Bài cuối: Nâng cao đạo đức công vụ cho lực lượng thực thi nhiệm vụ
Sau 1 tháng tấn công, truy quét hàng giả đồng loạt trên cả nước, kết quả bước đầu được nhân dân và dư luận đánh giá rất cao và mong rằng, việc kiểm tra, đấu tranh với hàng giả cần tiếp tục được thực hiện một cách mạnh mẽ, quyết liệt, thường xuyên liên tục, để bảo vệ sức khỏe người dân, làm trong sạch thị trường và bảo vệ nền kinh tế của đất nước.
Không có vùng cấm, không có ngoại lệ
Thuốc chữa bệnh lâu nay là lĩnh vực được người dân đặc biệt quan tâm và cũng là hàng hóa đặc biệt vì nó liên quan trực tiếp tới sức khỏe, mạng sống của con người, nên kinh doanh dược là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, qua công tác kiểm nghiệm đã phát hiện trên thị trường rất nhiều loại thuốc bị làm giả, từ kháng sinh, huyết áp, thuốc điều trị dạ dày, đến thuốc ung thư. Là ngành nghề kinh doanh đặc biệt, nhưng thuốc chữa bệnh thời gian qua lại được bán tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội, ai cũng có thể trở thành người kinh doanh thuốc và ai cũng có thể mua dễ dàng.
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) là nơi tiếp nhận hồ sơ, tổ chức thẩm định hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc; cấp, gia hạn, thay đổi, bổ sung và thu hồi giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc… Đây cũng là đơn vị quản lý chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Thời gian qua, thuốc giả bị phát hiện chủ yếu là những loại chưa được phép lưu hành, bên cạnh đó, lực lượng chức năng còn phát hiện nhiều loại thuốc được cấp phép nhưng khi lấy mẫu kiểm tra phát hiện vi phạm chất lượng.

Công an Thanh Hóa triệt phá vụ sản xuất tân dược giả có quy mô lớn.
Lý giải vì sao thuốc giả lại xuất hiện ở một số cơ sở bán lẻ, ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thuốc sản xuất bất hợp pháp vẫn có thể lưu hành trên thị trường là do chế tài xử lý đối với các trường hợp vi phạm chưa đủ sức răn đe.
Ví dụ, giá trị của một hộp thuốc giả bị phát hiện có thể chỉ ở mức vài trăm nghìn đồng, do đó, mức xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 117 chỉ từ một đến vài triệu đồng. Vì vậy, bên cạnh việc nâng cao chế tài xử phạt đối với các cơ sở vi phạm, cần có quyết tâm cao và sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật để truy tìm, truy vết và triệt phá các địa điểm sản xuất.
Điều này rất quan trọng. Điển hình như vụ việc tại Thanh Hóa, trên cơ sở báo cáo về thuốc giả của Sở Y tế Thanh Hóa gửi Bộ Y tế, Bộ đã chỉ đạo Sở Y tế Thanh Hóa phối hợp với Cục Quản lý thị trường và các lực lượng chức năng trên địa bàn kịp thời chuyển hồ sơ các vụ việc có dấu hiệu hình sự cho cơ quan Công an điều tra. Công an tỉnh Thanh Hóa đã lập chuyên án để đấu tranh, triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh có quy mô lớn trên toàn quốc, bắt giữ 14 đối tượng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhận định, một trong những vấn đề nhức nhối hiện nay là nạn thuốc giả và những hệ lụy nghiêm trọng mà nó để lại cho xã hội, đặc biệt là đối với sức khỏe nhân dân và uy tín của ngành y tế. Do vậy, bất kỳ hành vi sản xuất, buôn bán, lưu hành thuốc giả nào - dù chỉ là một viên thuốc - cũng là hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật, vi phạm đạo đức xã hội và cần bị lên án, xử lý nghiêm minh.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, hệ lụy của thuốc giả không chỉ đe dọa sức khỏe con người, nó còn làm suy yếu ngành công nghiệp dược, ảnh hưởng đến sự tồn vong của các doanh nghiệp chân chính. Đó là chưa kể đến hậu quả pháp lý, đạo đức và niềm tin.Vụ việc thuốc ung thư giả trước đây, đến vụ việc thực phẩm chức năng giả gần đây, cơ quan điều tra đã bắt giữ nhiều cán bộ của Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược, Cục An toàn thực phẩm. Đây là hành vi vi phạm rất nghiêm trọng bởi nó liên quan trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng của người dân.
Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, quan điểm của Bộ Y tế rất rõ ràng và nhất quán, phải đấu tranh, xử lý nghiêm khắc với nạn thuốc giả, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Đồng thời, phải xử lý cả hành vi bao che, tiếp tay, thiếu trách nhiệm trong quản lý, để thuốc giả len lỏi vào hệ thống phân phối thuốc.
