Chính sách tài khóa Việt Nam: Cân nhắc thắt chặt hay mở rộng?
'Trong lựa chọn chính sách tài khóa, vấn đề quan trọng là phải xác định phương án tối ưu trong huy động nguồn đóng góp từ xã hội nói chung, nguồn thu thuế nói riêng để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp và nền kinh tế', TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), trao đổi với Kinh tế Sài Gòn.
(KTSG) – “Trong lựa chọn chính sách tài khóa, vấn đề quan trọng là phải xác định phương án tối ưu trong huy động nguồn đóng góp từ xã hội nói chung, nguồn thu thuế nói riêng để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp và nền kinh tế”, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), trao đổi với Kinh tế Sài Gòn.
Vì sao chưa thắt chặt?
KTSG: Thưa ông, vừa qua, tại nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã nhận định, hết năm 2024, chúng ta cũng nên hoàn thành chính sách tài khóa mở rộng để tập trung vào tài khóa thắt chặt, bởi vì xu thế của thế giới hiện nay là tập trung để nâng cao sức mạnh của tài chính công…(*). Ông nhìn nhận như thế nào về tín hiệu này?
– TS. Nguyễn Quốc Việt: Hậu Covid-19, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đưa ra những gói kích thích, hỗ trợ để phục hồi lại đà tăng trưởng của nền kinh tế cũng như giúp giảm bớt khó khăn của người dân và doanh nghiệp. Việt Nam không là ngoại lệ.
Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 15 vừa bế mạc, Quốc hội đã thảo luận và thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Các chương trình tài khóa như giảm 2% thuế giá trị gia tăng với một số nhóm sản phẩm, giảm thuế và phí môi trường, hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân… với mức giải ngân lên tới hàng trăm ngàn tỉ đồng đã thể hiện tác động tích cực tới nền kinh tế. Tuy nhiên, một số chính sách như chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động… bị đánh giá là chưa sát với thực tế, doanh nghiệp và người dân khó tiếp cận.
Trong tình hình như vậy, cộng với viễn cảnh phục hồi khả quan của nền kinh tế Việt Nam sau năm 2024, việc cân nhắc dừng những gói hỗ trợ mang tính ngắn hạn đã triển khai, không tiếp tục đưa ra những chương trình hỗ trợ mang tính rộng rãi là điều hợp lý.
KTSG: Về chính sách tài khóa mở rộng, cần phải hiểu như thế nào, thưa ông?
– Chính sách tài khóa mở rộng là chính sách tăng cường chi tiêu của chính phủ thông qua mở rộng chi tiêu công và giảm nguồn thu thuế/phí trong một giai đoạn nhất định. Hai biện pháp này có thể thực hiện đồng thời hoặc riêng lẻ, phụ thuộc vào các mục tiêu ưu tiên trong điều hành vĩ mô và nhiều biến số khác của nền kinh tế.
Chúng ta chưa cần phải thay đổi chính sách tài khóa ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng sang ổn định vĩ mô mà vẫn nên đặt trọng tâm là phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phục hồi sức tiêu dùng và phục hồi sức tăng trưởng của nền kinh tế.
Theo lý thuyết, chính sách tài khóa mở rộng được áp dụng khi doanh nghiệp và nền kinh tế gặp khó khăn, khủng hoảng, còn chính sách tài khóa thắt chặt chỉ có thể triển khai trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đã thuận lợi, nền kinh tế đang tăng trưởng tốt hoặc khi có những yếu tố vĩ mô không ổn định như lạm phát tăng cao. Về nguyên tắc, chính sách tài khóa mở rộng mang tính khoan thư sức dân, giúp phục hồi những khó khăn của nền kinh tế trong ngắn hạn. Dù vậy, ngay cả khi những khó khăn ban đầu đã được giải quyết mà đầu tư vẫn chưa phục hồi, cầu tiêu dùng bị thu hẹp do kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp về tăng trưởng, về sức mua, về khả năng tăng thu nhập vẫn còn hạn chế, các quốc gia vẫn phải duy trì và kéo dài một số biện pháp trong chính sách tài khóa mở rộng.
Biến số tiếp theo là các chỉ số kinh tế vĩ mô. Dù một quốc gia đang tăng trưởng kém nhưng lạm phát tăng cao, tỷ giá hay các thị trường tài sản chưa ổn định, nhà quản lý có thể vẫn phải áp dụng các biện pháp của chính sách tài khóa thắt chặt.
