Nâng cao giá trị cho đặc sản vùng, miền
Với tinh thần 'Hà Nội với cả nước, cả nước với Hà Nội', thành phố Hà Nội đã phối hợp, hỗ trợ nhiều tỉnh, thành phố quảng bá, giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu, có thế mạnh của địa phương, tham gia chuỗi cung ứng - tiêu thụ tại thị trường Thủ đô và phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, để đặc sản vùng, miền trở thành sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao rất cần sự phối hợp của các sở, ngành chức năng, nỗ lực khắc phục điểm yếu trong khâu tiếp thị, quảng bá, xây dựng thương hiệu… của các doanh nghiệp.
Nhiều địa phương đã tham gia chuỗi cung ứng - tiêu thụ tại thị trường Thủ đô và phục vụ xuất khẩu. Ảnh: Nhật Nam
Nhiều tiềm năng, nhưng chưa phát triển
Vừa chọn mua đặc sản hồng không hạt của Bắc Kạn tại siêu thị Big C Thăng Long, chị Nguyễn Thu Trang (số 24, ngõ 12 phố Tú Mỡ, quận Cầu Giấy) vừa chia sẻ với phóng viên Báo Hànôịmới: “Tôi rất thích mua những sản phẩm nông sản, thực phẩm đặc sản của các vùng, miền. Thú vị nhất là bây giờ không phải tìm mua ở đâu xa, mà ngay tại các siêu thị lớn của Hà Nội cũng có thể chọn mua được nhiều sản phẩm đặc sản”.
Chia sẻ của chị Nguyễn Thu Trang cũng là ý kiến của nhiều người tiêu dùng khi được lựa chọn sản phẩm đặc sản vùng, miền ngay tại các hệ thống phân phối, bán lẻ của Hà Nội mà không phải đi xa như trước đây. Theo Trung tâm Xúc tiến, đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội, với sự hỗ trợ của thành phố, đến nay đã có hàng nghìn giao dịch giữa các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh từ khắp các tỉnh, thành phố với các đơn vị phân phối tại Hà Nội. Hoạt động này không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô, mà còn góp phần tích cực vào chủ trương "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Có thể kể đến các sản phẩm vùng, miền ngày càng xuất hiện nhiều trong chuỗi siêu thị Vinmart, Big C, Aeon, Lotte… Nhiều hệ thống bán lẻ lớn như Aeon còn cử những đoàn công tác đến với hội chợ nhằm tìm kiếm sản phẩm mới để đưa vào chuỗi cung ứng không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở cả Nhật Bản…
Thực tế cho thấy, dù Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu thế giới về sản xuất, xuất khẩu gạo, cà phê, tiêu… và có nhiều loại đặc sản, nhưng vẫn còn nhiều nhà sản xuất, địa phương chưa quan tâm tới việc nâng cao giá trị, cũng như bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc sản.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, bà Nguyễn Thị Mai Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội cho rằng, do các doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về tiềm năng phát triển của đặc sản, các sản phẩm còn đơn điệu trong thiết kế mẫu mã, bao bì. Bên cạnh đó, việc sản xuất còn nhỏ lẻ, sản phẩm chủ yếu sản xuất thủ công, số lượng ít, chưa chú trọng đến tạo logo, nhãn mác, thương hiệu… là những điểm yếu làm giảm giá trị kinh tế của các sản phẩm đặc sản Việt.
Liên kết tạo sức mạnh cạnh tranh
Nhằm phục vụ người tiêu dùng Thủ đô, Hà Nội đã và đang đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng, kết nối cung - cầu giữa các tỉnh, thành phố trên cả nước. Nổi bật phải kể đến hội chợ đặc sản vùng, miền Việt Nam được tổ chức thường niên; phối hợp với tỉnh Sơn La tổ chức “Tuần lễ xoài và nông sản an toàn tỉnh Sơn La năm 2019”; phối hợp với tỉnh Bắc Giang tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm đặc trưng của huyện Lục Ngạn; phối hợp với tỉnh Lạng Sơn tổ chức tuần lễ na Chi Lăng; cùng tỉnh Bắc Kạn tổ chức tuần lễ hồng không hạt và nông sản…
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh, việc thực hiện liên kết Hà Nội với cả nước nhằm hỗ trợ quảng bá sản phẩm đặc sản vùng, miền tiêu thụ tại thị trường Hà Nội. Đây là một trong những chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Tuy nhiên, để đưa được đặc sản vào hệ thống bán lẻ hiện đại, nhà hàng, khách sạn… các địa phương cần tập trung xây dựng, phát triển thương hiệu các vùng đặc sản như: Chè Thái Nguyên, nước mắm Phú Quốc, vải thiều Thanh Hà, cà phê Buôn Mê Thuột… Bên cạnh đó, mỗi địa phương cần lựa chọn cho mình những giá trị đặc trưng, xây dựng hình ảnh độc đáo, khác biệt qua hệ thống sản phẩm dịch vụ của cả vùng, miền hoặc của các doanh nghiệp.
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Tiến Hưng - Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam cho rằng, để đặc sản vùng, miền tiếp cận các kênh phân phối, doanh nghiệp cung ứng, sản xuất ngoài việc phải bảo đảm đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc, thì trên nhãn bao bì phải ghi rõ thành phần, tỷ lệ phối trộn, hướng dẫn sử dụng, có mã truy xuất nguồn gốc… Đặc biệt, trên bao bì nên tạo điểm nhấn, tạo sự khác biệt so với các sản phẩm cùng loại khác, từ đó thu hút người tiêu dùng. Nghệ thuật thiết kế bao bì và đóng gói sản phẩm đặc trưng vùng, miền nên gắn với nét văn hóa của dân tộc, vùng miền đó để tạo cảm giác mới lạ, độc đáo. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá sản phẩm theo hướng nhấn mạnh đến sự khác biệt đặc sản vùng, miền để người tiêu dùng biết đến.
Theo ông Vũ Hòa - Giám đốc chuỗi cửa hàng Đồng Quê, mỗi sản phẩm đặc trưng vùng, miền nên có câu chuyện riêng để tạo điểm nhấn gắn liền với nét đặc trưng nổi bật của vùng miền đó về văn hóa, ẩm thực, hoặc nguồn gốc ra đời, tạo sự khác biệt so với các sản phẩm đồng dạng khác để thu hút khách hàng mua sản phẩm...
Việt Nam có nhiều tiềm năng, thế mạnh về các sản phẩm đặc sản, hàng hóa đặc trưng của từng vùng, miền. Thế nhưng, để có chỗ đứng ở thị trường trong nước và dần vươn ra thị trường nước ngoài thì các doanh nghiệp phải có sự đầu tư bài bản, chuyên nghiệp hơn; đồng thời, liên kết lại với nhau để sử dụng chung dịch vụ nhằm tiết kiệm chi phí và tạo sức mạnh cạnh tranh. Các cơ quan quản lý, các địa phương cũng cần phát huy nhiều hơn công tác hỗ trợ về giao thương, kết nối, để doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận, quảng bá sản phẩm tới các đối tác và người tiêu dùng.