Giữ nghề truyền thống, giảm nghèo bền vững

'Ly nông không ly hương'. Đó là tinh thần của nhiều thanh niên Đất Tổ hiện nay. Thay vì rời quê hương để lập nghiệp ở nơi khác, họ chọn ở lại, kế nghiệp nghề truyền thống của cha ông, tạo thu nhập, sinh kế ổn định, giảm nghèo và hạn chế tái nghèo một cách bền vững. Khuyến khích thanh niên tiếp nối nghề truyền thống là hướng đi mới của Thành đoàn Việt Trì trong các hoạt động đóng góp vào công cuộc giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Vợ chồng anh Nguyễn Thanh Bình và chị Nguyễn Thị Lợi là thế hệ thứ 3 của thương hiệu bánh chưng, bánh giầy Ninh Hằng (xã Hùng Lô, TP Việt Trì)

Vợ chồng anh Nguyễn Thanh Bình và chị Nguyễn Thị Lợi là thế hệ thứ 3 của thương hiệu bánh chưng, bánh giầy Ninh Hằng (xã Hùng Lô, TP Việt Trì)

Bánh chưng, bánh giầy Ninh Hằng là thương hiệu nổi tiếng đến từ xã Hùng Lô, TP Việt Trì. Gia đình đã có ba đời làm bánh chưng, bánh giầy, trên 10 năm kinh nghiệm làm bánh dâng Vua Hùng vào các dịp Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm. Ông Nguyễn Văn Ninh là trưởng làng nghề làm bánh chưng, bánh giầy xã Hùng Lô. Như bao gia đình có nghề truyền thống lâu đời, ông bà luôn trăn trở về người kế nghiệp, tiếp nối.

May mắn thay, con trai ông Ninh là anh Nguyễn Thanh Bình và con dâu là chị Nguyễn Thị Lợi đã chọn về tiếp nối nghề truyền thống, gây dựng nên đời thứ ba gói bánh dâng Vua của thương hiệu bánh chưng, bánh giầy nức tiếng Kẻ Xốm. Chị Nguyễn Thị Lợi cho biết: “Theo nghề này xác định vất vả. Ngày nào cũng dậy từ 3 giờ sáng. Người trẻ như chúng tôi mong muốn được tiếp nối, giữ gìn nghề truyền thống lâu đời của cha ông mình”.

Chị Nguyễn Thị Lợi mong muốn cùng chồng tiếp nối nghề truyền thống của bố mẹ

Chị Nguyễn Thị Lợi mong muốn cùng chồng tiếp nối nghề truyền thống của bố mẹ

Thực tế, nhiều người trẻ đã chọn bỏ những công việc lương cao để về quê hương lập nghiệp, phát triển nghề truyền thống, tạo thu nhập cho gia đình, đóng góp vào công cuộc giảm nghèo của địa phương. Điển hình như thương hiệu mỳ gạo Hùng Lô của anh Cao Đăng Duy làm giám đốc.

10 năm trở về trước, thanh niên Cao Đăng Duy trăn trở khi thấy nghề làm mỳ gạo tại quê hương mình ngày càng mai một. Thứ nghề đã tồn tại hàng trăm năm, nuôi sống biết bao thế hệ người con Hùng Lô, nay chỉ còn số ít phụ nữ và người cao tuổi biết làm. Tiếc thay cho thứ “mỳ trắng gạo trong”, anh Duy lên ý tưởng làm mỳ, đóng gói bao bì đẹp và bán ra khắp trong tỉnh cũng như trong nước.

Ông chủ thương hiệu Mỳ gạo Hùng Lô Cao Đăng Duy (Ảnh: Dân Việt)

Ông chủ thương hiệu Mỳ gạo Hùng Lô Cao Đăng Duy (Ảnh: Dân Việt)

Sau bao gian nan buổi đầu khởi nghiệp, mỳ gạo Hùng Lô đã trở thành thương hiệu nổi tiếng của Đất Tổ. Không chỉ là sản phẩm OCOP 4 sao sao của Phú Thọ, mỳ gạo Hùng Lô đã xuất khẩu được sang thị trường Nhật Bản. Từ xưởng nhỏ ban đầu đến nay, mỗi tháng, mỳ gạo Hùng Lô xuất xưởng hàng chục tấn thành phẩm, tạo công ăn việc làm ổn định cho 20 lao động địa phương. Giấc mơ mang mỳ gạo sinh ra từ làng “xuất ngoại” đã thành hiện thực, tiếp thêm niềm tin cho những thanh niên nuôi dưỡng hoài bão khởi nghiệp từ nghề truyền thống của cha ông.

Thành đoàn Việt Trì tiếp tục phát huy vai trò hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế qua nhiều hoạt động thiết thực như: Tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT cho thanh niên; duy trì và xây dựng các mô hình tổ hợp tác, Hợp tác xã, câu lạc bộ “Thanh niên làm kinh tế”; kết nối, hỗ trợ nguồn vốn vay; tiếp tục sử dụng có hiệu quả nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm, vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, kịp thời kiểm tra, rà soát việc sử dụng nguồn vốn, thu hồi vốn và giải quyết các vấn đề vướng mắc trong triển khai và sử dụng.

Thương hiệu mỳ gạo Hùng Lô ngày càng được nhiều người biết đến không chỉ bởi chất lượng mà còn bởi bao bì đẹp mắt

Thương hiệu mỳ gạo Hùng Lô ngày càng được nhiều người biết đến không chỉ bởi chất lượng mà còn bởi bao bì đẹp mắt

Đồng chí Đào Mạnh Hoàng - Bí thư Thành đoàn Việt Trì cho biết: “Trong thời gian tới, Thành đoàn sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị định hướng nghề, dạy nghề cho thanh niên, xây dựng cho thanh niên ý thức học tập suốt đời cũng như kỹ năng sống để chuẩn bị hành trang đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của quê hương, địa phương”.

Thế hệ trẻ tiếp nối nghề truyền thống của thế hệ đi trước, phát triển nghề phù hợp với thời hiện đại không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn gìn giữ, bảo tồn văn hóa, bề dày truyền thống lịch sử gia đình, quê hương. Đây là bài học kinh nghiệm mà các địa phương cần nghiên cứu để khuyến khích, “giữ chân” người trẻ phát triển kinh tế, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Thùy Trang

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/giu-nghe-truyen-thong-giam-ngheo-ben-vung-220384.htm