Nâng cao đời sống cho công nhân trong các khu, cụm công nghiệp

Mặc dù nhận được sự quan tâm thiết thực của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và chủ doanh nghiệp nhưng đời sống của công nhân lao động (CNLĐ) trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn về vật chất và tinh thần, nhất là sau hơn 2 năm chịu sự tác động bởi dịch Covid-19. Do đó, việc chăm lo, nâng cao đời sống CNLĐ trong các khu, cụm công nghiệp (KCN, CCN), để họ yên tâm gắn bó, cống hiến cho sự phát triển của doanh nghiệp (DN) và của tỉnh là yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với cấp ủy, chính quyền hiện nay.

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ - thể dục thể thao được tổ chức ở các doanh nghiệp chưa được thường xuyên và đồng đều. Ảnh: Thế Hùng

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ - thể dục thể thao được tổ chức ở các doanh nghiệp chưa được thường xuyên và đồng đều. Ảnh: Thế Hùng

Với mục tiêu “Lấy phát triển công nghiệp làm nền tảng, phát triển dịch vụ - du lịch là mũi nhọn và coi nông nghiệp, phát triển nông thôn là nhiệm vụ quan trọng”, sau 25 năm tái lập, KT - XH của tỉnh đã và đang có những bước phát triển vượt bậc.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 19 KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích hơn 5.400 ha, trong đó có 9 KCN đã đi vào hoạt động SXKD; 16/32 CCN đã có chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng.

Số lượng các DN tăng nhanh, cùng với đó là sự phát triển của đội ngũ CNLĐ đã thúc đẩy hoạt động kinh tế trên địa bàn tỉnh, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động (NLĐ).

Đến nay, các DN trong KCN đã giải quyết việc làm cho hơn 125 nghìn lao động, các CCN đang giải quyết việc làm cho hơn 12 nghìn lao động. Hiện, số lao động làm việc chủ yếu trong các ngành dệt may, giày da, điện tử - điện lạnh, cơ khí chế tạo....

Để tăng thêm thu nhập, phần lớn NLĐ thực hiện tăng ca, làm thêm giờ. Tuy nhiên, trong vòng 3 năm trở lại đây, nhiều DN không điều chỉnh mức lương cho NLĐ, tiền lương, thu nhập của một bộ phận NLĐ không đảm bảo được cuộc sống, dẫn tới xuất hiện tình trạng ngừng việc tập thể, kiến nghị người sử dụng lao động các nội dung liên quan đến nâng lương ở một số DN trong KCN.

Mặc dù trong những năm qua, các thiết chế văn hóa phục vụ công nhân được ưu tiên đầu tư xây dựng song trên thực tế, hệ thống thiết chế văn hóa, công trình phúc lợi, nhà ở... phục vụ CNLĐ trong các KCN, CCN còn thiếu cả về số lượng cũng như trang thiết bị hoạt động, tiến độ triển khai xây dựng còn chậm chưa đáp ứng được nhu cầu, đời sống văn hóa, tinh thần của CNLĐ.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, trên địa bàn tỉnh hiện đã có 13 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng trên 10 nghìn căn hộ; trong đó, có 5 dự án đã triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng gồm: Khu nhà ở công nhân và người thu nhập thấp KCN Khai Quang, khu nhà ở thu nhập thấp Vinaconex Xuân Mai, khu nhà ở công nhân của Công ty Honda Việt Nam, khu nhà ở xã hội phường Liên Bảo và khu nhà ở thu nhập thấp ở phường Phúc Thắng...; song, mới chỉ giải quyết được một phần nhu cầu nhà ở của công nhân trong các KCN; số công nhân có nhà ở ổn định còn thấp.

Khu chung cư Bảo Quân, phường Khai Quang (Vĩnh Yên) đưa vào sử dụng, hiện mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Thế Hùng

Khu chung cư Bảo Quân, phường Khai Quang (Vĩnh Yên) đưa vào sử dụng, hiện mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Thế Hùng

Cùng với đó, phần lớn con của công nhân ngoại tỉnh làm việc trong các KCN, CCN gặp khó khăn đăng ký cho con ở các trường công lập vì họ không có hộ khẩu thường trú tại nơi làm việc.

Mặc dù đã có một số cơ sở ưu tiên tuyển con CNLĐ tại các KCN như Trường Mầm non Hoa Hồng ở KCN Khai Quang nhưng số lượng còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu của CNLĐ; các trường công lập chỉ nhận trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên, hoạt động trong giờ hành chính, trong khi công nhân thường xuyên tăng ca, không có người đón con đúng giờ theo quy định; các trường tư có mức thu học phí cao so với thu nhập của công nhân.

Bên cạnh đó, thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho nữ công nhân trong các KCN như miễn học phí cho các cháu bậc mầm non ở nông thôn, hỗ trợ tiền học cho con công nhân học mầm non tư thục...; tuy nhiên, đó chỉ là những hỗ trợ tạm thời, chưa giải quyết được nỗi lo thiếu trường lớp cho con của NLĐ....

CNLĐ làm việc trong các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh là lực lượng sản xuất tạo ra phần lớn các sản phẩm công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa. Do vậy, đầu tư nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần cho CNLĐ trong các KCN, CCN chính là đầu tư bền vững để tạo ra một lực lượng lao động ổn định, có thể chất, trí tuệ, chuyên môn tay nghề với năng suất lao động cao… gắn bó với DN, thúc đẩy DN phát triển.

Để giải quyết vấn đề đó, hiện nay, tỉnh đang chỉ đạo các ngành chức năng xây dựng hoàn thiện Đề án “Nâng cao đời sống công nhân trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2026”, tạo cơ chế chính sách, các giải pháp an sinh xã hội đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng các dịch vụ cơ bản và phúc lợi xã hội, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa - thể thao, đảm bảo đa số công nhân, NLĐ được bình đẳng tiếp cận, thụ hưởng hệ thống các dịch vụ xã hội của tỉnh về y tế, giáo dục đào tạo, văn hóa, thể thao, thông tin, nhà ở, môi trường,...

Sau khi hoàn thiện và được tỉnh ban hành, Đề án sẽ là cơ sở để các cấp, các ngành, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện NLĐ cùng chung tay chăm lo, nâng cao đời sống CNLĐ trong các KCN, CCN; từ đó giúp giảm bớt việc đầu tư dàn trải, gây lãng phí ngân sách Nhà nước và nguồn lực xã hội hóa.

Lưu Nhung

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/82103/nang-cao-doi-song-cho-cong-nhan-trong-cac-khu-cum-cong-nghiep.html