Nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân qua các Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân

Với chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ người lao động (NLĐ), cách đây hàng chục năm, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội đã thí điểm xây dựng mô hình Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, qua đó tạo sân chơi lành mạnh, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho đoàn viên, NLĐ.

Đầu tư đồng bộ, thiết thực

Được sự chỉ đạo của LĐLĐ thành phố Hà Nội, giữa tháng 6 vừa qua, Công đoàn ngành Dệt - May Hà Nội phối hợp với Công đoàn Công ty cổ phần Dệt 10/10 đã tổ chức khánh thành Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại Nhà máy sản xuất của Công ty thuộc địa bàn xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ngay tại buổi lễ ra mắt, đông đảo công nhân lao động (CNLĐ) vô cùng phấn khởi, sôi nổi tham gia vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao như: Hát karaoke, chơi cầu lông, bóng bàn, đọc sách báo…

Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Khánh (bên phải) trao hỗ trợ kinh phí xây dựng Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân cho đại diện Công đoàn cơ sở Công ty cổ phần Dệt 10/10.

Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Khánh (bên phải) trao hỗ trợ kinh phí xây dựng Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân cho đại diện Công đoàn cơ sở Công ty cổ phần Dệt 10/10.

Ông Nguyễn Mạnh Tuân - Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Dệt 10/10 cho biết, hiện nay Công ty có hơn 1.000 cán bộ, CNLĐ làm việc tại 2 địa điểm là: Khu vực văn phòng và sản xuất tại số 343 Minh Khai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và khu vực nhà máy tại Cổ Bi (huyện Gia Lâm, Hà Nội). Để nâng cao đời sống tinh thần cho gần 700 CNLĐ đang làm việc tại khu vực nhà máy sản xuất chính của Công ty tại xã Cổ Bi (huyện Gia Lâm, Hà Nội), Công ty đã xây dựng một khu nhà 2 tầng để phục vụ các hoạt động hành chính, hội họp và sinh hoạt chung cho cán bộ, CNLĐ.

Cụ thể: 1 khu nhà văn phòng 2 tầng với 1 hội trường chung rộng 80m2 có đầy đủ điều hòa, máy chiếu, âm thanh, bàn ghế và 1 phòng sinh hoạt tập thể diện tích 45m2 được trang bị 2 chiếc điều hòa nhiệt độ, giá để sách báo, bàn ghế... Bên cạnh khu vực hội trường và phòng đọc sách báo chung là hệ thống nhà vệ sinh rộng rãi, sạch sẽ cho công nhân sử dụng. Phía trước phòng đọc có sân chơi bóng bàn, cầu lông, phục vụ đầy đủ nhu cầu về thể thao giải trí cho CNLĐ, khách hàng, chuyên gia sau giờ làm việc mệt mỏi căng thẳng và giờ nghỉ giải lao. Toàn bộ khu vực này đều luôn sạch, đẹp, có cây xanh rất hài hòa, thoáng mát.

Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Tuân, mặc dù các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao phục vụ CNLĐ vẫn thường xuyên được Ban lãnh đạo và Công đoàn Công ty duy trì và tổ chức thường xuyên, tuy nhiên do còn khó khăn về kinh phí đầu tư nên điều kiện về cơ sở vật chất tại đây đã cũ, còn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của CNLĐ.

Công nhân Công ty cổ phần Dệt 10/10 hát karaoke tại Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân.

Công nhân Công ty cổ phần Dệt 10/10 hát karaoke tại Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân.

Nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho NLĐ, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty đã đề nghị Ban lãnh đạo Công ty hỗ trợ thêm 70 triệu đồng để sửa chữa, nâng cấp một số hạng mục về cơ sở vật chất và mua sắm thêm bàn ghế tại phòng sinh hoạt chung cho công nhân. Đặc biệt, được sự quan tâm hỗ trợ kinh phí với mức 90 triệu đồng của LĐLĐ thành phố Hà Nội và sự hướng dẫn, giúp đỡ của Công đoàn ngành Dệt - May Hà Nội, Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại Công ty đã được hoàn thiện, đưa vào sử dụng với đầy đủ các trang thiết bị phục vụ hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và hội họp cho công nhân, như: Tivi, loa đài, điều hòa nhiệt độ, các dụng cụ thể thao, tủ tài liệu…

“Đây chính là tiền đề rất quan trọng để CNLĐ trong Công ty có nhiều điều kiện hơn thụ hưởng các hoạt động văn hóa, thể thao lành mạnh, góp phần ngày càng nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần cũng như thúc đẩy phong trào văn hóa nghệ thuật quần chúng ngày càng phát triển” - ông Nguyễn Mạnh Tuân khẳng định.

