Nâng cao đạo đức cách mạng xây dựng đảng trong sạch vững mạnh

Đạo đức gồm những quy tắc ứng xử được xem là chuẩn mực của một cộng đồng nhằm điều chỉnh quan hệ xã hội.

Đồng chí Nguyễn Hồng Thắng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy trao giải Nhất cho các tập thể tham gia Cuộc thi “Tìm hiểu các nghị quyết BCH Trung ương Đảng khóa XII”. Ảnh: Thanh Phúc

Đồng chí Nguyễn Hồng Thắng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy trao giải Nhất cho các tập thể tham gia Cuộc thi “Tìm hiểu các nghị quyết BCH Trung ương Đảng khóa XII”. Ảnh: Thanh Phúc

Đạo đức được đánh giá bởi dư luận: Chê trách, lên án kẻ xấu; khen ngợi, biểu dương người tốt. Tuy không có hình phạt như pháp luật nhưng phán xét của dư luận có ảnh hưởng lâu dài. “Voi chết để da, người ta chết để tiếng”. “Tiếng thơm muôn thuở, tiếng xấu muôn đời”. “Trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Đạo đức mang dấu ấn vùng miền, dân tộc. Một hành vi là hợp chuẩn ở vùng này có thể lệch chuẩn ở vùng khác. Trong xã hội có giai cấp, đạo đức thể hiện ý chí của giai cấp thống trị.

Đạo đức thay đổi song hành cùng chế độ xã hội. Những chuẩn mực lạc hậu, cản trở sự phát triển sẽ tự mất đi hoặc bị xóa bỏ; những giá trị tốt đẹp được tiếp thu, nâng cao, đưa vào nội hàm mới. Chẳng hạn, “trung quân ái quốc” xưa, nay là “trung với nước hiếu với dân”.

Đạo đức cách mạng hình thành theo quy luật chung đó. Bác Hồ, người sáng lập Đảng ta cụ thể hóa đạo đức cách mạng với các chuẩn mực: Cần (siêng năng, chăm chỉ, có kế hoạch, sáng kiến, quyết làm thành công mọi việc); kiệm (tiết kiệm sức lao động, thời giờ, tiền của, không xa xỉ, hoang phí); liêm (không vụ lợi, tham nhũng); chính (ngay thẳng, khiêm tốn, hiểu dân, tin yêu dân, trọng dân, học dân, tự mình phải làm gương mẫu để dân noi theo, không tự kiêu, nịnh trên, nạt dưới); chí công vô tư (đặt lợi ích của dân lên trên hết, một lòng một dạ phục vụ dân “việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm, việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh”).

Đảng là đạo đức là văn minh, thắm tình đồng chí; đảng viên là người “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, “giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khổ không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục”. Đức là gốc. Có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước. Do đó cán bộ, đảng viên phải luôn luôn trau dồi, thực hành, nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Vì chủ nghĩa cá nhân đẻ ra là những căn bệnh nguy hiểm, làm băng hoại đạo đức cách mạng, làm đảng viên thoái hóa biến chất.

Thành phố Tuyên Quang trên đà phát triển. Ảnh: Quang Minh

Thành phố Tuyên Quang trên đà phát triển. Ảnh: Quang Minh

Vũ khí sắc bén để nâng cao đạo cách mạng là tự phê bình và phê bình. Mỗi đảng viên phải tự kiểm điểm, tự phê bình việc làm, lời nói và tự sửa chữa khuyết điểm của mình như mỗi ngày phải rửa mặt. Đồng thời hoan nghênh, vui vẻ tiếp thu người khác phê bình mình. Tự phê bình phải thật thà, công khai nhận trước mặt mọi người những khuyết điểm của mình. Tự phê bình và phê bình nhằm chỉ ra thiếu sót khuyết điểm, tìm ra nguyên nhân, phương pháp sửa chữa và kiên quyết sửa chữa những sai lầm đó, phát huy ưu điểm cùng tiến bộ. Cách thức phê bình phải thiết thực, thân ái, theo hai chiều từ trên xuống, từ dưới lên và đồng nghiệp phê bình lẫn nhau và khuyến khích quần chúng phê bình. Đảng viên chỉ xứng đáng khi công khai thừa nhận và can đảm sửa chữa khuyết điểm. Đây thực sự là một cuộc đấu tranh, đấu tranh với những khuyết điểm của chính mình để hoàn thiện bản thân.

Sinh thời, Bác Hồ thường xuyên chăm lo công tác xây dựng Đảng. Người thường xuyên chỉ thị, nhắc nhở, khẩn thiết yêu cầu tổ chức Đảng, đảng viên phải kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, không ngừng thực hành và nâng cao đạo đức cách mạng. Vì chỉ có như vậy Đảng mới trở nên ngày càng vững mạnh, mới được nhân dân tin tưởng và mới làm tròn sứ mệnh lãnh đạo cách mạng của mình.

Kỷ niệm 90 ngày thành lập Đảng, chuẩn bị đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng lần thứ XIII là dịp mỗi tổ chức Đảng, đảng viên nhận thức sâu sắc hơn về tầm quan trọng của đạo đức cách mạng. Nêu cao tính gương mẫu về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong, trách nhiệm trong công tác, ý thức tổ chức kỷ luật, đoàn kết nội bộ. Đi đôi với đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, chống những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, sa sút đạo đức, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Lựa chọn người có đủ đức tài để bầu vào cấp ủy các cấp không, xem nhẹ mặt nào.

Cách nay hơn hai trăm năm, thi hào Nguyễn Du từng viết: “Chữ tài liền với chữ tai một vần”, người tài mà thất đức không chỉ rước họa vào thân mà còn gây tai họa cho cả xã hội.

Phù Ninh

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xay-dung-dang-nha-nuoc/nang-cao-dao-duc-cach-mang-xay-dung-dang-trong-sach-vung-manh-127358.html