Nâng cao giá trị văn hóa học đường
Văn hóa học đường là môi trường quan trọng để bồi dưỡng, rèn luyện phẩm chất, nhân cách, giáo dục học sinh, sinh viên.
Qua đó phát triển toàn diện về đức - trí - thể - mỹ. Sự gia tăng hành vi lệch chuẩn trong trường học như hiện nay càng đòi hỏi xây dựng, bồi đắp, nâng cao văn hóa học đường, góp phần thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Ông Ngô Văn Hiền, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Quan (Lạng Sơn): Mỗi thầy, cô là một tấm gương
Phòng GD&ĐT huyện Văn Quan xác định xây dựng và phát triển văn hóa học đường như một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành. Theo đó, phòng triển khai văn bản chỉ đạo xây dựng văn hóa học đường đến từng trường học; thực hiện tuyên truyền sâu rộng tới cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và người dân về tầm quan trọng của công tác này; đề cao trách nhiệm của thầy, cô giáo trong giáo dục đạo đức, lối sống học sinh.
Mặt khác, phòng tổ chức nhiều cuộc vận động, phong trào thi đua nhằm tạo chuyển biến tích cực về môi trường văn hóa học đường như: Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực; văn hóa ứng xử trong nhà trường; mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo...
Tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm; nghiêm túc trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng văn hóa học đường.
Đặc biệt, ngành đã xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong cơ quan, trường học, góp phần rèn nền nếp học tập, ứng xử văn hóa cho giáo viên, học sinh; phòng ngừa bạo lực và tệ nạn xã hội; củng cố mối quan hệ thân thiện giữa thầy và trò, đồng nghiệp với nhau, trò với trò; nhà trường với cha mẹ học sinh… Từ đó bồi đắp, nâng cao văn hóa học đường, tạo môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện, hình thành tốt phẩm chất, năng lực học sinh.
Đồng thời, phòng còn yêu cầu các nhà trường đổi mới nội dung chương trình, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá môn học; sáng tạo, linh hoạt trong giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa, kỹ năng, hài hòa đức - trí - thể - mỹ cho học sinh; phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Phát huy tối đa vai trò tổ chức đoàn thể trong nhà trường. Cơ sở vật chất, cảnh quan môi trường đảm bảo xanh, sạch, đẹp.
Đơn vị cũng đặc biệt chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử. Cụ thể: Thầy cô phải là tấm gương về đạo đức, lối sống cho học sinh noi theo; ứng xử với học sinh chuẩn mực về ngôn ngữ, tác phong; bao dung, trách nhiệm, yêu thương, tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, tư vấn, lắng nghe và động viên, khích lệ học sinh.
Thầy cô phải tích cực phòng, chống bạo lực học đường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; không dùng lời lẽ xúc phạm, gây tổn thương, trù dập, định kiến, bạo hành, xâm hại hoặc thờ ơ, né tránh hay che giấu các hành vi vi phạm của học trò.
Đối với học sinh, phải kính trọng, lễ phép với thầy cô; chấp hành các yêu cầu theo quy định; không bịa đặt thông tin, xúc phạm tinh thần, danh dự, nhân phẩm, bạo lực với giáo viên.
Ông Nguyễn Văn Ngợi, Trưởng phòng Chính trị - Tư tưởng, Sở GD&ĐT Đồng Tháp (Đồng Tháp): Phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa
Nhiều năm qua, Sở GD&ĐT không chỉ tập trung vào công tác giảng dạy, mà còn chú trọng xây dựng, gìn giữ và phát huy văn hóa ứng xử trường học.
Cùng với thực hiện nhiệm vụ năm học, ngành đã phát động một số phong trào thi đua như: Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học; trường học thân thiện…
Sở yêu cầu các đơn vị thực hiện xây dựng văn hóa học đường, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để học sinh học tập và phát triển. Ngoài ra, công tác kiểm tra, đôn đốc, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai văn hóa học đường trên địa bàn tỉnh được quan tâm.
Năm học này, Sở GD&ĐT phối hợp với Ban Tuyên giáo tỉnh Đồng Tháp triển khai kế hoạch xây dựng văn hóa học đường toàn ngành Giáo dục, tổ chức bồi dưỡng chính trị, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên.
Sở đã đưa ra một số giải pháp xây dựng văn hóa học đường. Cụ thể, để ứng phó sự cố, ngăn ngừa bạo lực trường học, Sở thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo về xây dựng văn hóa học đường; tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, kỹ năng, khơi dậy khát vọng cống hiến, nâng cao sức khỏe học đường cho học sinh và xây dựng xã hội học tập.
Sở yêu cầu các đơn vị quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật, quy định của Nhà nước về văn hóa học đường. Thời gian qua, việc nâng cao nhận thức văn hóa học đường trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt được triển khai ở các cấp.
Đối với công tác truyền thông, yêu cầu các đơn vị tăng cường hoạt động giáo dục văn hóa truyền thống; phối hợp với ngành liên quan nhằm phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa hiện có để phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh của học sinh tại cơ sở giáo dục.
Đồng thời, giáo dục giá trị văn hóa truyền thống, tình yêu quê hương, lịch sử địa phương. Thực hiện giải pháp đồng bộ, phù hợp trong công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội; phát huy vai trò, trách nhiệm của gia đình đối với giáo dục văn hóa học đường.
Bà Lê Thị Thùy Dung, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cần Thơ (Cần Thơ): Khơi dậy khát vọng cống hiến
Triển khai Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 1/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xây dựng văn hóa học đường, Sở GD&ĐT Cần Thơ đã chú trọng rà soát, hoàn thiện, quan tâm xây dựng văn hóa trường học; tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống; khơi dậy khát vọng cống hiến, nâng cao sức khỏe học đường cho trẻ em, học sinh, học viên và xây dựng xã hội học tập.
