Nâng cao hiệu quả ban hành và thực thi chính sách

Tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cả năm 2024: Động lực mới cho tăng trưởng có chất lượng, báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã đưa ra hai kịch bản cập nhật dự báo kinh tế vĩ mô trong năm 2024.

Theo đó, trong kịch bản 1, tăng trưởng GDP dự báo đạt 6,55% trong năm 2024. Xuất khẩu cả năm 2024 tăng 9,54% so với năm 2023. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2024 tăng 4,31% so với năm 2023. Cán cân thương mại giữ được thặng dư ở mức 5,7 tỷ USD.

Kịch bản 2 có xu hướng tích cực hơn với dự báo tăng trưởng GDP ở mức 6,95% trong năm 2024. Xuất khẩu cả năm 2024 tăng 11,64% so với năm 2023. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2024 tăng 4,12% so với năm 2023. Cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 7,3 tỷ USD.

Còn Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2024 của Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) thì nhận định, kinh tế nước ta trong năm 2024 có thể diễn biến theo 2 kịch bản. Kịch bản 1, tăng trưởng GDP ở mức 5,85%, lạm phát ở mức 4,5%. Kịch bản thứ 2 là điều chỉnh chính sách tăng GDP 2024 ở mức 6,01% với điều kiện có điều chỉnh chính sách giảm chênh lệch lãi suất đồng Việt Nam trong nước và các ngoại tệ mạnh trên thị trường.

Như vậy có thể thấy, về tổng thể, các dự báo tăng trưởng của 6 tháng cuối năm và cho cả năm 2024 đều khá lạc quan, có nhiều điểm sáng dù kinh tế thế giới còn phục hồi chậm và không đồng đều. Những kết quả này là minh chứng rõ nét, khẳng định quan điểm, mục tiêu phát triển và các giải pháp quản lý, chỉ đạo, điều hành thời gian qua là kịp thời, đúng đắn, tạo tâm thế, bản lĩnh, tự tin để triển khai hiệu quả các giải pháp trong thời gian tới.

Tuy nhiên cũng phải thẳng thắn rằng, kinh tế nước ta vẫn đang phải đối mặt với không ít thách thức như các yếu tố bất lợi từ bên ngoài vẫn hiện hữu. Một số động lực tăng trưởng truyền thống phục hồi nhưng chưa đồng đều, còn ở mức thấp so với trước dịch Covid-19 và chưa bền vững.

Thể chế cho các động lực tăng trưởng mới còn chậm ban hành so với yêu cầu phát triển. Cơ cấu lại nền kinh tế, gồm cả các doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức tín dụng yếu kém còn chậm so với yêu cầu. Hoạt động của doanh nghiệp dù đã có dấu hiệu khởi sắc nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Nợ xấu và tỷ giá tăng dù trong tầm kiểm soát, thị trường vàng còn nhiều biến động. Việc thực thi chính sách cũng còn nhiều bất cập; môi trường đầu tư, kinh doanh chậm cải thiện, một số “đầu tàu” kinh tế tăng trưởng thấp hơn tiềm năng.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này được cho là bởi công tác dự báo còn hạn chế. Vai trò quản lý nhà nước, phản ứng chính sách, sự phối hợp của một số bộ, ngành trong một số trường hợp chưa kịp thời, có nơi, có lúc còn bị động, hiệu quả chưa cao. Bởi vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là phải nhận diện đầy đủ những tồn tại, hạn chế, làm rõ nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan, bài học kinh nghiệm để có giải pháp khắc phục.

Và giải pháp không gì khác là phải tiếp tục bám sát, chủ động phân tích, dự báo và có kịch bản ứng phó phù hợp với mọi biến động cả trong nước và quốc tế. Nâng cao hiệu quả điều hành, phối hợp thực thi chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng, ổn định vĩ mô, bình ổn tỷ giá, thị trường tài chính tiền tệ, bảo đảm an sinh xã hội. Phát huy các động lực tăng trưởng truyền thống như xuất khẩu, đầu tư, nhất là đầu tư tư nhân, tiêu dùng. Khai thác tốt hơn nữa các động lực tăng trưởng mới. Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ tài khóa.

Đặc biệt, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó tập trung vào các vấn đề như ban hành và thực thi hiệu quả hơn các chính sách, giải pháp tháo gỡ các vướng mắc, nhất là về định giá đất, hoàn thuế giá trị gia tăng, tiếp cận vốn, phát triển nhà ở xã hội…

Ngoài ra, cần kịp thời ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 và các luật mới được Quốc hội thông qua nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, nhất quán, đồng bộ trong thực thi.

Ninh Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/nang-cao-hieu-qua-ban-hanh-va-thuc-thi-chinh-sach-i380114/