NÂNG CAO ĐỊNH MỨC HỖ TRỢ KHOÁN BẢO VỆ RỪNG PHÙ HỢP VỚI THỰC TIỄN VÀ ĐIỀU KIỆN NGÂN SÁCH

Diện tích rừng đang ngày càng thu hẹp, đặt ra yêu cầu cấp thiết cho công tác bảo vệ rừng, tuy nhiên, nguồn lực cho hoạt động này còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, chưa tạo được sức thu hút đối với người dân tham gia. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần nâng cao định mức hỗ trợ khoán bảo vệ rừng phù hợp với thực tiễn và điều kiện ngân sách.

Quan tâm đến một số nội dung về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của những tháng đầu năm, đại biểu Hà Sỹ Huân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho biết thực tiễn tại địa phương có những khó khăn đối với một số Chương trình, có nguy cơ giải ngân chậm. Cụ thể, về vấn đề khoán chăm nuôi bảo vệ rừng, hiện nay chúng ta phân cấp cho Ủy ban nhân dân các xã làm chủ đầu tư, số kinh phí cũng tương đối lớn nhưng quá trình thực hiện khối lượng công việc dành cho cán bộ của cấp xã làm rất khó khăn. Hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng, ký hợp đồng, in ấn các loại hợp đồng, đi kiểm tra sau nghiệm thu... chi phí để thực hiện cho công tác kiểm tra chuẩn bị theo Thông tư 55 của Bộ Tài chính năm 2023 là không có. So với trước đây, việc thực hiện nội dung này theo Thông tư 15 của Bộ Tài chính được chi 7% cho Ban quản lý Dự án.

Đại biểu Hà Sỹ Huân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn

Đại biểu Hà Sỹ Huân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn

Đại biểu cho biết, điều này rất khó cho các địa phương hiện nay, do đó đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo Bộ Tài chính điều chỉnh nội dung này để các địa phương thuận lợi trong triển khai thực hiện. Mặc dù Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo ngành Tài chính chủ động sử dụng chi thường xuyên của địa phương để chi trả nội dung này. Tuy nhiên, việc không đồng bộ, không thống nhất dẫn đến chương trình thực hiện sẽ không hiệu quả cao.

Đại biểu nhấn mạnh, trong báo cáo của Chính phủ cũng có nhận định, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn. Đại biểu cho rằng có nhiều nguyên nhân của tình trạng này, mặc dù Quốc hội đã rất quan tâm về chi trả, trả nợ kinh phí khoán quản lý, bảo vệ rừng của giai đoạn trước. Tại kỳ họp trước Quốc hội đã ra nghị quyết là giao cho các bộ, ngành sớm thanh toán trước Quý I của năm 2024. Nhưng theo thông tin, đến thời điểm này phần đối với Bắc Kạn có hơn 23 tỷ trả nợ cho khoán quản lý bảo vệ rừng của đồng bào thì chưa được chi trả. Do đó, rất mong Quốc hội sẽ tiếp tục chỉ đạo Chính phủ sớm giải quyết những vấn đề tồn tại, rất cần thiết phải giải quyết ngay.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn

Cùng nêu lên những vấn đề thực tiễn, đại biểu Nguyễn Thị Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho biết, tỉnh Bắc Kạn là một tỉnh có tỷ lệ che phủ rừng rất lớn, do đó vấn đề về tiền khoán bảo vệ rừng rất cần được quan tâm. Tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, trên cơ sở ý kiến chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Quốc hội cũng đã ban hành nghị quyết chất vấn và trong nghị quyết chất vấn này đối với mảng lĩnh vực về nông nghiệp, nông thôn, Quốc hội cũng yêu cầu đối với việc tiền khoán bảo vệ rừng. Trong nghị quyết nêu rõ: Giải quyết dứt điểm việc chậm chi trả kinh phí khoán bảo vệ rừng trong Quý I năm 2024.

