Nâng cao công tác quản lý, vận hành công trình nước sạch nông thôn

Trong những năm qua, chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh được đầu tư từ nhiều nguồn vốn như: Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Chương trình MTQG nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Dự án Giảm nghèo, Chương trình 135, Dự án ổn định dân cư và phát triển KT-XH vùng chuyển dân lòng hồ Hòa Bình, Dự án Childfund, Chương trình WB, Dự án ADB, Ngân hàng CSXH… Từ các nguồn vốn đã thực hiện lồng ghép xây dựng các công trình nước sạch tập trung, bể chứa nước sạch, giếng đào, giếng khoan, tạo điều kiện cho Nhân dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Xã Hang Kia (Mai Châu) được đầu tư công trình nước sạch, đáp ứng yêu cầu cung cấp nước sạch cho Nhân dân.

Theo rà soát, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 297 công trình cấp nước tập trung được xây dựng từ nhiều nguồn vốn. Trong đó, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được giao quản lý 19 công trình, đến ngày 20/11/2020, trung tâm đã tiếp nhận quản lý, vận hành, khai thác 7 công trình; các công trình còn lại chủ yếu do UBND xã quản lý.

Theo số liệu thống kê kết quả thực hiện Bộ chỉ số theo dõi - đánh giá nước sạch nông thôn năm 2020, tổng số dân/hộ nông thôn trên địa bàn tỉnh là 755.749/167.788 hộ; trong đó, tỷ lệ người/hộ nông thôn sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn áp dụng đạt 50,1%; tỷ lệ người/hộ nông thôn sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung 16,1%; tỷ lệ người/hộ nông thôn sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước quy mô hộ gia đình 34%. Tỷ lệ hộ nghèo sử dụng nước sạch 40,5%; tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng nước sạch 40,5%; tổng số người dân được cấp nước tăng thêm trong năm 2020 là 2.860 người.

Trong số 297 công trình cấp nước tập trung, theo đánh giá về chất lượng công trình có 60 công trình hoạt động bền vững (chiếm 20,2%); tương đối bền vững 87 công trình (chiếm 29,3%); kém bền vững 84 công trình (chiếm 28,3%), tổng số người dân sử dụng nước từ các công trình cấp nước kém bền vững 8.435 người; có 66 công trình không hoạt động (chiếm 22,2%), tổng số người dân bị ảnh hưởng từ các công trình cấp nước không hoạt động 79.804 người.

Về cấp nước hộ gia đình, tổng số có 145.521 công trình. Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường tỉnh cùng các địa phương thường xuyên triển khai các hoạt động để nâng cao chất lượng nước từ các công trình cấp nước, tuyên truyền đến người dân về đảm bảo vệ sinh cho việc tích trữ nguồn nước sinh hoạt. Các công trình nước trên địa bàn tỉnh cơ bản đảm bảo, không bị ảnh hưởng về chất lượng khi xảy ra thiên tai.

Mặc dù vậy, số công trình nước trên địa bàn tỉnh bị hư hỏng, xuống cấp khá nhiều, số dân bị ảnh hưởng bởi các công trình nước không hoạt động lớn. Nhiều công trình quản lý kém sau đầu tư gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng tới đời sống người dân, cần được xem xét sửa chữa, nâng cao hiệu lực quản lý các công trình nước.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 nêu rõ: Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước sạch là 95%. Nhằm đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh tiếp tục huy động các nguồn lực của T.Ư và địa phương, sự tham gia đóng góp của Nhân dân để nâng cấp, sửa chữa các công trình hư hỏng, mở rộng cấp nước cho các công trình đang hoạt động tốt để người dân nông thôn được sử dụng nước sạch. Mở các lớp tập huấn về quản lý, vận hành, bảo dưỡng công trình nước tập trung. Từ đó rút kinh nghiệm quản lý, vận hành sau đầu tư cho cán bộ quản lý công trình, nhằm đảm bảo vận hành hiệu quả các công trình nước sạch nông thôn, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát phiển kinh tế, ổn định an sinh xã hội đối với vùng nông thôn, nhất là các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa.

V.H

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/28/151469/nang-cao-cong-tac-quan-ly,-van-hanh-cong-trinh-nuoc-sach-nong-thon.htm