Nâng cao giá trị cây trà hoa vàng

Xây dựng vườn cây mẹ, vườn ươm giống, mở rộng diện tích kết hợp với chế biến sản phẩm trà hoa vàng đã được Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng triển khai đồng bộ trên địa bàn huyện Đình Lập thời gian qua. Đây là giải pháp thiết thực giúp sản phẩm trà hoa vàng của huyện Đình Lập nâng cao giá trị cũng như sức cạnh tranh trên thị trường.

Thành viên nhóm thực hiện nhiệm vụ tiến hành giâm hom trà hoa vàng

Thành viên nhóm thực hiện nhiệm vụ tiến hành giâm hom trà hoa vàng

Trà hoa vàng có nhiều công dụng cho sức khỏe như: thanh nhiệt, giải độc, chữa các bệnh vàng da, xơ gan cổ trướng, cao huyết áp, phòng ngừa các khối u… những năm gần đây, trà hoa vàng được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng. Do điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp, trà hoa vàng được khoanh vùng bảo tồn và gây trồng trong vườn rừng của nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Đình Lập. Nhận thấy phát triển trà hoa vàng thành cây dược liệu theo chuỗi giá trị gắn gây trồng với chế biến vừa góp phần bảo tồn, phát triển cây dược liệu quý vừa tạo sinh kế cho người dân, Sở Khoa học và Công nghệ đã đưa việc phát triển cây trà hoa vàng vào nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh, cùng đó tuyển chọn Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) triển khai nhiệm vụ cấp tỉnh “Nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao giá trị cây trà hoa vàng của huyện Đình Lập”. Nhiệm vụ được triển khai từ tháng 11/2018 đến tháng 12/2022 do thạc sỹ Nguyễn Thị Hằng và thạc sỹ Lưu Quốc Thành, Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng đồng chủ trì.

Thạc sỹ Nguyễn Thị Hằng cho biết: Trên địa bàn huyện Đình Lập có 2 loài trà hoa vàng là trà hoa vàng Tiên Yên và trà hoa vàng Yên Tử. Khảo sát tình hình canh tác, khai thác, chế biến cho thấy, hầu hết các hộ trồng và chăm sóc trà hoa vàng chưa nắm được kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc nên chất lượng cây giống chưa đảm bảo, tỷ lệ sống của cây còn thấp, sau khi trồng sinh trưởng kém.

Qua nghiên cứu, phân tích thành phần hóa học, hàm lượng saponin, flavanoid trong hoa, lá giống trà hoa vàng Tiên Yên; trà hoa vàng Yên Tử tại huyện Đình Lập với các giống khác và địa phương lân cận như huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh; huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang; huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy, trà hoa vàng huyện Đình Lập có giá trị cao tương đương. Đây chính là cơ sở để phát triển các giống trà này trên địa bàn huyện.

Từ năm 2019, nhóm thực hiện nhiệm vụ đã tiến hành xây dựng vườn cây mẹ; vườn nhân giống; mô hình thâm canh cây trà hoa vàng; chế biến trà hoa vàng… Sau 4 năm triển khai, diện tích cây trà hoa vàng trên địa bàn huyện Đình Lập tăng từ hơn 6 ha lên 16,2 ha. Cùng đó, nhóm thực hiện nhiệm vụ đã xây dựng được vườn cây mẹ với quy mô 150 cây, các cây mẹ trong mô hình sinh trưởng, phát triển tốt, 30% cây đã bắt đầu cho thu hoa và trên 50% cây đã có thể lấy nguyên liệu làm hom; xây dựng 1 vườn ươm giống, từ năm 2019 đến năm 2022, nhóm thực hiện dự án ươm được hơn 10.000 hom cung cấp cho nông dân trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, nhóm thực hiện dự án cũng phối hợp xây dựng quy trình chế biến trà hoa vàng tại Công ty Cổ phần Chè Thái Bình với công nghệ sấy nóng và sấy thăng hoa đạt tiêu chuẩn TCVN 3218-2012 chất lượng loại 2. Đồng thời, xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm trà hoa vàng, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm trà hoa vàng khô và trà túi lọc; tổ chức tập huấn cho 29 nông dân, cán bộ xã Lâm Ca về kỹ thuật nhân giống, trồng thâm canh trà hoa vàng…

Bên cạnh xây dựng các mô hình, nhóm thực hiện nhiệm vụ còn xây dựng 3 quy trình hướng dẫn kỹ thuật bao gồm: kỹ thuật nhân giống trà hoa vàng từ hom; thâm canh trà hoa vàng; kỹ thuật thu hoạch, sơ chế, chế biến sản phẩm từ trà hoa vàng. Thời điểm thích hợp để trồng trà hoa vàng là từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau, quá trình giâm hom cần độ ẩm lớn; khu vực trồng cần có tán che đạt 60 – 70% diện tích, cây thích hợp với phân vi sinh kết hợp với một số loại phân vô cơ tùy theo giai đoạn phát triển; thời điểm thu hái hoa cho chất lượng tốt nhất là trước 7 giờ sáng…

Ông Bế Văn Cường, thôn Khe Dăm, xã Lâm Ca, huyện Đình Lập cho biết: Năm 2019, gia đình tôi trồng 3.700 cây trà hoa vàng theo chương trình triển khai nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp tỉnh. Trong quá trình trồng và chăm sóc, tôi được cán bộ kỹ thuật của đề tài hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc. Đến nay, tỷ lệ cây sống đạt hơn 90%, đa số đều cao hơn 70 cm, một số cao hơn 1,2 m, mỗi cây đều ra rất nhiều cành. Dự kiến 2 năm tới cây sẽ ra hoa và cho thu hoạch.

Bà Nguyễn Thị Hà, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ tỉnh cho biết: Đề tài có tính khoa học và thực tiễn, kết quả nghiên cứu của đề tài bước đầu tạo ra nguồn giống trà hoa vàng cung cấp cho người dân để mở rộng diện tích, góp phần bảo tồn và phát triển nguồn gen trà hoa vàng; quy trình chế biến sản phẩm cũng góp phần kéo dài thời gian bảo quản, giảm áp lực về đầu ra, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm.

Nếu như trước đây, trà hoa vàng chủ yếu được bán tươi với giá từ 300.000 đồng đến 700.000 đồng/kg thì với việc chế biến bằng công nghệ sấy nóng, sấy thăng hoa, giá trà được nâng lên từ 9 đến 15 triệu đồng/kg hoa khô.

Với những kết quả đó, Hội đồng khoa học tỉnh đã tiến hành nghiệm thu vào tháng 12/2022.

HOÀNG VƯƠNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/khoa-hoc-tin-hoc/588194-nang-cao-gia-tri-cay-tra-hoa-vang.html