Trước đó, hồi đầu tháng 6, Công đoàn ngành Giao thông Vận tải Hà Nội cũng tổ chức khánh thành, đưa Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) vào hoạt động. Bà Tạ Thị Mỹ Thanh - Chủ tịch Công đoàn ngành Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, ngoài kinh phí do LĐLĐ Thành phố hỗ trợ 90 triệu đồng để xây dựng, Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân được lãnh đạo Hanoi Metro thống nhất đầu tư bước đầu một số hạng mục như trồng toàn bộ cây xanh xung quanh khuôn viên, trang bị 2 bàn bóng bàn và tổ chức xây dựng sân bóng đá mini.

Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Khánh cùng các đại biểu tham dự Lễ ra mắt Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội.

Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Khánh cùng các đại biểu tham dự Lễ ra mắt Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội.

Tổng kinh phí Công ty đã đầu tư xây dựng Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân là 150 triệu đồng. “Việc đưa Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại Hanoi Metro vào khai thác, sử dụng sẽ góp phần nâng cao đời sống của cán bộ, nhân viên, NLĐ, tạo thêm những giá trị văn hóa cũng như rèn luyện nâng cao thể chất, sức khỏe, đem đến những giá trị tinh thần, đặc biệt là tạo sự gắn bó giữa NLĐ với doanh nghiệp” - bà Tạ Thị Mỹ Thanh nhấn mạnh.

Nơi nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân

Ngoài hai Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân mới được khánh thành như trên, trên địa bàn thành phố Hà Nội còn rất nhiều Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân đã được thành lập và đi vào hoạt động hàng chục năm, trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần hữu ích của công nhân. Điển hình như Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân Công ty cổ phần Môi trường đô thị Gia Lâm.

Được khánh thành và đưa vào sử dụng cuối tháng 5/2014, Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân này được đầu tư khá đồng bộ với kinh phí hơn 1 tỷ đồng, gồm sân cầu lông, phòng tập bóng bàn, hệ thống âm thanh, màn hình tivi, phòng đọc sách báo. Điểm sinh hoạt còn được LĐLĐ thành phố Hà Nội hỗ trợ thêm một số trang, thiết bị như: Máy vi tính, tủ sách, bàn, ghế, bàn bóng bàn, cột lưới cầu lông với trị giá 50 triệu đồng.

Một buổi huấn luyện an toàn vệ sinh lao động do Công đoàn Công ty cổ phần Môi trường đô thị Gia Lâm phối hợp với Ban lãnh đạo Công ty tổ chức tại Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân.

Một buổi huấn luyện an toàn vệ sinh lao động do Công đoàn Công ty cổ phần Môi trường đô thị Gia Lâm phối hợp với Ban lãnh đạo Công ty tổ chức tại Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân.

“Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân luôn phát huy tốt hiệu quả, là điểm đến hữu ích của hơn 600 cán bộ, công nhân Công ty sau những giờ lao động vất vả được tham gia luyện tập, chơi các môn thể thao yêu thích hoặc có không gian yên tĩnh để đọc sách, báo, xem tin tức. Đây còn là nơi LĐLĐ huyện Gia Lâm nhiều lần tổ chức tuyên truyền, tư vấn, đối thoại pháp luật với công nhân hoặc tổ chức các hoạt động Công đoàn khác”, ông Nguyễn Đức Thể - Chủ tịch LĐLĐ huyện Gia Lâm cho biết.

Có “thâm niên” lâu hơn phải kể đến Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân đặt tại tầng 1, nhà A4, Khu nhà ở của công nhân Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long. Địa điểm này được Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội bàn giao cho Xí nghiệp Quản lý và phát triển nhà ở xã hội vào tháng 4/2011. Điểm sinh hoạt có tủ sách pháp luật về các lĩnh vực của đời sống, tài liệu về công nhân - Công đoàn Việt Nam, các loại báo chí để phục vụ nhu cầu tìm hiểu, nâng cao kiến thức của NLĐ.

Ngoài ra, Điểm sinh hoạt có thiết bị loa, giàn karaoke, bàn ghế và sân khấu rộng rãi để phục vụ các hoạt động văn hóa, văn nghệ của anh chị em công nhân. Trong hơn 10 năm hoạt động, rất nhiều sự kiện đã được LĐLĐ thành phố Hà Nội, Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội tổ chức ở đây, nhất là các buổi sinh hoạt văn nghệ, khám sức khỏe, giao lưu trực tuyến về chính sách pháp luật hay các cuộc đối thoại, tiếp xúc giữa lãnh đạo Thành phố, các các sở, ban, ngành nắm bắt tâm tư, nguyện vọng công nhân.

Một buổi khám sức khỏe miễn phí cho công nhân được tổ chức tại Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long.

Một buổi khám sức khỏe miễn phí cho công nhân được tổ chức tại Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long.