Cùng đó, ngành Giáo dục chỉ đạo, hướng dẫn việc đổi mới dạy và học môn Đạo đức, Giáo dục công dân, sinh hoạt Đoàn, Đội. Xây dựng văn hóa học đường gắn với giáo dục chính trị, tư tưởng; yêu cầu các nhà trường quan tâm, bồi dưỡng lòng yêu nước cho thế hệ trẻ thông qua lồng ghép, tích hợp nội dung này vào môn học, hoạt động ngoại khóa.
Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên theo hướng chuẩn hóa cũng được ngành Giáo dục Cần Thơ quan tâm. Mặt khác, tích cực đổi mới quản trị nhà trường, xây dựng môi trường học tập, sinh hoạt văn hóa, dân chủ, khơi dậy sáng tạo; bảo đảm mỗi ngày tới trường là một ngày vui. Chúng tôi đã tăng cường sự phối hợp của gia đình – nhà trường – xã hội trong tuyên truyền, xây dựng văn hóa học đường gắn với gia đình.
Ngành Giáo dục cũng xây dựng lực lượng giám sát nhằm nắm bắt thông tin trong và ngoài nhà trường để kịp thời phát hiện và xử lý triệt để các mâu thuẫn giữa học sinh với nhau, học sinh với các đối tượng khác; giám sát chặt chẽ nội dung giáo dục ngoài giờ lên lớp, nhất là hoạt động thể thao trong trường học. Các nhà trường chủ động phối hợp với gia đình quản lý học sinh ngoài giờ học; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương tăng cường tuyên truyền, giáo dục học sinh về kỹ năng xử lý phòng chống bạo lực học đường.
Ngành Giáo dục lập kênh thông tin, đường dây nóng, hộp thư góp ý và các hình thức khác về an ninh, trật tự trường học; đẩy mạnh hoạt động tổ Tư vấn tâm lý trường học, tổ chức chuyên đề, tọa đàm về “Xây dựng tình bạn đẹp - Nói không với bạo lực học đường”; yêu cầu học sinh, cha mẹ ký cam kết không để xảy ra bạo lực học đường trong và ngoài trường học. Đẩy mạnh tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao để tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, thu hút học sinh tham gia từ đó giáo dục đạo đức, lối sống, rèn luyện kỹ năng…
Với nhiều nỗ lực, thời gian qua, công tác giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa được triển khai đa dạng, phù hợp. Qua đó, góp phần bồi đắp, nâng cao văn hóa trường học, tạo chuyển biến căn bản về đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật, khơi dậy ý chí khát vọng vươn lên lập thân, lập nghiệp của học sinh, học viên; đặc biệt cung cấp cho các em tri thức nền tảng, kỹ năng thiết yếu để tự học, tự lập và hòa nhập xã hội tự tin nhất.
Thầy Bùi Ngọc Trí, Hiệu trưởng Trường THCS Định Thành (Thoại Sơn, An Giang): Đề cao quy tắc ứng xử
Học sinh THCS ở tuổi mới lớn, thường có nhiều biến động về tâm, sinh lý do vậy quá trình giao tiếp chưa biết kiềm chế cảm xúc, cái tôi cá nhân nên dễ xảy ra va chạm, mâu thuẫn. Nếu thầy cô không phát hiện, ngăn chặn kịp thời sẽ dẫn đến bạo lực học đường hoặc việc không đáng có.
Do đó, nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, bộ môn và đoàn thanh niên đã quan tâm, chú trọng tới công tác tư vấn tâm lý cho học sinh. Thông qua các buổi tư vấn, không chỉ giúp học trò hiểu rõ bản thân, mà còn học cách quản lý cảm xúc, giải quyết xung đột tích cực, văn minh,
Cùng đó, nhà trường xây dựng bộ quy tắc ứng xử trường học, quy định rõ chuẩn mực của giáo viên, học sinh thế nào? Từ bộ quy tắc này, thầy và trò sẽ soi chiếu để nhắc nhở, răn đe bản thân để có cách ứng xử chuẩn mực.
Ngoài ra, nhà trường hỗ trợ bồi dưỡng kiến thức về tư vấn tâm lý cho giáo viên chủ nhiệm, đoàn thanh niên để có thể nhận diện, giải quyết mâu thuẫn ngay khi mới nảy sinh. Trường cũng thường xuyên tổ chức hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm thực tế, văn nghệ, thể thao… giúp học sinh cải thiện sức khỏe, tạo cơ hội, môi trường hoạt động tập thể để giáo dục tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái.
Hoạt động giáo dục trong đơn vị không chỉ giới hạn ở lĩnh vực học thuật, mà còn mở rộng vấn đề an toàn, sức khỏe, tư duy cộng đồng... Thông qua chiến dịch tuyên truyền, nhà trường phải tạo môi trường học tập lành mạnh, giúp học sinh phát triển toàn diện.
Văn hóa ứng xử giữa trò với trò phải chân thành, cởi mở, thân thiện; trung thực, biết tôn trọng sự khác biệt; tích cực hợp tác giúp đỡ nhau học tập và rèn luyện. Học sinh không nói tục, chửi bậy, miệt thị, gây mất đoàn kết. Đặc biệt, học trò không bịa đặt, lôi kéo; phát tán thông tin nói xấu, làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm người khác. Ứng xử với bạn khác giới đảm bảo tôn trọng, nhã nhặn, trong sáng, không có hành động hay lời nói xúc phạm, khiếm nhã, trêu chọc, khiêu khích…
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nang-cao-gia-tri-van-hoa-hoc-duong-post657635.html