Nâng cao đời sống đồng bào dân tộc Khmer - Bài 2: Phum sóc đổi mới
Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập người dân, tỉnh Vĩnh Long còn đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm thay đổi diện mạo vùng nông thôn của đồng bào Khmer.
Nhiều phum sóc trước đây giờ phát triển thành xã nông thôn mới, trong đó cũng có những đóng góp rất lớn từ chính đồng bào vùng dân tộc Khmer.
Đổi thay trên những vùng đất khó
Đời sống đồng bào Khmer từng bước được nâng lên chính là điều kiện thúc đẩy bộ mặt nông thôn thêm khởi sắc. Đến các phum sóc ngày nay không còn khó khăn như những năm trước. Hệ thống giao thông nông thôn được xây dựng thông thoáng, cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, nhiều ngôi nhà kiên cố mọc lên góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn.
Tuyến đèn đường ấp Cần Thay, xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn vừa được đưa vào sử dụng nhân dịp lễ Sen Dolta năm 2020 đã làm nhiều người dân phấn khởi. Ông Thạch Ương, xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn nói: "Những năm trước tuyến đường này đi lại rất khó khăn. Giờ chính quyền làm đường, lại còn có đèn thắp sáng nên nhân dân rất mừng. Có đường đàng hoàng, thương lái vô tận vườn thu mua nông sản nên bà con ít bị ép giá. Hơn nữa, có đèn đường thắp sáng thì việc đi lại thuận tiện an toàn hơn trước, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương".
Cùng với việc đầu tư hạ tầng giao thông, chính quyền địa phương cũng quan tâm đầu tư xây dựng trường học, trạm y tế… vừa tăng cường diện mạo nông thôn vừa đáp ứng nhu cầu học tập và chăm sóc sức khỏe của người dân đồng bào Khmer.
Đến xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình nhiều người ấn tượng với Trường Tiểu học Thạch Thia - ngôi trường khang trang được đầu tư để phục vụ nhu cầu học tập của phần lớn học sinh dân tộc Khmer nơi đây. Trường hiện có 613 học sinh, trong đó có 484 học sinh người dân tộc Khmer, chiếm 80% trên tổng số học sinh. Trong ngôi trường này, học sinh không chỉ được học Tiếng Việt, mà còn được học tiếng Khmer, được học môn Tiếng Anh từ lớp 1.
Anh Thạch Chanh Răng Xây ở xã Loan Mỹ có hai con đang học ở trường cho biết: “Ngày xưa, tôi muốn học chữ dân tộc thì phải vào chùa học mỗi kỳ nghỉ hè. Giờ con được học chữ trong nhà trường để giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc thì rất hay. Không chỉ vậy, các cháu còn được rèn tiếng Việt, tiếng Anh để có thể giao tiếp và theo kịp bạn bè. Đây là những kiến thức cần thiết để các cháu trong những năm tiếp theo”.
Theo Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Long, những năm qua, nhờ các chương trình, dự án của Trung ương và của tỉnh, đời sống người dân vùng dân tộc thiểu số nói riêng từng bước được nâng lên đáng kể, hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn được quan tâm, ưu tiên đầu tư và đã tạo ra bước đột phá đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Khmer giảm bình quân hàng năm từ 3-4%; hiện nay toàn tỉnh còn 684 hộ dân tộc Khmer nghèo. Giáo dục tại vùng đông đồng bào Khmer được đầu tư, tổng số học sinh các cấp được đến trường đạt tỷ lệ 98%. Mạng lưới y tế triển khai trực tiếp đến các xã vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân, hiện 100% hộ nghèo đồng bào Khmer được cấp thẻ bảo hiểm y tế.
Chung tay xây dựng nông thôn đổi mới
Nhờ các chính sách hỗ trợ tạo động lực, nhiều hộ Khmer đã mạnh dạn thay đổi tập quán sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từ đó phát triển thành công nhiều mô hình kinh tế gia đình hiệu quả. Các hộ dân còn tích cực đóng góp ngày công, tài sản để cùng với chính quyền xây dựng nông thôn mới, làm thay đổi dần bộ mặt phum sóc.
Những năm qua, xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình đã vận động chuyển đổi diện tích đất sản xuất lúa không hiệu quả phát triển kinh tế vườn được 60,8 ha, phát triển được nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả khá tốt, tăng giá trị lợi nhuận gấp 3 lần trồng lúa, tăng thu nhập bình quân 41,7 triệu đồng/năm.
