Nâng cao giá trị trước thách thức của thị trường, dịch bệnh

Những năm qua, tỉnh rất chú trọng đến phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, gia tăng hiệu quả và chất lượng sản phẩm.

Nông dân ở xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu thu hoạch lúa.

Nông dân ở xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu thu hoạch lúa.

Phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm

Một trong những giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững được Tây Ninh xác định là kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư vùng chuyên canh rau củ và cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao; xây dựng, thực hiện chính sách phù hợp nhằm thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp nông nghiệp phát triển, tạo điều kiện để nông dân tiếp cận, nâng cao hiểu biết nhằm chuyển đổi từ hình thức làm nông nghiệp truyền thống sang làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đồng thời, xây dựng khâu bảo quản, chế biến sâu các sản phẩm nông sản.

Việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật tạo điều kiện để thúc đẩy liên kết, chế biến, tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản địa phương.

Bên cạnh đó, để đẩy mạnh khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp- nhất là nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh đang tập trung thực hiện 3 chính sách lớn, gồm: Chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (theo Quyết định số 20/2020/QĐ-UBND ngày 12.6.2020); chính sách hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ (theo Quyết định số 21/2019/QĐ-UBND ngày 17.6.2019); chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (theo Quyết định số 23/2019/QĐ-UBND ngày 28.6.2019).

Đến nay, việc ứng dụng tiến bộ, khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp có bước chuyển biến đáng kể, góp phần gia tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Trong lĩnh vực trồng trọt, một số chương trình ứng dụng công nghệ sinh học, kỹ thuật công nghệ, thiết bị tiên tiến trên lĩnh vực trồng trọt được đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất như: sử dụng phòng trừ sinh học, bẫy đèn bắt côn trùng, bẫy sinh học dẫn dụ ruồi đục trái mãng cầu, ong ký sinh trị rệp sáp mì, ong mắt đỏ trên cây mía; trichoderma xử lý đất, phân.

Phát triển nông nghiệp sạch ngày càng được chú trọng, đến năm 2020, đã hỗ trợ chứng nhận 367,55 ha sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; trên 1.200 ha diện tích cây ăn trái được chứng nhận VietGAP; 1.986 ha vùng trồng lúa chất lượng cao đạt tiêu chuẩn VietGAP với 42 tổ liên kết.

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp và người sản xuất đăng ký mã số vùng trồng đối với nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc (95 vùng trồng với diện tích 4.739,8 ha và 21 cơ sở đóng gói trái cây); hỗ trợ phần mềm truy xuất nguồn gốc KIPUS (triển khai cho 90 hộ với diện tích trên 1.000 ha; 5 cơ sở được cấp mã QR và tem truy xuất nguồn gốc)... tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp.

Hệ thống tưới cho cây mía tại Nông trường mía Biên Hòa - Thành Long.

Hệ thống tưới cho cây mía tại Nông trường mía Biên Hòa - Thành Long.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, đến năm 2020, tỷ lệ chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng trang trại tập trung công nghiệp, bán công nghiệp chiếm 70% so với tổng đàn, tăng 63% so với năm 2015. Cơ cấu giống vật nuôi ngày càng được cải thiện, nâng cao năng suất chất lượng góp phần tăng hiệu quả sản xuất và khả năng cạnh tranh sản phẩm, cụ thể: tỷ lệ heo lai kinh tế 2 - 3 - 4 máu đạt 98% tổng đàn heo; tỷ lệ bò lai Zebu đạt 98% tổng đàn bò; tỷ lệ bò HF2, HF3 đạt 80% so với tổng đàn bò sữa; tỷ lệ giống gia cầm mới chiếm khoảng 90% tổng đàn gia cầm trong tỉnh.

Toàn tỉnh có huyện Dương Minh Châu được chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm, newcastle trên gà và 79 cơ sở chăn nuôi gà, vịt, heo, bò được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh (trong đó, 54 cơ sở chăn nuôi gà, 2 cơ sở chăn nuôi vịt, 10 cơ sở chăn nuôi heo, 2 cơ sở chăn nuôi bò, 11 xã); 1 trang trại bò sữa Vinamilk Tây Ninh đạt tiêu chuẩn GlobalGAP với 8.000 con nằm trong hệ thống trang trại chuẩn GlobalGAP lớn nhất châu Á của Vinamilk, được ứng dụng công nghệ 4.0 một cách toàn diện.

