Nâng cao chất lượng xử lý chất thải rắn ở nông thôn
Quản lý chất thải rắn ở nông thôn không chỉ góp phần vào giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao nhận thức của người dân trong việc giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn, bảo vệ môi trường mà còn góp phần hoàn thành tiêu chí về môi trường trong xây dựng Nông thôn mới.
Hiện, toàn tỉnh có 14 đô thị, nhưng chỉ có 2 đô thị là thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ) và thị trấn Yên Minh (Yên Minh) được đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt. Thành phố Hà Giang đang triển khai Dự án thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt. Các đô thị còn lại chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải, nước thải chủ yếu được thoát qua hệ thống rãnh dọc của đường giao thông và tự chảy theo địa hình tự nhiên. Rác thải sinh hoạt đô thị sau khi thu gom được xử lý tại các bãi rác bằng cách: Chôn lấp; đổ thải kết hợp đốt trong lò đốt; đổ và chôn lấp rác thải không hợp vệ sinh. Các bãi xử lý rác thải chưa được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các công trình bảo vệ môi trường, rác thải chưa được xử lý triệt để đã phát sinh ô nhiễm ảnh hưởng đến môi trường và nhân dân trong khu vực.
Nhằm tạo sự chuyển biến, đột phá trong công tác vệ sinh môi trường, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch tổng thể, đột phá về công tác vệ sinh môi trường tại các khu vực đô thị và vùng nông thôn. Tại trung tâm các xã nông thôn, rác thải sinh hoạt được thu gom với 4 hình thức là: Công ty Cổ phần môi trường đô thị Hà Giang, Trung tâm dịch vụ công cộng môi trường và cấp thoát nước các huyện tổ chức thu gom rác thải tại trung tâm và khu vực tập trung đông dân cư của xã; UBND xã thành lập tổ thu gom rác thải, kinh phí hoạt động từ nguồn thu phí của các hộ dân trong khu vực; UBND xã thuê người thu gom rác thải của trung tâm xã, rác thải của chợ theo phiên chợ; các cơ quan, trường học tự thu gom và xử lý rác thải trong khuôn viên của cơ quan, đơn vị. Tại các thôn, bản xa trung tâm xã chưa tổ chức thu gom rác thải tập trung, người dân tự thu gom và xử lý rác thải trong khuôn viên gia đình. Công tác thu gom rác thải sinh hoạt tại khu vực nông thôn còn nhiều bất cập do khó khăn về kinh phí và phương tiện vận chuyển, tỷ lệ thu gom mới đạt khoảng 50%.
Năm 2020, UBND tỉnh ban hành các văn bản, kế hoạch, quyết định, chỉ thị và hướng dẫn các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố về công tác quản lý môi trường, triển khai một số nhiệm vụ cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trách nhiệm thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường; chỉ đạo triển khai thu gom, xử lý, giám sát về rác thải sinh hoạt khu vực đô thị và nông thôn. UBND các huyện, thành phố đã ban hành và thực hiện kế hoạch tổng thể vệ sinh môi trường của địa phương; tỷ lệ thu gom rác thải trung bình đạt trên 93,5%. Việc thu gom rác thải khu vực nông thôn đã có nhiều chuyển biến, toàn tỉnh có 94/173 xã tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt, 120/152 chợ đã tổ chức thu gom rác thải. Tỉnh triển khai các dự án nâng cấp, cải tạo bãi xử lý rác thải tại thị trấn Phố Bảng (Đồng Văn); thị trấn Yên Phú (Bắc Mê); trung tâm huyện Quản Bạ; thị trấn Vĩnh Tuy, xã Tân Quang (Bắc Quang); xã Xuân Giang và trung tâm huyện Quang Bình. UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Hà Giang đến năm 2025 tại Quyết định số 1575/QĐ-UBND. Giao Sở Xây dựng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt và báo cáo UBND tỉnh những bất cập để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tiễn. Bên cạnh đó, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị 1085/CT-UBND về việc chấn chỉnh công tác bảo vệ môi trường, thu gom và xử lý rác thải. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổ chức lập Quy hoạch tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có tích hợp quy hoạch các công trình bảo vệ môi trường và các vị trí xây dựng bãi xử lý rác thải. UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 1867/CT-UBND về giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh; Văn bản số 2536/UBND-KTTH về việc tăng cường quản lý và giám sát về rác thải sinh hoạt. Tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy, tăng cường năng lực quản lý môi trường, ưu tiên cấp huyện, xã sử dụng nguồn sự nghiệp môi trường để bố trí cán bộ hợp đồng phụ trách công tác bảo vệ môi trường cấp xã; tăng cường đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
Hiện nay, các mô hình quản lý chất thải nông thôn đã phát triển ở nhiều địa phương nhưng hoạt động kém hiệu quả và không bền vững. Để nâng cao chất lượng xử lý chất thải rắn ở nông thôn cần tăng cường sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, ngành trong công tác bảo vệ môi trường. Thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về công tác bảo vệ môi trường nói chung và vệ sinh môi trường nói riêng để hướng tới sự phát triển bền vững.