Nâng cao giá trị, thương hiệu chè Thái
Nhãn hiệu tập thể Chè Thái Nguyên đã chính thức được bảo hộ tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Điều này khẳng định uy tín, chất lượng, danh tiếng và giá trị của chè Thái Nguyên.
Tháng 8-2006, Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” và Hội Nông dân tỉnh được giao là chủ sở hữu. Đây cũng là sản phẩm đặc thù đầu tiên của tỉnh được bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Sau đó 12 năm, nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” được đăng ký bảo hộ thành công tại Hoa Kỳ, Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).
Đặc biệt, năm 2022 nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” chính thức được công bố bảo hộ tại Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây không chỉ là niềm vui lớn đối với những người làm chè trên địa bàn tỉnh mà còn là sự khẳng định vững chắc về uy tín, chất lượng, danh tiếng và giá trị của chè Thái Nguyên.
Góp sức nâng cao giá trị, thương hiệu chè Thái có công rất lớn của các HTX. Tìm hiểu thực tế tại một số HTX chè, chúng tôi nhận thấy các đơn vị không còn tư tưởng trông chờ vào cơ quan nhà nước mà đã chủ động xây dựng và phát triển thương hiệu để nâng cao giá trị sản phẩm trà.
Hiện nay, HTX Trà Vân Dũng, địa chỉ tại tổ 12, phường Quang Trung, có vùng nguyên liệu 5ha tại xóm Đồi Chè, xã Phúc Trìu (TP. Thái Nguyên). HTX liên kết với 20 hộ dân sản xuất chè hữu cơ. Đối với từng vùng nguyên liệu sản xuất chè tôm nõn hay chè đinh, HTX đều cắm biển để thực hiện quy trình chăm sóc khác nhau nhằm tạo ra sản phẩm chè có chất lượng tốt nhất.
Các thành viên, hộ liên kết đều có sổ ghi chép chặt chẽ quy trình từ trồng, chăm bón, thu hoạch đến khi thành phẩm đối với từng diện tích cụ thể. Các sản phẩm như trà mộc, tôm nõn, trà đinh, HTX đều ghi rõ ràng trên bao bì và có mã QR để khách hàng link trực tiếp đến website của HTX, nhằm truy xuất nguồn gốc, phân biệt các dòng trà Tân Cương.
Bà Đào Thị Hồng Nhung, Giám đốc HTX Trà Vân Dũng, cho biết: Với cách làm trên, giá trị của các sản phẩm trà được nâng lên từ 20-30% so với cách đây 5 năm chúng tôi chỉ sản xuất sản phẩm trà khô đơn thuần. Hiện, HTX có các sản phẩm như: Mộc trà, Trà đinh, Trà ướp hoa nhài, Trà ướp hoa sen với giá bán từ 300 nghìn đồng đến 4 triệu đồng/kg tùy sản phẩm.
Để tránh tình trạng làm giả, làm nhái sản phẩm, HTX đã xây dựng bộ nhận diện thương hiệu sản phẩm trà, có thông tin chi tiết từng mẫu mã. Khi đưa ra thị trường, khách hàng dễ dàng phân biệt các dòng trà của HTX, góp phần bảo vệ thương hiệu chè Thái Nguyên. Hiện nay, HTX đang xây dựng phòng trà và tiếp tục nghiên cứu để đưa ra thị trường các đồ uống như trà hoa quả, trà sữa.
HTX Trà Sơn Dung hiện có 14 thành viên và gần 50 hộ liên kết. Diện tích trồng chè khoảng 50ha, tập trung tại 3 xã: Tân Cương, Phúc Xuân và Phúc Trìu (TP. Thái Nguyên). Để nâng cao giá trị sản phẩm trà, HTX đã nghiên cứu, chế biến và cho ra thị trường dòng sản phẩm riêng ướp trà từ hoa sói, hoa nhài, hoa mộc hương, hoa sen và hoa bưởi.
3 dòng sản phẩm truyền thống của HTX là: Trà đinh, Tôm nõn, Móc câu được mang các tên như: Sơn Trà, Minh Trà, An Trà, Thu Trà, Mộc Trà, Thảo Trà, Nhị Trà, Lộc Trà, Trà túi lọc 3D, các dòng trà hoa… Việc tạo dựng thương hiệu đã giúp HTX sản xuất, chế biến, tiêu thụ mỗi năm hàng nghìn tấn chè tươi, tương ứng với hàng trăm tấn trà búp khô cung ứng ra thị trường trong và ngoài nước.
Bà Nguyễn Thị Như Trang, Giám đốc HTX Trà Sơn Dung, nhấn mạnh: HTX là một trong những đơn vị được cấp Chỉ dẫn địa lý chè Tân Cương. Để bảo vệ và nâng cao giá trị thương hiệu Trà Sơn Dung cũng như thương hiệu chè Tân Cương Thái Nguyên, trên mỗi bao bì sản phẩm, HTX đều ghi đầy đủ nhãn mác, địa chỉ nơi sản xuất, số điện thoại liên hệ được đặt làm tại các nhà máy đạt tiêu chuẩn quốc tế, vì thế, việc làm nhái, làm giả khó hơn rất nhiều so với việc dán tem lên bao bì sản phẩm.
Thái Nguyên hiện có trên 22 nghìn ha chè. Xác định chè là cây trồng chủ lực, thế mạnh, nhiều năm qua, tỉnh đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống chè theo hướng trồng mới, cải tạo những nương chè trung du già cỗi, năng suất, chất lượng thấp bằng các giống chè có năng suất, chất lượng cao; đồng thời, chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất, chế biến chè an toàn, hữu cơ.
Mặt khác, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, các HTX đẩy mạnh đầu tư, liên kết, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng chế biến chè. Đến nay, Thái Nguyên có 240 sản phẩm đạt OCOP từ 3 đến 5 sao, trong đó 196 sản phẩm chè.
Theo đánh giá của ngành chức năng, giá trị kinh tế của các sản phẩm sau khi được đánh giá xếp hạng OCOP tăng từ 20% trở lên. Đặc biệt, một số sản phẩm của HTX chè Hảo Đạt, HTX chè La Bằng, HTX Sơn Dung có doanh số bán hàng tăng 300-400%... Với sự hỗ trợ của tỉnh và sự chủ động sáng tạo của các HTX, giá trị và thương hiệu sản phẩm chè Thái Nguyên ngày một nâng cao, giúp các HTX đứng vững trên thị trường.