Truy quét hàng giả để ủng hộ doanh nghiệp chân chính
Theo Thượng tá Vũ Thị Hoàng Yến, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hà Nội, đơn vị đang tiếp tục đẩy mạnh việc theo dõi và phát hiện kịp thời các đường dây, ổ nhóm tội phạm có tổ chức trong sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; thiết thực triển khai tháng cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Công an TP Hà Nội đã xây dựng nhiều kế hoạch chi tiết và phương án nhằm xử lý những trường hợp vi phạm, tập trung vào các hành vi tàng trữ, sản xuất, mua bán và vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả và các sản phẩm vi phạm quy định an toàn thực phẩm. Ngoài ra, tăng cường kiểm tra và giám sát các hoạt động thương mại điện tử, vốn đang phát triển mạnh mẽ nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Với các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, các đơn vị chuyên môn của Công an TP Hà Nội sẽ phối hợp cùng Cục QLTT Hà Nội nghiên cứu, chuyển giao, tiếp nhận hồ sơ, tang vật vi phạm để tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Công an TP Hà Nội cũng sẽ phát động phong trào toàn dân tố giác tội phạm trong phòng, chống hàng giả, coi đây là một trong những giải pháp thiết thực để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống hàng giả tại địa bàn Thủ đô.
TS.LS Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đưa ra thực trạng đáng buồn là thời gian qua, nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính không thể cạnh tranh được với những gian thương, hàng giả tinh vi đi vào mọi lĩnh vực, mặt hàng nào càng bán chạy thì càng bị làm giả nhiều. Vì sức khỏe của người dân, Luật sư Cường cho rằng, đã đến lúc phải thanh lọc thị trường, siết chặt công tác quản lý, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất buôn bán hàng giả, quảng cáo gian dối, tiếp tay cho hàng kém chất lượng. Cuộc đấu tranh chống hàng giả không chỉ cao điểm trong một tháng mà cần xuyên suốt, quyết liệt và mạnh mẽ như thời gian vừa qua, để làm trong sạch thị trường, xây dựng một xã hội minh bạch, một nền kinh tế thực chất và mang lại niềm tin cho nhân dân.
Nhiều chuyên gia cũng đồng tình với kiến nghị từ người phát ngôn Bộ Công an, đợt cao điểm tấn công hàng giả nên kéo dài 3 tháng thay vì 1 tháng, vì muốn xử lý tận gốc thì cần thời gian và chiến lược lâu dài. Quan trọng là sau chiến dịch, cần có tổng kết, rút kinh nghiệm và tiếp tục có chỉ đạo sát thực tế hơn để duy trì hiệu quả và ngăn chặn triệt để vấn nạn này.
Luật sư Trương Tiến Hùng, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hồng Phú (Hà Nội) thì cho rằng, các cơ quan truyền thông tăng cường phổ biến tuyên truyền về quy định của pháp luật về điều kiện đối với nhà sản xuất, nhà phân phối, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, trách nhiệm bồi thường thiệt hại, xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự với các hình phạt nghiêm khắc. Cần xây dựng cơ chế khen thưởng kịp thời đối với tổ chức, cá nhân phát hiện đưa tin, báo cáo cơ quan chức năng về hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Sắp xếp nguồn tiền thưởng từ việc xử phạt vi phạm. Nhờ đó huy động được lực lượng tích cực đấu tranh chống tiêu cực đối với hành vi nguy hiểm này.
Luật sư cũng đưa ra kiến nghị cần ban hành các quy định chủ thể phải tự tìm hiểu và tự đáp ứng, lưu giữ minh chứng đủ điều kiện sản xuất kinh doanh an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng hóa khác. Khi bắt đầu hoạt động, chủ cơ sở phải báo cáo để cơ quan chức năng kiểm tra xem đã đủ điều kiện thực tế để sản xuất kinh doanh hay không. Khi đã vi phạm thì bị cấm hoạt động trong thời gian ít nhất là 5 năm, song hành với các hình thức xử lý khác.
Đồng thời, phải tăng cường sự chỉ đạo của các cấp chính quyền và nâng cao chất lượng, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhân viên thực thi công vụ. Tăng cường các cuộc kiểm tra đột xuất đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh; kiên quyết xử lý thích đáng đối với mọi vi phạm. Trang bị các phương tiện, thiết bị khoa học công nghệ chuyên ngành tiên tiến, để theo dõi trên không gian mạng, giám định chất lượng hàng hóa rất đa dạng chủng loại và phức tạp về thành phần sinh hóa nhằm phát hiện hàng giả sớm nhất có thể.
"Tôi nghĩ những cơ quan chức năng như Bộ Y tế, Bộ Công thương… cần tăng cường giáo dục đạo đức công vụ cho cán bộ, công chức làm việc trong lĩnh vực cấp phép, thẩm định, hậu kiểm, nâng cao tinh thần trách nhiệm, khách quan, công tâm, không lợi dụng chức vụ để nhận hối lộ, trục lợi, tiếp tay cho hàng giả lộng hành", Luật sư Hùng kiến nghị.
Theo Luật sư Đặng Văn Cường, Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân của Bộ Chính trị cũng là động lực để các doanh nghiệp làm ăn chân chính phát triển, nhà nước khuyến khích toàn dân làm kinh tế, coi các doanh nhân là những chiến sĩ trên mặt trận kinh tế thì phải đấu tranh, dẹp bỏ những hành vi gian lận, những đối tượng "khôn lỏi, gian manh" để cho các doanh nhân có cơ hội thể hiện bản thân mình, tạo ra công ăn việc làm, sản xuất ra của cải vật chất góp phần xây dựng đất nước. Bối cảnh hiện nay là thời điểm và là thời cơ thuận lợi để Nhà nước kiên quyết đấu tranh với hàng lậu, hàng giả, vi phạm về sở hữu trí tuệ và các hành vi gian lận thương mại, bảo vệ sự trong sạch của nền kinh tế cũng như sự phát triển bền vững của đất nước trong kỷ nguyên vươn mình.