Chị Nguyễn Thị Hoa (39 tuổi, quê Thái Nguyên), công nhân đang làm việc tại Khu Công nghiệp Thăng Long cho biết: “Tôi nhận thấy Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân có vai trò rất quan trọng đối với đời sống tinh thần của công nhân ở đây. Trước kia, khi chưa có điện thoại thông minh, chúng tôi thường xuyên đến đây để đọc sách, báo cập nhật tin tức và tra cứu tài liệu liên quan đến pháp luật lao động… Bây giờ, thông tin dễ dàng tiếp cận trên chiếc điện thoại thông minh, việc đọc sách báo hạn chế hơn nhưng những chương trình ca nhạc, hội thi và các hoạt động phong trào khác do tổ chức Công đoàn tổ chức tại đây, chúng tôi không bao giờ bỏ qua”.

Thiết thực nâng cao đời sống tinh thần, mang lại niềm vui và nâng cao nhận thức mọi mặt cho công nhân cũng là điều ghi nhận được ở nhiều Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân khác trên địa bàn Thành phố. Chẳng hạn như với Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân Công ty TNHH Giày Trường Xuân (có Công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn ngành Dệt - May Hà Nội).

Chị Đỗ Thị Lương (quê Phú Thọ, công nhân Công ty TNHH Giày Trường Xuân) cho biết: “Tôi đi làm phải xa gia đình nhưng may mắn được Công ty bố trí cho ở khu nội trú miễn phí. Trước đây, sau giờ tan làm tôi chỉ ngủ nghỉ hoặc làm bạn với điện thoại. Từ khi Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân được khánh thành, đi vào hoạt động hồi tháng 7 năm ngoái (năm 2022), tôi có động lực và có địa điểm để tham gia thể thao nâng cao sức khỏe, giao lưu văn hóa văn nghệ, đọc sách báo, xem thời sự…”.

Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân

Được biết, từ năm 2011, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố Hà Nội thí điểm triển khai xây dựng mô hình Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân nhằm đưa các hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ NLĐ tại cơ sở.

Qua hơn 10 năm triển khai thí điểm, với tính thiết thực, hiệu quả được khẳng định và trước nhu cầu văn hóa tinh thần ngày càng cao của CNLĐ, năm 2022, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định phê duyệt Đề án Xây dựng Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất và địa bàn có CNLĐ cư trú tập trung giai đoạn 2022 - 2025, nhằm tiếp tục xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động của các Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân trong tình hình mới.

Chủ tịch Công đoàn ngành Dệt - May Hà Nội Hoàng Thanh Sơn hướng dẫn công nhân đọc sách, tìm hiểu kiến thức pháp luật tại tủ sách tại Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân Công ty TNHH Giày Trường Xuân.

Chủ tịch Công đoàn ngành Dệt - May Hà Nội Hoàng Thanh Sơn hướng dẫn công nhân đọc sách, tìm hiểu kiến thức pháp luật tại tủ sách tại Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân Công ty TNHH Giày Trường Xuân.

Đề án đặt ra mục tiêu, tới năm 2025, Thành phố sẽ tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của 39 Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân đã thành lập và đang hoạt động thường xuyên; xây dựng 28 Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân mới trong giai đoạn 2021 - 2025, trong đó, riêng năm 2023, sẽ xây dựng mới 6 Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân.

Cũng theo Đề án, Thành phố hỗ trợ ngân sách qua tài khoản LĐLĐ Thành phố là 90 triệu đồng cho mỗi Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân được xây mới. LĐLĐ Thành phố chỉ đạo Công đoàn cấp trên cơ sở căn cứ vào tình hình thực tế hỗ trợ kinh phí xây dựng mới từ 30 đến 50 triệu đồng/điểm; hỗ trợ bổ sung cơ sở vật chất hàng năm không quá 30 triệu đồng/điểm.

Từ chủ trương của Thành phố, sự chỉ đạo trực tiếp của LĐLĐ Thành phố và sự vào cuộc tích cực của các Công đoàn cấp trên cơ sở, các doanh nghiệp, đơn vị cơ sở, đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có gần 60 Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân đi vào hoạt động.

“Các Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân hiện nay cơ bản hoạt động tốt, hiệu quả. Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân không những là nơi sinh hoạt, giao lưu văn hóa thể thao để rèn luyện sức khỏe, nâng cao đời sống tinh thần mà còn là nơi để Công đoàn tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật và mọi mặt cho NLĐ. Thời gian tới, LĐLĐ thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục quan tâm triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của các Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân hiện nay đồng thời xúc tiến thành lập mới các Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân” - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Khánh khẳng định.

Phạm Diệp

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nang-cao-doi-song-tinh-than-cho-cong-nhan-qua-cac-diem-sinh-hoat-van-hoa-cong-nhan-158038.html