Đương nhiên, sử dụng chính sách tài khóa thắt chặt hay mở rộng đều phải phụ thuộc vào khả năng cân đối ngân sách. Nếu ngân sách thâm hụt, nợ công tăng, chắc chắn phải tính tới các giải pháp giảm chi tiêu, gia tăng nguồn thu, vì vậy, rất khó đề cập tới chính sách tài khóa mở rộng.
KTSG: Theo ông, liệu đã đến thời điểm Việt Nam cân nhắc thay đổi chính sách tài khóa hay chưa và vì sao?
– Trong trường hợp cụ thể của Việt Nam, đà phục hồi tăng trưởng đã xuất hiện nhưng chưa cao và bền vững. Năm 2022 GDP của chúng ta tăng tới 8,02% nhưng năm 2023 GDP chỉ tăng 5,05%, không đạt mục tiêu đề ra. Dự báo GDP năm 2024 có thể đạt được mục tiêu, nhưng tiệm cận mức dưới 6%, chứ khó đạt mức 6,5%.
Thứ hai, tình hình doanh nghiệp vẫn tương đối ảm đạm, khó khăn bủa vây doanh nghiệp xuất khẩu lẫn doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho thị trường nội địa. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sau sáu tháng đầu năm, bình quân một tháng có gần 18.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Về đầu tư, mặc dù có khởi sắc nhưng chủ yếu nằm ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Theo Tổng cục Thống kê, hết quí 2-2024, vốn đầu tư FDI tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn mức tăng 6,7% của khu vực ngoài nhà nước và 4,8% của khu vực nhà nước. Đáng nói, mức tăng vốn đầu tư thực hiện của cả khu vực nhà nước và ngoài nhà nước đều thấp hơn mức tăng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội là 6,8%.
Tiêu dùng cuối cùng sau hai quí đầu năm 2024 tăng 5,78% so với cùng kỳ năm 2023, chứng tỏ dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn đang thấp hơn giai đoạn trước đại dịch Covid-19 (tiêu dùng cuối cùng tăng trên 7%/năm). Vậy nên, nếu không tiếp tục có những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và cho sự phục hồi tiêu dùng trong nước, nền kinh tế sẽ gặp nhiều thách thức để đạt mục tiêu tăng trưởng như kế hoạch của Quốc hội trong năm 2024.
Nếu cần thiết, vẫn phải tăng thuế, phí để đảm bảo nguồn thu ngân sách. Nhưng phạm vi áp dụng, mức độ và lộ trình tăng thuế cần phải được nghiên cứu rất cụ thể, để tối ưu hóa các nguồn lực đóng góp cho xã hội, chứ không chăm chăm nhìn vào việc tăng thu thuế.
Từ góc độ cán cân ngân sách, chúng ta vẫn đang có dư địa tốt cho chính sách tài khóa mở rộng. Trong năm 2023, dù tăng chi đầu tư, thực hiện các chính sách miễn giảm thuế, phí và các chính sách an sinh xã hội khác, ngân sách có thặng dư, quy mô nợ công chiếm khoảng 37% GDP, thấp hơn rất nhiều mức trần 60% GDP đã được đề ra. Tính trong sáu tháng đầu năm 2024, thặng dư ngân sách vẫn đạt hơn 200.000 tỉ đồng, dù mức thu đạt hơn 59% dự toán trong khi mức chi chỉ đạt gần 38% dự toán. Nghĩa là, chúng ta không rơi vào tình trạng eo hẹp về chi tiêu đến mức phải chuyển đổi từ chính sách tài khóa mở rộng sang thắt chặt.
Từ góc độ vĩ mô, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tháng 6-2024, chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,34% so với cùng kỳ năm trước. Trên các thị trường tài sản – tiền tệ, xuất hiện những áp lực nhất định, chẳng hạn, như biến động giá vàng, tỷ giá đô la Mỹ/ tiền đồng trong sáu tháng đầu năm tăng 5,64%. Đây là những yếu tố khiến chúng ta phải cân nhắc trong chính sách tài khóa. Dù vậy, theo tôi, tình hình vẫn đang trong tầm kiểm soát. Chúng ta chưa cần phải thay đổi chính sách tài khóa ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng sang ổn định vĩ mô mà vẫn nên đặt trọng tâm là phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phục hồi sức tiêu dùng và phục hồi sức tăng trưởng của nền kinh tế.
Định hướng để lựa chọn
KTSG: Dù không thay đổi chính sách tài khóa nhưng sự điều chỉnh có lẽ vẫn cần thiết. Theo ông, điều này cần thực hiện như thế nào để hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp và nền kinh tế?