Nhiều mô hình chăn nuôi có giá trị gia tăng gắn ứng dụng công nghệ cao góp phần tăng giá trị và thu nhập cho người dân đang được triển khai nhân rộng như: sử dụng hệ thống làm mát Cooling pad để điều chỉnh nhiệt độ; hệ thống phân phối thức ăn, nước uống tự động; sử dụng robot đẩy thức ăn; dàn vắt sữa tự động; sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý trang trại; sử dụng chip điện tử để quản lý thông tin về năng suất sữa và sức khỏe của bò sữa; hệ thống giết mổ treo; đến năm 2020, có 7 trại chăn nuôi và 4 cơ sở giết mổ áp dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc Te-foods trên heo.

Tạo điều kiện để nông dân chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Tuy đạt được những kết quả tích cực nhưng nhìn chung, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn mang tính chất mô hình, manh mún, quy mô nhỏ. Thực hiện các chính sách trong nông nghiệp còn lúng túng; việc nhân rộng mô hình gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các công nghệ mới.

Do vậy, khâu liên kết sản xuất theo chuỗi (sản xuất - chế biến - tiêu thụ) còn thấp, dẫn đến hiệu quả kinh tế chưa đạt được như mong muốn. Bên cạnh đó, công nghiệp chế biến nông sản chưa phát triển, một số nhà máy chế biến chưa thật sự gắn với xây dựng vùng nguyên liệu, thiếu tính bền vững, chưa thúc đẩy sản xuất phát triển.

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, việc thực hiện các chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn bước đầu thay đổi được nhận thức của người dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hiện đại, an toàn quy mô lớn và tự động.

Tuy nhiên, để chính sách này đi vào cuộc sống, nhiều người thụ hưởng và có sự chuyển biến mạnh mẽ, cần sự giúp đỡ của các sở, ngành, chính quyền các cấp, vì để thực hiện chính sách đòi hỏi có một số thủ tục nhất định, nhưng người dân có tâm lý e ngại trong vấn đề làm thủ tục vì họ không am hiểu về pháp luật Nhà nước, không có chuyên môn… do đó, phải có sự hỗ trợ của các ngành, các cấp để người dân tiếp cận được với những chính sách Nhà nước đã ban hành.

Về việc phát triển các mô hình VietGAP, GlobalGAP tại Tây Ninh trong thời gian qua, ông Xuân cho biết, thị trường ngày càng có nhu cầu cao hơn về chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc. Những chuỗi phân phối hay người tiêu dùng khi mua sản phẩm lúc nào cũng đặt ra tiêu chuẩn chất lượng và nguồn gốc, phải bảo đảm một số tiêu chuẩn nhất định, sản phẩm tương đối đồng đều, không được có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật…

Một cơ sở giết mổ gia cầm ở huyện Dương Minh Châu.

Một cơ sở giết mổ gia cầm ở huyện Dương Minh Châu.

Một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay rất mạnh dạn trong việc đầu tư về quy trình sản xuất để được chứng nhận xuất xứ, nguồn gốc và đưa được sản phẩm vào các chuỗi, như Co.opmart, Bách Hóa Xanh…

Đối với thị trường truyền thống (các chợ đầu mối, chợ, thương lái) lại không có sự phân biệt nên người dân e ngại việc sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP nhưng bán vào chuỗi phân phối chỉ với số lượng ít, còn giá bán ra bên ngoài như sản phẩm khác, có khi thấp hơn vì ít sử dụng thuốc BVTV nên độ mượt mà, bóng bẩy của nông sản không bằng những người sử dụng thuốc, dẫn đến việc tiêu thụ khó khăn hơn.

“Chúng ta muốn quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên sàn điện tử thì phải dựa vào các tiêu chuẩn, chứng nhận sản xuất để mua bán. Và người trung gian, như Sở NN&PTNT, khi mời chào khách hàng ở xa mua sản phẩm, đơn vị phải bảo đảm về chất lượng sản phẩm.

Thị trường càng khó khăn càng thấy giá trị của việc làm theo tiêu chuẩn, có nguồn gốc rõ ràng. Xu hướng này sẽ càng ngày càng phát triển do nhu cầu của thị trường và do nhận thức của người dân thay đổi”, lãnh đạo Sở NN&PTNT chia sẻ.

Về thủ tục chứng nhận VietGAP, GlobalGAP có những khó khăn, lãnh đạo Sở NN&PTNT khuyên người sản xuất nên thuê đơn vị tư vấn để được hỗ trợ về thủ tục pháp lý. Chi phí để thực hiện các quy trình, thủ tục cũng là một e ngại đối với người sản xuất. Do đó, Sở NN&PTNT đang trình UBND tỉnh chính sách để hỗ trợ người dân trong quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt.

Giang Hà

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/nang-cao-gia-tri-truoc-thach-thuc-cua-thi-truong-dich-benh-a138961.html