Điển hình như hộ ông Thạch Của, xã Loan Mỹ, bên cạnh trồng lúa ông còn học hỏi, ứng dụng khoa học kỹ thuật nuôi lươn sinh sản và thương phẩm ở thời điểm mô hình này còn mới mẻ ở địa phương. Nhờ chịu khó học hỏi, ông thu được hiệu quả khá, nhờ vậy mà không chỉ trả hết nợ vay ngân hàng, ông còn mua thêm 3.000 m2 đất để mở rộng quy mô chăn nuôi theo chuỗi khép kín: bò, trùng quế, lươn và cá để tận dụng nguồn thức ăn, giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận.
Bên cạnh việc chăm lo đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao thu nhập ở vùng có đồng bào Khmer sinh sống, chính quyền địa phương cũng tăng cường tuyên truyền, vận động để phát huy nội lực, huy động sức dân cùng tham gia xây dựng nông thôn mới, tạo diện mạo các phum sóc thêm khởi sắc. Đời sống được nâng lên, đồng bào Khmer phấn khởi và tự nguyện hiến đất, hoa màu, kiến trúc, góp ngày công lao động để tạo vẻ mỹ quan cho địa phương.
Bí thư Huyện ủy Tam Bình Lê Tiến Dũng cho biết, thông qua công tác tuyên truyền, vận động, nhận thức, trách nhiệm của người dân đã được nâng cao, nhất là đồng thuận, tự giác đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc, đoàn kết cùng địa phương tập trung thực hiện đạt 14/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Giai đoạn 2015-2020, nhân dân hiến đất, vật kiến trúc, hoa màu để xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phục vụ sản xuất và sinh hoạt; hệ thống giao thông nông thôn được tập trung đầu tư thực hiện với hơn 40.348m đường, kinh phí hơn 40 tỷ đồng.
Tại xã Đông Bình, thị xã Bình Minh, năm 2017, địa phương được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Có được thành tích này là nhờ sự chung tay nỗ lực của chính quyền địa phương cùng nhân dân, trong đó có nhiều đồng bào dân tộc Khmer.
Ông Sơn Xâm, xã Đông Bình, thị xã Bình Minh cho biết, năm 2017 khi gia đình vẫn còn nhiều khó khăn nhưng khi được sự vận động của địa phương, ông quyết định hiến 1.000m2 đất để làm đường liên ấp. Đường sá được xây dựng khang trang, xe đi lại thông thoáng nên việc lưu thông, mua bán hàng ngày của người dân cũng dễ dàng. Không chỉ cùng nhau hiến đất làm đường, giờ đây khi tuyến đường đã hoàn thành, hàng ngày ông vẫn cùng nhiều hộ dân tích cực chăm chút các hàng rào, đường hoa ngay trước cổng nhà để giữ cảnh quan môi trường sạch đẹp. Hơn hết, họ tự thân chăm lo sản xuất để ổn định kinh tế gia đình, giúp địa phương giữ vững tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới.
Ông Vi-Ti-Va-Lây, Bí thư, Trưởng ấp Phù Ly 1, xã Đông Bình cho biết, mặc dù những năm địa phương tập trung xây dựng nông thôn mới, đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn nhưng gần 20 hộ dân của ấp vẫn tích cực đã hiến đất, đồng thời đóng góp ngày công để cùng địa phương hoàn thành tuyến đường. Giờ đây đường thông thoáng, có thêm đèn thắp sáng nên người dân càng mừng hơn.
Tính đến nay, 8 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số của tỉnh đã thực hiện đạt bình quân 14,6 tiêu chí/xã trong xây dựng nông thôn mới, trong đó có 2 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới và 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Long Thạch Dương cho biết, để đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc Khmer, trong thời gian tới, Ban dân tộc tỉnh phối hợp với các địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống tuyên truyền sâu rộng nhằm nâng cao ý thức của đồng bào Khmer hiểu được ý nghĩa việc xây dựng nông thôn mới. Song song đó, Ban phối hợp với các địa phương, đoàn thể xây dựng nhân rộng các mô hình điện thắp sáng, trồng hoa và các mô hình phát triển kinh tế để nâng cao mức sống người dân, góp phần thực hiện và giữ vững các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.