Nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi liên kết
Việc xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp liên kết theo chuỗi đang là hướng đi giúp nông dân nâng cao giá trị sản phẩm bền vững. Đồng thời tăng hiệu quả kinh tế ổn định cho người dân. Từ đó, góp phần tạo chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa tại địa phương.
Tại huyện Hòa An, chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ớt ở thị trấn Nước Hai là minh chứng cho thấy hiệu quả của việc “bắt tay”, phối hợp sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp. Gia đình bà Hoàng Thị Huyên, xóm Vò Rài, thị trấn Nước Hai trồng 1.800 m2 ớt chỉ thiên, bà Huyên cho biết: Năm 2019, tôi tham gia mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ớt do UBND thị trấn Nước Hai thực hiện. Tham gia mô hình, tôi được hỗ trợ giống, khoa học kỹ thuật và đặc biệt được Công ty DACE bao tiêu sản phẩm nên rất yên tâm. Diện tích ớt của gia đình hiện đã thu hoạch được gần 2 tạ, với giá thu mua 23 - 25 nghìn đồng/kg, ước tính vụ ớt này thu lãi hơn 40 triệu đồng.
Chủ tịch UBND xã Nguyễn Huệ (Hòa An) Đàm Thu Thủy chia sẻ: Trước đây, đất ở xã người dân chỉ trồng lúa, ngô, rau màu, giá trị kinh tế không cao, nhiều hộ bỏ đất hoang. Để đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, xã tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp và cây dong riềng là một trong những cây trồng được lựa chọn. Hiện, trên địa bàn xã Nguyễn Huệ có hơn 90,7 ha dong riềng với hơn 300 hộ sản xuất miến. Nhờ nguồn vốn cho vay từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các hộ sản xuất, hợp tác xã (HTX) đầu tư máy móc, xây dựng nhà xưởng, tăng quy mô sản xuất, tạo việc làm cho lao động tại địa phương.
Không chỉ các địa phương, doanh nghiệp, mà các HTX trên địa bàn tỉnh cũng đã chủ động hơn trong quá trình sản xuất kinh doanh, cùng “bắt tay” với nông dân để nâng cao giá trị của sản phẩm nông nghiệp. Đơn cử như HTX nông nghiệp Ba Sạch, xã Hưng Đạo (Thành phố) là đơn vị liên kết trong việc thu mua, bao tiêu sản phẩm nông sản cho người dân. Để đáp ứng các đơn hàng có số lượng lớn cho đối tác các tỉnh, HTX tăng cường nhân lực để thực hiện các khâu: thu mua sản phẩm, sơ chế, phân loại, đóng gói, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, HTX liên kết với các nhà phân phối lớn ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh đưa các sản phẩm nông sản đặc sản của tỉnh vào hệ thống các siêu thị, xuất khẩu ra nước ngoài.

Sản phẩm miến dong của Hợp tác xã Nông nghiệp Ba Sạch (Thành phố) kết nối cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh.
Ông Lại Đức Thứ, Giám đốc HTX nông nghiệp Ba Sạch cho biết: Mô hình liên kết sản xuất của HTX Ba Sạch mỗi tháng cung cấp ra thị trường hàng chục tấn nông sản các loại. Đến nay, nông sản của HTX Ba Sạch không chỉ bán tại thị trường trong tỉnh mà còn cung ứng các tỉnh, thành trong cả nước. Hiện HTX có trên 30 sản phẩm, trong đó có 12 sản phẩm đạt OCOP 3 sao (bún, phở, gạo nếp, đỗ tương, lạc đỏ), 5 sản phẩm đạt sản phẩm nông thôn tiêu biểu… Năm 2024, doanh thu HTX đạt hơn 20 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 10 lao động với thu nhập bình quân 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Xác định sản phẩm nông sản đặc thù, chất lượng cao là thế mạnh để người dân trên địa bàn tỉnh nâng cao thu nhập, tỉnh thực hiện nhiều giải pháp để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân. Trong đó, chú trọng phát triển các mô hình liên kết, tiêu thụ nông sản của đồng bào. Nhiều mô hình liên kết được hình thành, từng bước khẳng định hướng đi hiệu quả cho kinh tế nông nghiệp của tỉnh. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa có sự liên kết tương đối rõ nét, như: Vùng thuốc lá tại Hòa An, Hà Quảng, Trùng Khánh; vùng mía nguyên liệu tại Quảng Hòa, Thạch An, Hạ Lang; vùng trúc sào tại Nguyên Bình, Bảo Lạc..., đem lại lợi ích cho các bên tham gia, giúp giảm giá thành đầu vào, đảm bảo đầu ra, xây dựng thương hiệu hàng hóa nông sản của địa phương.