– Khi hiện trạng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã có dấu hiệu sáng sủa hơn, từ năm 2025 trở đi, việc miễn giảm thuế, phí không nên thực hiện một cách cào bằng, ồ ạt. Chúng ta nên lựa chọn ưu đãi cho những đối tượng, ngành nghề quan trọng và có thể tạo đột phá cho nền kinh tế và cân bằng giữa hỗ trợ cung và cầu.
Chẳng hạn, gói tín dụng 30.000 tỉ đồng cho vay ưu đãi với lãi suất thấp hơn 1-2% của hệ thống ngân hàng thương mại cho các lĩnh vực xuất nhập khẩu chủ lực như dệt may, thủy sản, lâm sản đã giải ngân rất tốt, phát huy được hiệu quả, nên tiếp tục được duy trì. Thậm chí, có thể mở rộng đối tượng tiếp cận dựa trên tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm cuối cùng. Như vậy, chúng ta vừa ủng hộ xuất khẩu, vừa đảm bảo tăng phần giá trị gia tăng nội địa, tăng tạo việc làm và lợi nhuận phân phối lại cho doanh nghiệp trong nước.
Hay trong vấn đề kích cầu tiêu dùng, bên cạnh ưu tiên những sản phẩm “made in Vietnam” được nội địa hóa cao, chúng ta có thể thực hiện kích cầu hàng hóa, dịch vụ đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn, chất lượng tốt hơn, ứng dụng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, quan tâm đến công bằng xã hội… Nếu có chính sách hỗ trợ và có sự truyền thông để người tiêu dùng lựa chọn những hàng hóa, dịch vụ này, quy mô sản xuất sẽ lớn dần lên, giá thành rẻ hơn và tạo động lực chuyển đổi cho các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế.
Đảm bảo hiệu quả chi ngân sách cũng là một yếu tố rất quan trọng. Nếu tăng được hiệu quả các nguồn chi ngân sách, bao gồm chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển, chi đầu tư cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp sẽ trực tiếp hưởng lợi, đồng thời, môi trường kinh doanh sẽ càng ngày càng thuận lợi hơn.
KTSG: Vậy tới khi nào Việt Nam mới nên nghĩ đến một chính sách tài khóa thắt chặt, tăng thuế, phí để tăng nguồn thu nhằm đáp ứng các nhu cầu đầu tư phát triển mới và nâng cao chất lượng an sinh xã hội?
– Chúng ta không nên đánh đồng chính sách tài khóa thắt chặt với việc tăng thuế, phí. Trong lựa chọn chính sách tài khóa, vấn đề quan trọng là phải xác định phương án tối ưu trong huy động nguồn đóng góp của xã hội nói chung và nguồn thu thuế nói riêng.
Nếu chỉ nghĩ tới mục tiêu tăng thu ngân sách thông qua tăng thuế, phí, chúng ta có thể làm giảm cơ sở thuế (tax base). Bởi lẽ, một là doanh nghiệp chuyển sang khu vực phi chính thức, hai là họ sẽ giảm hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó ảnh hưởng tới mức thu cho ngân sách và các khoản đóng góp khác. Người lao động sẽ mất việc hoặc giảm cơ hội tăng thu nhập, các ngành nghề liên quan tới nhau sẽ gánh hệ lụy tiêu cực, thu nhập toàn xã hội giảm kéo theo sự sụt giảm tiêu dùng cuối cùng, tác động ngược trở lại khu vực sản xuất hàng hóa, dịch vụ.
Đương nhiên, nếu cần thiết, vẫn phải tăng thuế, phí để đảm bảo nguồn thu ngân sách. Nhưng phạm vi áp dụng, mức độ và lộ trình tăng thuế cần phải được nghiên cứu rất cụ thể, để tối ưu hóa các nguồn lực đóng góp cho xã hội, chứ không chăm chăm nhìn vào việc tăng thu thuế.
Tóm lại, dù chính sách tài khóa thắt chặt hay mở rộng thì chúng đều phải nhằm mục tiêu hỗ trợ tốt nhất môi trường kinh doanh, tạo cơ hội và động lực cho doanh nghiệp tồn tại và lớn mạnh.
(*) https://m.tinnhanhchungkhoan.vn/bo-truong-tai-chinh-het-nam-2024-nen-ket-thuc-chinh-sach-tai-khoa-mo-rong-de-chuyen-sang-tai-khoa-that-chat-post348097.amp