Đại biểu chia sẻ, trước kỳ họp Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn đã làm việc với các sở, ngành, địa phương, trong đó có Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp về vấn đề này. Đại biểu đề nghị Chính phủ kiểm tra lại đối với các bộ, ngành hữu quan về thời gian phải giải quyết dứt điểm với việc nợ này, trong khi Quốc hội giao có thời điểm rất rõ ràng. Sau kỳ họp thứ 6, đại biểu Quốc hội về tiếp xúc cử tri, cử tri rất phấn khởi, theo thời điểm đến tháng 1, đến Quý I phải trả cho bà con, nhưng đến nay vẫn chưa có có tiền về. Chính phủ cần kiểm tra lại xem hiện tại còn vướng ở khâu nào? Tổng số tiền cho 10 tỉnh này không nhiều mà nhất là việc nợ bà con trong tiền khoán bảo vệ rừng sẽ rất khó khăn cho bà con. Do đó, đề nghị Chính phủ kiểm tra lại và trong Quý II này giải quyết dứt điểm việc này có thể chậm hơn so với yêu cầu của Quốc hội 1 tháng.

Đại biểu Quàng Văn Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La

Bàn về vấn đề này, đại biểu Quàng Văn Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La nêu rõ, trong Nghị quyết 109 ngày 29/1/2023 của Quốc hội về tiếp tục thực hiện một số Nghị quyết của Quốc hội Khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ tư của Quốc hội Khóa XV về giám sát, chất vấn trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn có yêu cầu giải quyết dứt điểm việc chậm trả kinh phí khoán bảo vệ rừng trong quý 1 năm 2024. Phiên họp của thứ 9 của Hội đồng dân tộc có đại biểu Ma Thị Thúy ở Tuyên Quang cũng nêu đến thời điểm này, kinh phí này vẫn chưa chi trả cho các địa phương. Đại biểu chỉ rõ, Quốc hội đã có nghị quyết rồi và chúng ta vẫn tuyên truyền yêu cầu phải giữ rừng, bảo vệ rừng nhưng không chi trả tiền khoán bảo vệ rừng là rất bất cập. Đại biểu đề nghị Chính phủ báo cáo tại sao chưa thực hiện được và thực hiện đến đâu?

Liên quan đến vấn đề nâng cao định mức hỗ trợ khoán bảo vệ rừng phù hợp với thực tiễn và điều kiện ngân sách, đại biểu cho biết, chính sách chúng ta có từ Nghị định 75 năm 2015 về chính sách hỗ trợ cho khoán bảo vệ rừng ổn định đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay đã 9 năm, gần 10 năm rồi nhưng vẫn cứ mức khoán như vậy là rất thấp. Ở nhiều địa phương mức hỗ trợ 400 đến 500 nghìn trong đó một số địa phương là chi trả môi trường rừng đã lên tới 1 đến 2 triệu. Nghị quyết Quốc hội, chủ trương của Đảng, các kết luận của Bộ Chính trị đã nêu rất rõ, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành thực hiện nghiêm túc.

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận

Truyền tải ý kiến của cử tri, đại biểu Bố Thị Xuân Linh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cho biết, một trong những vấn đề được quan tâm qua tiếp xúc cử tri, nhất là bà con cử tri ở vùng đồng bào dân tộc là vấn đề liên quan đến việc khoán bảo vệ rừng. Vấn đề này ở từng nơi, từng lúc, từng thời điểm cũng chưa được quan tâm. Hiện nay, đến chế độ cho cán bộ thực hiện công tác bảo vệ rừng rất thấp. Qua tiếp xúc cử tri, đối với các xã vùng đồng bào dân tộc, cử tri cũng có tâm tư về vấn đề bảo vệ rừng, phòng chống phá rừng ảnh hưởng rất lớn đối với tính mạng nhưng chế độ thụ hưởng lại thấp, chế độ khoán bảo vệ rừng của đồng bào cũng thấp. Mặc dù, từng giai đoạn, từng năm cũng có nâng mức nhưng đến giờ này vẫn còn nhiều khó khăn. Do đó đề nghị Chính phủ nên có chế độ quan tâm nâng mức cho cán bộ bảo vệ rừng và chế độ khoán bảo vệ rừng cho đồng bào dân tộc.

Hồ Hương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=87886