Nâng cao chất lượng văn học trẻ: Cần một hệ sinh thái khởi nghiệp, ươm mầm, phát triển

Bàn về việc nâng cao chất lượng sáng tác văn học trẻ, PGS.TS Phạm Xuân Thạch, khoa Văn học, Trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) đưa ra cái nhìn về mối liên hệ giữa nhà văn mới và những người khởi nghiệp (start up), về sự cần thiết có một hệ sinh thái khởi nghiệp để ươm mầm và phát triển.

Sáng ngày 28/11 tại Hà Nội, Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VHTTDL) đã tổ chức hội thảo "Nâng cao sáng tác văn học trẻ", với mục đích tạo ra diễn đàn để các nhà văn, chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu làm rõ một số vấn đề về công tác nâng cao năng lực sáng tác trẻ, đề xuất những giải pháp, nâng cao vai trò của các cơ quan nhà nước, các hội chuyên ngành về văn học trong việc tạo sự phát triển văn học trẻ.

Nói về khái niệm, PGS.TS Phạm Xuân Thạch, Khoa Văn học, Đại học KHXH&NV không muốn sử dụng "nhà văn trẻ" khi khái niệm này được căn cứ vào độ tuổi của người sáng tác. Bởi nếu sử dụng khái niệm này sẽ khiến cho các cây bút rơi vào tình huống "những đứa trẻ chết già" khi mọi người mặc định cho họ, không phải là hoàn thiện để đạt đến đỉnh cao sự nghiệp mà là phải trưởng thành, nghĩa là già đi và không chừng cùn mòn đi.

Toàn cảnh hội thảo về nâng cao sáng tác văn học trẻ do Cục Nghệ thuật Biểu diễn tổ chức

Toàn cảnh hội thảo về nâng cao sáng tác văn học trẻ do Cục Nghệ thuật Biểu diễn tổ chức

Thay vào đó, PGS.TS Phạm Xuân Thạch muốn sử dụng khái niệm "nhà văn mới" để chỉ những người bắt đầu sự nghiệp viết văn, và coi họ là những start up mà để có thành công cần có một hệ sinh thái khởi nghiệp như tác nhân khởi nghiệp (sở hữu ý tưởng và triển khai dự án khởi nghiệp), những thiết chế đầu tư mang tính đặc thù bởi tính rủi ro cao của các dự án khởi nghiệp, những tác nhân hỗ trợ tác nhân khởi nghiệp trong việc huấn luyện các kỹ năng cần thiết để triển khai dự án, những thiết chế đại học, nghiên cứu, nơi ươm mầm cho các ý tưởng khoa học và công nghệ, thúc đẩy sự tiến triển của tri thức và làm xuất phát của các ý tưởng khởi nghiệp.

"Trong thế giới khởi nghiệp, được giới thiệu ý tưởng khởi nghiệp để có thể kết nối với nhà đầu tư là một vấn đề vô cùng quan trọng. Đối với văn học, đây chính là vai trò của các cuộc thi và giải thưởng văn học để có thể phát hiện những ý tưởng nghệ thuật và những cá nhân có năng lực sáng tác. Vây mà đây lại là một trong những khâu yếu của đời sống văn học hiện nay. Nên chăng, có một chính sách ở tầm quốc gia về hệ thống các cuộc thi và giải thưởng văn chương?", PGS.TS Phạm Xuân Thạch đề xuất.

Nhà văn Trịnh Thị Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM khẳng định, từ các cuộc thi văn chương và các giải thưởng văn chương đã tạo cơ hội cho các cây bút trẻ xuất hiện và thành danh. Tuy nhiên, đời sống xã hội đang đặt ra nhiều đòi hỏi gay gắt về nhu cầu vật chất của từng cá nhân, từng gia đình. Hầu hết tác giả trẻ vẫn phải vật lộn với công việc mưu sinh. Văn chương chưa được xem như một nghề để dồn mọi tâm huyết sống chết cùng trang viết thì nhiều dự định, nhiều hoài bão, nhiều ý tưởng vẫn còn chông chênh, rơi rớt. Nhiều tác giả trẻ cũng đã dừng bước trên hành trình nhọc nhằn chữ nghĩa bởi chưa đủ đam mê và cũng chưa đủ cô đơn để dành hết tâm lực cho văn chương.

