Nâng cao giá trị kinh tế sản phẩm mứt gừng Mỹ Chánh
Nghề làm mứt gừng ở thôn Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng có truyền thống từ lâu đời. Mứt gừng Mỹ Chánh với hương vị thơm ngon, cay nồng đặc trưng đã được khách hàng gần xa ưa chuộng. Tuy vậy, để nâng cao hơn nữa giá trị kinh tế của sản phẩm này thì vẫn còn nhiều việc phải làm.
Từ gần nửa tháng trước, gia đình ông Ngô Văn Bách, ở thôn Mỹ Chánh đã mở lò làm mẻ mứt gừng đầu tiên theo đơn đặt hàng ở thành phố Đà Nẵng. Ông Bách chia sẻ, mỗi năm gia đình ông sản xuất bình quân khoảng 5 - 6 tấn mứt thành phẩm, phần lớn là làm theo đơn đặt hàng của Công ty cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị. Là người làm nghề lâu năm, kinh nghiệm của ông Bách là sử dụng quả chanh để tẩy trắng gừng với công thức 1 kg chanh sẽ áp dụng cho việc tẩy trắng 20 kg gừng, hễ làm ra 1 kg mứt thì tương ứng nguyên liệu là 1 kg gừng và 1 kg đường trắng. Giá thành mỗi kg mứt gừng mà công ty thu mua của gia đình ông là 75.000 đồng, cao hơn so với giá thị trường là bởi tuân thủ quy trình sản xuất sạch, cam kết không sử dụng chất tẩy trắng, được công ty kiểm định chặt chẽ khi giao nhận hàng. Theo ông Bách, bình quân mỗi vụ gia đình ông sản xuất 5 tấn, trừ chi phí nguyên liệu, thuê nhân công thì lãi ròng khoảng 50 triệu đồng.
Toàn thôn Mỹ Chánh hiện có hơn 20 hộ còn giữ nghề truyền thống làm mứt gừng, thành lập tổ hợp tác sản xuất mứt gừng Mỹ Chánh. Trước mỗi vụ sản xuất, các thành viên tổ hợp tác được UBND xã tổ chức ký cam kết về việc tuân thủ chế biến mứt theo đúng quy trình thủ công truyền thống, giữ nguyên hương vị đặc trưng của mứt gừng Mỹ Chánh. Trong quá trình sản xuất các hộ tuyệt đối không sử dụng hóa chất và cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường, không làm ảnh hưởng đến đời sống của hộ khác... Đây cũng là quy định trong hương ước của làng, hộ nào vi phạm hương ước sẽ không được tiếp tục sản xuất.
Tuy là nghề phụ nhưng nghề làm mứt gừng từ lâu đã đem lại thu nhập cao cho người dân mỗi dịp tết Nguyên đán. Cứ 1 kg mứt thành phẩm cho lãi ròng 5.000 đồng. Mỗi mùa tết, mỗi gia đình làm mứt cũng có thu nhập sau khi trừ chi phí từ 7 - 10 triệu đồng. Có hộ làm từ 3 - 5 tấn, trừ chi phí, tiền trả nhân công cũng lãi khoảng 30 - 50 triệu đồng trong khoảng 15 ngày.
Những năm trước đây, cao điểm có năm tổ hợp tác sản xuất được 120 - 150 tấn mứt gừng cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Gần đây, số lượng giảm dần, mỗi năm chỉ còn sản xuất khoảng 70 - 80 tấn. Một số hộ sản xuất số lượng lớn như hộ ông Hồ Ngọc Tuấn, bình quân mỗi vụ sản xuất khoảng 20 tấn mứt gừng, cung cấp cho các đầu mối bán buôn trong và ngoài tỉnh.
Một vấn đề mà người làm nghề mứt gừng ở Mỹ Chánh luôn trăn trở là nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất. Theo những người có kinh nghiệm làm nghề lâu năm, loại gừng có chất lượng tốt nhất là gừng trồng ở các xã thuộc địa bàn huyện Hướng Hóa. Lâu nay, nguyên liệu mà người làm mứt gừng Mỹ Chánh nhập chủ yếu vẫn là gừng của các tỉnh Đắk Lắk, Kon Tum, chưa có sự kết nối giữa vùng nguyên liệu ở khu vực huyện Hướng Hóa với người sản xuất.
Mặc dù làng nghề mứt gừng Mỹ Chánh đã có truyền thống lâu đời, tuy nhiên đến nay việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm này vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tháng 12/2012, sản phẩm mứt gừng Mỹ Chánh được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ công nhận thương hiệu và cấp giấy chứng nhận, bao bì, nhãn mác. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn người làm mứt ở Mỹ Chánh vẫn phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm của mình nên họ chưa dám mở rộng quy mô sản xuất. Theo ông Ngô Văn Bách, từ trước đến nay các hộ sản xuất vẫn quen với tư duy tự làm, tự tìm đầu mối tiêu thụ, mặc dù đã thành lập tổ hợp tác nhưng đến nay vẫn chưa có sự liên kết chặt chẽ trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. “Để sản phẩm mứt gừng Mỹ Chánh được nâng cao về giá trị thì trước hết cần phải thay đổi tư duy, nhận thức của từng cơ sở sản xuất. Phải làm sao để các thành viên có sự kết nối, thống nhất để tạo ra sản phẩm chất lượng thực sự, lúc đó thì giá trị sản phẩm mới có uy tín trên thị trường”, ông Bách chia sẻ.
Sản phẩm mứt gừng Mỹ Chánh đã được cho phép sử dụng tên địa danh để xác lập nhãn hiệu tập thể “Mứt gừng Mỹ Chánh”. Thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ cũng đã hỗ trợ tập huấn về khoa học kỹ thuật, hỗ trợ về bao bì, nhãn mác. Chủ tịch UBND xã Hải Chánh Bùi Văn Sinh cho biết, theo kế hoạch, trong tương lai các cơ sở làm mứt sẽ được quy hoạch vào Cụm công nghiệp Hải Chánh để đảm bảo vệ sinh và mở rộng quy mô sản xuất. Để làm được điều này, công tác tuyên truyền thay đổi nhận thức của người dân là rất quan trọng. “Một khi các cơ sở sản xuất được quy tụ lại, người dân cùng hướng đến việc sản xuất sản phẩm đảm bảo chất lượng, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, liên kết tiêu thụ thì sẽ hạn chế tình tranh mua, tranh bán và nâng cao giá trị sản phẩm. Đó cũng là định hướng lâu dài của xã đối với việc phát triển làng nghề mứt gừng Mỹ Chánh, mục tiêu là để sản phẩm có được thị trường tiêu thụ rộng rãi, khẳng định uy tín, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, là món quà ngày tết ý nghĩa”, ông Bùi Văn Sinh chia sẻ.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=154271