Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý chi ngân sách nhà nước của tỉnh Thái Nguyên
Ngân sách cấp tỉnh đóng vai trò quan trọng trong hệ thống ngân sách nhà nước. Việc tổ chức, quản lý ngân sách địa phương ở cấp tỉnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn quản lý chi ngân sách nhà nước tỉnh Thái Nguyên; nhận diện những vấn đề còn tồn tại, hạn chế nhóm tác giả đề xuất giải pháp nhằm giúp tỉnh Thái Nguyên nâng cao năng lực quản lý chi ngân sách nhà nước trong thời gian tới.
Đặt vấn đề
Chi NSNN là việc phân phối và sử dụng quỹ NSNN theo dự toán ngân sách đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định nhằm duy trì hoạt động của bộ máy nhà nước và đảm bảo thực hiện các chức năng của Nhà nước theo những nguyên tắc nhất định. Quản lý chi NSNN là quá trình Nhà nước vận dụng các quy luật khách quan, sử dụng hệ thống các phương pháp, công cụ quản lý tác động đến các hoạt động chi NSNN, phục vụ tốt nhất việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Nội dung quản lý chi NSNN bao gồm: Lập dự toán chi NSNN, chấp hành dự toán chi NSNN, quyết toán chi NSNN, thanh tra, kiểm tra chi NSNN.
Thực tiễn cho thấy, công tác quản lý chi NSNN đã được tỉnh Thái Nguyên thực hiện đúng quy định và kịp thời, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn phát sinh những hạn chế nhất định, cụ thể như: Việc phân bổ đầu tư còn dàn trải, hiệu quả thấp; chi đầu tư vượt dự toán, các quy định về thực hành tiết kiệm chống lãng phí chưa được chấp hành nghiêm túc gây lãng phí NSNN; việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các đơn vị hành chính sự nghiệp chưa thực sự phát huy hiệu quả; trình độ, năng lực của cán bộ làm công tác tài chính còn hạn chế... Do vậy, việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý chi NSNN là cần thiết đối với tỉnh Thái Nguyên trong bối cảnh hiện nay.
Hiệu quả quản lý chi ngân sách nhà nước tại Thái Nguyên
Bảng 1 cho thấy, tổng chi cân đối ngân sách của Tỉnh trong giai đoạn 2017-2019 có xu hướng tăng dần hàng năm. Nếu năm 2017, tổng chi cân đối ngân sách là 11.906,9 tỷ đồng, thì đến năm 2019 mức chi đã lên 13.185,7 tỷ đồng. Sự biến động tăng này chủ yếu ở các khoản mục chi thường xuyên và chi đầu tư với mức tăng nhẹ hàng năm.
Tỷ trọng các khoản chi thường xuyên của Tỉnh cũng có xu hướng tăng lên, ngược lại, tỷ trọng các khoản chi đầu tư phát triển có xu hướng giảm xuống. Chi thường xuyên tăng nhanh, chủ yếu do có sự biến động tăng trong quỹ tiền lương. Theo khảo sát, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện phân bổ các khoản chi thuộc NSNN cho các ngành, các lĩnh vực, trong đó, chi cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và chi cho quản lý hành chính là hai khoản chi lớn nhất trong tổng các khoản chi thường xuyên. Điều này phù hợp với mục tiêu, quy định và phù hợp với định hướng phát triển của Tỉnh.
Kết quả đạt được
Công tác quản lý chi NSNN của tỉnh Thái Nguyên thời gian qua cơ bản đã được Tỉnh tăng cường và đạt được một số kết quản quan trọng sau:
- Các chế độ chính sách và định mức chi NSNN được xây dựng phù hợp với nhu cầu của địa phương: Tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng được hệ thống định mức phân bổ ngân sách cụ thể, rõ ràng, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, phản ánh nhu cầu thực tiễn và phù hợp với nhu cầu của địa phương.
- Trong lập dự toán chi NSNN cấp tỉnh: Việc lập và phân bổ dự toán chi NSNN cấp tỉnh trong giai đoạn 2017 - 2019 cơ bản kịp thời, đúng quy trình. Hàng năm căn cứ vào các quy định của cấp trên, UBND tỉnh Thái Nguyên đã quán triệt, chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc việc lập dự toán.