Trước thực tế của sáng tác văn học trẻ TP.HCM, nhà văn Trịnh Thị Bích Ngân cho rằng, điều khó nhất với các cây bút trẻ có lẽ là sự tự thân nỗ lực để đủ sức đối diện với thực tế, với khó khăn và giữ cho trái tim không khô cằn. Còn để văn chương trẻ TP.HCM vận hành từ bề rộng đến đỉnh cao, cần sự trợ lực của nhiều giới, nhiều ngành. Đó là cần có ngân sách hợp lý dành cho văn học trẻ, có chiến lược đầu tư thỏa đáng cho văn học trẻ. Nhà nước cần đặt hàng cho các tác giả trẻ, nhất là thể loại tiểu thuyết. Khi và chỉ khi, các tác giả trẻ yên tâm với sứ mệnh ngồi trước trang viết thì họ mới phát huy hết trách nhiệm người cầm bút đích thực. Đồng thời, việc cần, rất cần là nhà nước gấp rút có chiến lược đầu tư cho việc quảng bá văn học ra thế giới. Xuất khẩu các sản phẩm văn hóa mà thiếu mặt hàng văn học không chỉ thiệt thòi cho người sáng tạo, văn chương thành phố, văn chương quốc gia mà còn thiệt thòi cho thành tựu đặc biệt về văn hóa đã không được thế giới biết đến và càng thiệt thòi hơn khi vẻ đẹp tâm hồn và sức mạnh nội tâm của dân tộc Việt Nam thông qua các tác phẩm văn học có giá trị, chưa được bước ra khỏi biên giới Tổ quốc.

Theo PGS.TS Phạm Xuân Thạch, nhà văn mới rất cần hệ sinh thái khởi nghiệp

Theo PGS.TS Phạm Xuân Thạch, nhà văn mới rất cần hệ sinh thái khởi nghiệp

Là một tác giả trẻ, nhà văn Hiền Trang cho biết, từ một khóa đào tạo viết văn quốc tế tại Iowa, thành phố thứ 3 trên thế giới được UNESCO công nhận là thành phố văn chương, cô chưa bao giờ cảm nhận danh xưng "nhà văn" được mến trọng như thế. Nơi đây, làm văn chương là một nghề nghiệp được trọng vọng. Không ai hỏi bạn, vậy còn làm công việc nào khác để sống không?

"Khi tham gia khóa học này, bạn không bị ép phải viết. Khoảng thời gian bình lặng ở Iowwa cho tôi quá nhiều chất liệu. Và khi trong tay có nhiều chất liệu như thế, tự nhiên tôi sẽ nghĩ, dù không ai bắt buộc, nếu mình không viết thì thật có lỗi. Văn chương ra đời tự nhiên như vậy. Tôi nghĩ, văn chương không phải là gạch, văn chương là keo gắn kết. Và phải có gạch đã rồi mới xây được văn chương. Phải sống đã, rồi mới viết", nhà văn Hiền Trang chia sẻ.

Ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho biết: "Trong thực tiễn chỉ đạo và quá trình nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng, hiện nay, sự tác động đến quá trình xã hội hóa, chất lượng sáng tác trẻ chịu sự tác động nhiều chiều, nhiều yếu tố và xu hướng ảnh hưởng khác nhau. Rất cần có những đổi mới về nội dung, phương thức, định hướng sáng tác. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là chúng ta đổi mới đến đâu, làm như thế nào để nâng cao chất lượng sáng tác trẻ thực sự thấm thấu đến người viết trẻ, được công chúng đón nhận, thực sự tạo ra cơ sở hình thành những giá trị trong nền văn chương nước nhà".

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nang-cao-chat-luong-van-hoc-tre-can-mot-he-sinh-thai-khoi-nghiep-uom-mam-phat-trien-post559352.antd