Nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc từ phát triển kinh tế rừng
Bảo Thắng là huyện miền núi biên giới của tỉnh Lào Cai có 20 dân tộc cùng sinh sống. Nhờ sự hỗ trợ từ các chương trình của Chính phủ và chủ trương trồng những cây có giá trị kinh tế cao, vận dụng linh hoạt chính sách giao đất, giao rừng đã tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ vậy, từ một huyện khó khăn, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Bảo Thắng đã được cải thiện về kinh tế, góp phần bảo vệ môi trường.
Phát triển kinh tế đồi rừng chính là phát huy giá trị đa dụng của rừng. Thông qua khai thác những giá trị kinh tế, môi trường, sinh thái từ rừng, đất đồi rừng hiệu quả, bền vững, huyện Bảo Thắng đã mang lại thu nhập cao nhất cho người làm rừng, gắn với việc bảo vệ môi trường sinh thái.
Huyện Bảo Thắng là địa phương có diện tích đất rừng và rừng lớn. Xác định lấy kinh tế đồi rừng làm trọng tâm, với diện tích trên 690km2 chủ yếu là đất lâm nghiệp, nên huyện nằm trong chiến lược phát triển của tỉnh Lào Cai. Thực hiện Nghị quyết 10 ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, chính vì vậy, với trên 30.000ha rừng sản xuất, giá trị kinh tế trên 36 triệu đồng/năm, chiến lược phát triển cây lâm nghiệp đã góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Bảo Thắng.
Nhằm thực hiện đồng bộ các giải pháp từ quy hoạch vùng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện Bảo Thắng đã đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị. Trong đó, huyện rất chú trọng quản lý giống cây trồng lâm nghiệp, phát triển giống cây chất lượng cao, khuyến khích các cơ sở ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất giống. Trên địa bàn huyện hiện có 39 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp với quy mô 14,3ha, công suất khoảng 15,3 triệu cây giống/năm, cung cấp cây giống phục vụ nhu cầu trồng rừng của người dân. Đồng thời, huyện cũng có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển, thu hút đầu tư chế biến lâm sản.
Điển hình như gia đình bà Thào Thị Vế, người dân tộc Mông ở thôn Mom Đào, xã Thái Niên, mới khai thác được khoảng 1ha cây quế và mỡ, đã thu trên 200 triệu đồng. Với 4ha được trồng theo hình thức gối lứa, để được thu hoạch nối tiếp giữa các năm, kết hợp với kinh doanh, gia đình bà Vế đã thoát nghèo, cuộc sống ngày càng tốt hơn. Bà Vế cười vui vẻ nói: “Ngày trước, gia đình mình không biết trồng cây, chỉ đi làm đồi để trồng lúa nên không đủ ăn. Bây giờ chuyển sang trồng cây lâm nghiệp nên đã giúp cho gia đình mình có cuộc sống khá giả hơn”.
Còn tại thôn Khe Bá, xã Phú Nhuận, nhiều diện tích đất trống đang được phủ cây xanh. Nhờ có hơn 280ha quế, đã giúp cuộc sống của 120 hộ đồng bào Dao nơi đây đổi thay từng ngày. Những ngôi nhà khang trang, xen lẫn giữa rừng quế được xây dựng ngày càng nhiều, toàn thôn chỉ còn 6 hộ nghèo, năm nay Khe Bá phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/năm. Bí thư Chi bộ thôn Khe Bá, ông Triệu Kim Phúc cho hay: “Để nâng cao chất lượng quế, tôi đã tuyên truyền sản phẩm hữu cơ cho bà con sử dụng ở vùng quế. Trồng rừng không chỉ xóa đói, giảm nghèo, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế biến đổi khí hậu".
Huyện Bảo Thắng hiện có trên 30.000ha rừng sản xuất, trong đó có 25.000ha rừng trồng với khoảng 8.000ha quế. Từ đầu năm đến nay, người dân đã khai thác được 3.500m3 gỗ các loại, giá trị trên 5,5 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động ở địa phương.
Để nâng cao hơn nữa kinh tế rừng, đặc biệt là tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện đang tích cực vận động người dân chuyển đổi diện tích đất đồi cho hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây lâm nghiệp gắn với sản xuất hữu cơ, chế biến sâu, phấn đấu nâng giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 35 triệu đồng/ha năm 2022 lên đến 40 triệu đồng/ha vào năm 2025. Trưởng phòng Dân tộc huyện Bảo Thắng, ông Phạm Văn Tùng chia sẻ: “Chúng tôi thường xuyên tiếp cận, tuyên truyền, tập huấn hướng dẫn cho người dân ở huyện Bảo Thắng về kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Đồng thời, chúng tôi cũng giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận cho nguồn vốn ưu đãi. Nhờ trồng rừng và phát triển kinh tế rừng mà bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở nơi đây khá giả hơn”.
Có thể khẳng định rằng, bằng sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, cùng hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng, đã đem lại hiệu quả cao. Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Thắng, ông Hà Nguyễn Văn Năm cho biết: “Những năm gần đây, công tác phát triển rừng trên địa bàn huyện Bảo Thắng có nhiều chuyển biến tích cực. Huyện đã triển khai đầy đủ, kịp thời và hiệu quả các chính sách hỗ trợ cây giống, chi trả dịch vụ môi trường rừng. Nhiều năm nay, huyện luôn hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu trồng, phát triển rừng. tỷ lệ độ che phủ rừng của huyện tăng lên theo từng năm. Rừng đang giúp người dân địa phương không chỉ xóa đói giảm nghèo, mà còn ngày càng càng khá giả hơn”.
Kết thúc năm 2023, huyện Bảo Thắng có 840 hộ đã thoát nghèo, toàn huyện chỉ còn 4,72% hộ nghèo. Thu nhập bình quân đầu người đạt 72,8 triệu đồng/năm. Có được thành quả này là nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, sự chung tay của các cấp, các ngành đến với người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, giúp đồng bào phát triển sản xuất từ rừng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Diện mạo huyện miền núi vùng biên Bảo Thắng ngày càng khởi sắc.