Nâng cao chỉ số Tính năng động của chính quyền góp phần cải thiện và đẩy mạnh thu hút đầu tư

Là một trong 10 chỉ số thành phần để đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số Tính năng động của chính quyền là thước đo, đánh giá tính sáng tạo, linh hoạt của chính quyền tỉnh trong quá trình thực thi chính sách, pháp luật và giải quyết hiệu quả những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư. Do đó, việc nâng cao điểm số và thứ hạng của chỉ số này sẽ góp phần giúp tỉnh cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư hơn nữa trong thời gian tới.

Cán bộ ngành Thuế Vĩnh Phúc năng động, đổi mới, ứng dụng các phần mềm quản lý Thuế trên môi trường mạng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Ảnh: Chu Kiều

Cán bộ ngành Thuế Vĩnh Phúc năng động, đổi mới, ứng dụng các phần mềm quản lý Thuế trên môi trường mạng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Ảnh: Chu Kiều

Từ quan điểm "Lấy công nghiệp là nền tảng cho sự phát triển", những năm qua, Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, khơi thông các điểm nghẽn, tạo thuận lợi cho mọi hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của các DN phát triển.

Nhiều nhà đầu tư cho biết, họ rất ấn tượng với sự năng động, tinh thần tiên phong, thái độ làm việc có trách nhiệm và khả năng giải quyết hiệu quả các vấn đề thực tiễn của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh.

Đơn cử: Những tháng đầu năm 2022, dịch Covid – 19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến SXKD, Vĩnh Phúc đã linh hoạt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các DN vốn, thị trường, lưu thông hàng hóa, nguồn lao động; mà cụ thể là cho phép các trường hợp F1 đã tiêm đủ 2 liều vắc xin, không có triệu chứng nhiễm bệnh và xét nghiệm âm tính với Covid-19 được đi làm, giúp hoạt động sản xuất không bị gián đoạn và không có DN nào phải đóng cửa, dừng sản xuất...

Bên cạnh đó, thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo các cơ quan liên quan, các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn, trọng điểm có ảnh hưởng tới phát triển KT - XH, đặc biệt là các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, tạo mặt bằng sạch làm cơ sở thu hút các dự án đầu tư...

Những nỗ lực này đã giúp tỉnh cải thiện điểm số và thứ hạng ở một loạt chỉ số thành phần; trong đó có chỉ số tính năng động với việc xếp hạng thứ 15/63 tỉnh, thành phố trong năm 2021 với 7,2 điểm (tăng 0,61 điểm và 6 bậc so với năm 2020), cao hơn bình quân cả nước (6,82 điểm).

Trong 9 chỉ tiêu đánh giá chỉ số tính năng động, có tới 5 chỉ tiêu đã được cải thiện so với năm 2020 bao gồm: Chỉ tiêu Thái độ của chính quyền tỉnh với khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) là tích cực; chỉ tiêu Phản ứng của tỉnh khi có điểm chưa rõ trong chính sách và văn bản trung ương: “trì hoãn thực hiện và xin ý kiến chỉ đạo” và “không làm gì”; chỉ tiêu các sở, ban, ngành không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh; chỉ tiêu UBND tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề mới phát sinh và chỉ tiêu chính quyền cấp huyện, thị xã không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh, thành phố.

Điều này cho thấy, hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến các cơ quan chuyên môn và cấp huyện đã quan tâm hơn đến sự phát triển của khu vực KTTN, các vấn đề vướng mắc của khu vực này đã được chỉ đạo giải quyết tốt hơn. Nhiều khó khăn, vướng mắc của DN được lãnh đạo UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo với thái độ quyết liệt.

Tuy nhiên, chưa đáp ứng được với nhu cầu của DN thể hiện qua việc vẫn có 1/9 chỉ tiêu chưa được cải thiện (chỉ tiêu 7) - Các khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ kịp thời qua các cuộc đối thoại, tiếp xúc DN tại tỉnh năm 2021 của tỉnh đạt 73%, giảm 15% so với năm 2020; thấp hơn bình quân cả nước...

Điều đó đòi hỏi tỉnh cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo hơn nữa chính sách của Trung ương cũng như trong việc đưa ra các sáng kiến riêng, nhằm phát triển khu vực KTTN và quyết liệt hơn trong việc hỗ trợ DN.

Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI của tỉnh nói chung, chỉ số tính năng động của chính quyền tỉnh nói riêng, năm 2022, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo đột phá về thể chế, cơ chế chính sách; nhất quán thực hiện "3 trụ cột" là phát triển KT - XH, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, môi trường; triển khai có hiệu quả 31 đề án khơi thông nguồn lực; rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo động lực phát triển cho giai đoạn 2021 - 2025.

Cùng với đó, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao; đẩy nhanh chuyển đổi số, xây dựng chính Chính phủ điện tử, Chính phủ số. UBND tỉnh giao Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tiếp tục duy trì việc tổ chức khảo sát, lấy ý kiến của các DN về những khó khăn, vướng mắc để kịp thời tổng hợp báo cáo đề xuất chỉ đạo giải quyết kịp thời.

Nghiên cứu, phối hợp với VCCI đề xuất UBND tỉnh kế hoạch triển khai lấy ý kiến đánh của DN đối với các cơ chế, chính sách của tỉnh, sự năng động, sáng tạo và thái độ công tác của các sở, ban, ngành và địa phương để đánh giá, xếp hạng Chỉ số năng lực điều hành (DDCI) đối với các sở, ban, ngành của tỉnh và của UBND cấp huyện trong năm 2022...

Lưu Nhung

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/82682/nang-cao-chi-so-tinh-nang-dong-cua-chinh-quyen-gop-phan-cai-thien-va-day-manh-thu-hut-dau-tu.html