Trong chấp hành dự toán chi NSNN cấp tỉnh: Căn cứ dự toán được UBND Tỉnh giao, các đơn vị sử dụng ngân sách đã phân bổ chi tiết các nội dung chi theo mục lục ngân sách gửi Sở Tài chính và Kho bạc Nhà nước kịp thời, đúng quy định, làm cơ sở cho việc quản lý, kiểm soát chi ngân sách. Việc chấp hành các khoản chi đã bám sát tiến độ thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn.
- Trong kiểm soát chi NSNN cấp tỉnh: Kho bạc Nhà nước đã thực hiện tốt quy định về điều kiện chi ngân sách. Sở Tài chính đã đổi mới cơ chế quản lý, cấp phát ngân sách theo hướng giảm thủ tục hành chính, tăng quyền chủ động cho các đơn vị sử dụng ngân sách. Định kỳ hàng tháng Sở Tài chính và Kho bạc Nhà nước Tỉnh đều kiểm tra, đối chiếu số liệu để đảm bảo chi đúng, chi đủ, chi kịp thời cho các đơn vị.
- Trong quyết toán chi NSNN cấp tỉnh: Công tác quyết toán NSNN đã tuân thủ nguyên tắc quyết toán từ dưới lên, chi tiết theo từng mục chi của mục lục NSNN và quyết toán đến từng chứng từ chi tiêu của đơn vị.
- Công tác thanh tra, kiểm tra việc sử dụng NSNN và xử lý vi phạm đã được thực hiện thường xuyên: Hàng năm, các cơ quan thanh tra nhà nước cấp tỉnh, thanh tra sở tài chính, thanh tra các sở, ngành đều xây dựng kế hoạch thanh tra lĩnh vực quản lý và sử dụng ngân sách.
Tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý chi NSNN của tỉnh Thái Nguyên còn tồn tại một số hạn chế sau:
Thứ nhất, hạn chế trong khâu cơ chế chính sách quản lý: Trong hoạt động quản lý chi NSNN tỉnh Thái Nguyên hiện nay vẫn thực hiện theo phương thức truyền thống, nên chưa tạo được sự gắn kết trong quá trình cấp phát nguồn lực tài chính với việc thực hiện các mục tiêu chính trị, kinh tế - xã hội.
Thứ hai, hạn chế trong chu trình quản lý chi NSNN, cụ thể:
- Trong công tác lập dự toán: Công tác lập dự toán chi ở một số đơn vị chưa được quan tâm đúng mức, chưa đánh giá được hết các yếu tố tác động đến quá trình thu, chi ngân sách tỉnh.
- Trong chấp hành dự toán chi NSNN cấp tỉnh: Việc thực hiện nguyên tắc chi theo dự toán ở một số đơn vị còn nhiều khó khăn, xuất phát từ nguyên nhân phương án phân bổ dự toán chưa hợp lý; nên trong quá trình thực hiện còn xuất hiện tình trạng mục lục ngân sách thừa, mục lục thiếu phải điều chỉnh, bổ sung.
- Trong quyết toán chi NSNN cấp tỉnh: Quyết toán chi NSNN phải đúng thực tế, đúng thực chi được chấp nhận theo quy định, tuy nhiên, trong thực tiễn vẫn còn một số tình trạng quyết toán theo số chuẩn chi hoặc số cấp phát.
Thứ ba, hạn chế trong khâu thanh tra, kiểm tra chi NSNN, bao gồm:
- Năng lực cán bộ làm công tác thanh tra còn hạn chế, chưa phát huy năng lực trong phát hiện sai phạm của đơn vị dự toán.
- Lực lượng thực hiện công tác thanh tra chi NSNN của Tỉnh còn mỏng, chưa đáp ứng được yêu cầu, khối lượng công việc hiện nay…
Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý chi ngân sách nhà nước của Thái Nguyên
Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý chi NSNN của tỉnh Thái Nguyên, bài viết đề xuất một số giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và xã hội hóa cung cấp dịch vụ công.
