và phòng, chống dịch bệnh tại các xã, phường, TP. Đồng Hới cần tiếp tục đầu tư sửa chữa, nâng cấp, trang bị thêm những thiết bị cần thiết ở một số TYT, đồng thời bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ y bác sĩ và có kế hoạch bổ sung nguồn nhân lực y tế cơ sở trên địa bàn.
“Là địa bàn rộng với trên 8.900 nhân khẩu, mỗi năm, TYT phường Bắc Nghĩa KCB cho 1.500-1.800 bệnh nhân với các bệnh thông thường, như: Viêm họng, cao huyết áp, dị ứng thời tiết, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn… Tuy được đầu tư xây dựng vào cuối năm 2021, nhưng TYT phường hiện vẫn chưa được đồng bộ. Trạm rất mong cấp trên quan tâm đầu tư xây dựng thêm khuôn viên, như: Hàng rào bao quanh, bê tông sân vườn, mái che mưa nắng và nhà bếp tập thể… Từ đó, vừa thực hiện tốt hơn công tác vệ sinh, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, vừa tạo điều kiện để cán bộ, nhân viên bảo đảm sinh hoạt, nghỉ ngơi sau các ca trực 24/24 giờ”, bác sĩ Nguyễn Thị Thúy Hồng, phụ trách TYT phường Bắc Nghĩa chia sẻ.
Nhiều TYT cũng phản ánh, vì địa bàn rộng, đông dân nhưng số lượng cán bộ y tế xã, phường còn ít, khó kham hết các nhiệm vụ, từ khám, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, tiêm phòng vắc-xin cho bà mẹ và trẻ em, phòng chống các loại dịch bệnh… Nếu được bổ sung thêm đội ngũ nhân viên cho các TYT sẽ nâng cao hơn chất lượng KCB tại các xã, phường. Hiện, một số địa phương có đông dân cư hoặc ở xa trung tâm nhưng đội ngũ cán bộ y tế xã, phường có hạn, nhiều lúc không đảm đương hết lượng công việc khá lớn, như: TYT Bắc Nghĩa, Phú Hải, Đồng Sơn, Thuận Đức…
“Để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên, kịp thời và nâng cao chất lượng KCB ban đầu cho người dân, thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương chú trọng ưu tiên đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho TYT các xã, phường, nhất là địa bàn xa trung tâm; triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, tổ chức tập huấn cho viên chức TYT các xã, phường về chức năng nhập và điều chỉnh số liệu, tích hợp dữ liệu từ phần mềm (VNPT-HIS)...”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đồng Hới Hoàng Thị Thanh Nhung trao đổi thêm.