Đặc biệt, tỉnh cụ thể hóa các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước qua việc khuyến khích liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, phát triển HTX, xây dựng sản xuất tập trung… đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đời sống, trong đó cụ thể hóa Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp mà các bên đối tác đều được hưởng lợi, trực tiếp là nông dân. Chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh đa dạng hóa các hình thức liên kết giữa người dân, doanh nghiệp, HTX trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hình thành nên chuỗi giá trị hàng nông sản, đặc biệt quan tâm, hỗ trợ việc liên kết trực tiếp giữa doanh nghiệp và người dân. Tập trung nguồn lực lồng nghép các nguồn vốn, ưu tiên nguồn vốn sự nghiệp các chương trình mục tiêu quốc gia đẩy mạnh liên kết sản xuất nông nghiệp gắn với các sản phẩm đặc hữu, chủ lực của từng địa phương; xây dựng vùng nguyên liệu cho các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp, vùng nguyên liệu phục vụ cho sản phẩm OCOP, gắn với du lịch nông nghiệp. Khi tham gia liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhà nước sẽ hỗ trợ xây dựng hệ thống hạ tầng, tập huấn kỹ thuật, vốn cho nông dân, doanh nghiệp, tăng năng suất, chất lượng và sản phẩm nông sản của nông dân, đời sống được nâng lên.

Người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị đảm bảo chất lượng nông nghiệp sạch, an toàn.
Chi cục Trưởng Chi cục phát triển Nông thôn Nông Chí Kiên cho biết: Thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia, năm 2024, Chi cục Phát triển Nông thôn tổ chức 7 cuộc kiểm tra giám sát hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất tại các huyện: Thạch An, Hạ Lang, Quảng Hòa, Trùng Khánh, Hòa An, Hà Quảng, Thành phố. Từ các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh đã hỗ trợ trên 566 tỷ đồng thực hiện 559 dự án/kế hoạch hỗ trợ sản xuất. Trong đó, có 56 kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, 503 dự án hỗ trợ phát triển cộng đồng. Thông qua các nguồn vốn hỗ trợ, các huyện, Thành phố tích cực triển khai nâng cao năng suất, chất lượng, nhiều loại cây trồng, vật nuôi được nâng lên, xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả; việc liên kết, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với các doanh nghiệp, HTX tạo thuận lợi tiêu thụ nông sản và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp hiệu quả.
Mô hình liên kết chuỗi giá trị tạo điều kiện cho nông dân phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung tạo ra sản phẩm nông sản chất lượng cao theo hướng hàng hóa, bước đầu tạo thương hiệu được khách hàng tìm đến đặt mua, đặc biệt là các sản phẩm OCOP. Nhờ đó năng suất, chất lượng và giá trị nông sản ngày càng được nâng cao, hoạt động của các HTX cũng được tăng thêm một bước. Đến nay, toàn tỉnh có 25 HTX nông nghiệp được công nhận 48 sản phẩm OCOP, 7 tổ hợp tác được công nhận 7 sản phẩm OCOP với nhiều sản phẩm đa dạng như: bún cẩm Cao Bằng, nấm hương, bí thơm, rượu ngô nguyên chất, chè Đoỏng Pán, gạo nếp Pì Pất…