Thứ hai, nâng cao chất lượng công tác lập dự toán: Nhằm hạn chế tình trạng các đơn vị lập dự toán ngân sách không tích cực, che dấu nguồn thu, nâng dự toán chi, các cơ quan thuộc hệ thống tài chính cần có chương trình kế hoạch cụ thể khảo sát nắm chắc tình hình hoạt động của các cơ sở kinh tế, các đối tượng kinh doanh và các đối tượng sử dụng nguồn kinh phí ngân sách để xây dựng dự toán sát thực tế.
Tổng chi cân đối ngân sách của tỉnh Thái Nguyên trong giai đoạn 2017-2019 có xu hướng tăng dần hàng năm. Nếu năm 2017, tổng chi cân đối ngân sách là 11.906,9 tỷ đồng, thì đến năm 2019 mức chi đã lên 13.185,7 tỷ đồng. Sự biến động tăng này chủ yếu ở các khoản mục chi thường xuyên và chi đầu tư.
Yêu cầu các cơ sở lập dự toán, các cơ quan tổng hợp cần tính toán kỹ các yếu tố ảnh hưởng đến việc lập dự toán NSNN, nhất là tình hình biến động về kinh tế, giá cả và chính sách chế độ của Nhà nước để đưa ra được hệ số điều chỉnh phù hợp, khắc phục tình trạng thiếu chuẩn xác và tin cậy của số liệu, ảnh hưởng tiêu cực đến việc phân tích kinh tế, tài chính, xét duyệt giao kế hoạch và điều hành thực hiện kế hoạch những năm sau.
Thứ ba, tăng cường công tác chấp hành chi NSNN hiệu quả, tiết kiệm: Cần có sự kết hợp giữa cơ quan Tài chính các cấp để hướng dẫn, kiểm tra, hỗ trợ và thông tin kịp thời những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc trong quá trình chấp hành dự toán, từ đó, kịp thời có pháp tháo gỡ, giải quyết. Đồng thời, cần có sự kết hợp giữa các cơ quan chức năng quản lý NSNN đối với đơn vị thụ hưởng ngân sách nhằm thống nhất trong quản lý, hạn chế tối đa sự chồng chéo.
Tổ chức triển khai thật tốt cơ chế khoán chi hành chính đối với các đơn vị hành chính và đơn vị sự nghiệp không có thu; có cơ chế tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp có thu; triển khai, thực hiện quy chế công khai tài chính, quy chế tự kiểm tra, quy chế dân chủ... Bên cạnh việc thực hiện chế độ tự chủ về biên chế và tài chính cần không ngừng nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về vấn đề này, tránh hiểu đơn thuần việc tự chủ chỉ là để tăng thu nhập.
Thứ tư, hoàn thiện công tác quyết toán chi NSNN: Tăng cường kỷ luật tài chính trong công tác lập báo cáo định kỳ và quyết toán NSNN. Việc quyết toán phải phân định rõ các nguồn kinh phí đã sử dụng, hạn chế việc chi chuyển nguồn ngân sách sang năm sau. Kiên quyết xuất toán các khoản chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, đơn giá, định mức hiện hành. Thực hiện quyết toán theo số thực chi được chấp nhận.
Tăng cường trách nhiệm của cơ quan ngành tài chính và đơn vị sử dụng NSNN về quản lý chi NSNN; đồng thời, cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, cải cách các thủ tục hành chính và ứng dụng khoa học công nghệ thông tin trong quản lý chi ngân sách thường xuyên; tuyên truyền, phổ biến tính pháp luật, quy định, nghiệp vụ chuyên môn về chi NSNN cho các đơn vị, cá nhân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nhìn chung, trong giai đoạn 2017-2019, công tác quản lý chi NSNN trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý chi NSNN trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên còn tồn tại một số hạn chế. Như vậy, việc áp dụng đồng bộ các giải pháp sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý chi NSNN, phát triển bền vững kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên.
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2015), Luật Ngân sách nhà nước, số 83/2015/QH13 ngày 25/6/2015;
2. Dương Đăng Chinh, Phạm Văn Khoan (2009), Giáo trình quản lý tài chính công, Học viện Tài chính, NXB Tài chính, Hà Nội;
3. Sử Đình Thành, Bùi Thị Mai Hòa (2009), Lý thuyết Tài chính công, NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh;
4. Đặng Văn Du và Bùi Tiến Hanh (2010), Giáo trình quản lý chi ngân sách nhà nước, NXB Tài chính, Hà Nội.