Nâng cao hiệu quả bảo hộ, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ
Việc phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện trong những năm qua, tuy nhiên, công tác này vẫn chưa được cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quan tâm đúng mức; các địa phương, tổ chức và cả chủ sở hữu nhãn hiệu còn nhiều lúng túng trong quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu đã được bảo hộ...
Huyện Bảo Thắng là vùng sản xuất nông - lâm nghiệp lớn của tỉnh, nhưng đến nay, toàn huyện mới có 2 nhãn hiệu về nông nghiệp được thực hiện đăng ký sở hữu trí tuệ là bưởi Múc với số lượng 40.000 - 50.000 quả/năm và nhãn hiệu quả Bảo Thắng gồm các loại quả (na, nhãn, chanh) số lượng 8,9 - 9,3 tấn/năm.
Thực tế, trong 2 nhãn hiệu được bảo hộ về sở hữu trí tuệ của huyện chỉ có bưởi Múc được đánh giá là có tiềm năng và lợi thế hơn trong việc phát triển, bởi đây là sản phẩm đặc trưng của một vùng được chỉ dẫn địa lý rõ ràng. Nhãn hiệu quả chung của Bảo Thắng hiện đang sử dụng với 3 loại quả là na, nhãn, chanh khiến chưa rõ ràng về nhãn hiệu sản phẩm, khi quảng bá sẽ rất khó giúp người tiêu dùng nhận biết.
Được biết, hiện nay, huyện Bảo Thắng là một trong những vùng có nhiều sản phẩm OCOP cấp tỉnh với 1 sản phẩm 4 sao, 29 sản phẩm 3 sao được hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ, xúc tiến thương mại, nhưng các sản phẩm này vẫn chưa được quan tâm thực hiện sở hữu trí tuệ. Những khó khăn mà huyện nhận định, đó là: Công tác phổ biến và nâng cao hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn chưa được cơ sở chú trọng; cán bộ làm công tác sở hữu trí tuệ ở huyện chỉ là kiêm nhiệm; công tác sở hữu trí tuệ vào sản xuất, kinh doanh trên địa bàn còn gặp khó khăn về kinh phí…
Ông Đinh Công Thắng, Phó Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Bảo Thắng cho biết, hiện huyện đang tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh và cũng đang có định hướng trong việc thúc đẩy các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ mới, đồng thời sẽ bảo hộ trong thời gian tới.
Hợp tác xã Hoa Lợi với sản phẩm tương ớt Mường Khương đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ nhãn hiệu trong nhiều năm qua. Bà Nguyễn Hồng Thị Loan, Giám đốc Hợp tác xã Hoa Lợi cho biết, rất may mắn là cơ sở đã đăng ký sở hữu trí tuệ cho sản phẩm. Bà Loan kể, năm 2017, trên thị trường xuất hiện một số sản phẩm là hàng nhái nhãn hiệu của hợp tác xã, khi kiểm tra cho thấy sản phẩm giả mạo không đạt chất lượng và không an toàn nhưng lại mang nhãn hiệu của hợp tác xã, điều đó gây mất uy tín và niềm tin của người tiêu dùng với sản phẩm tương ớt Mường Khương. Ngay sau khi phát hiện, hợp tác xã đã báo cáo tình hình với cơ quan chức năng để vào cuộc điều tra và bảo hộ, sau đó các sản phẩm trôi nổi, nhái đã bị thu giữ và xử lý kịp thời.
Được bảo hộ về sở hữu trí tuệ, hiện nay, Hợp tác xã Hoa Lợi đang sản xuất ổn định với sản lượng 200 tấn tương ớt/năm (năm 2022). Bà Nguyễn Thị Hồng Loan cho rằng việc quảng bá, xúc tiến, mở rộng thị trường khi được bảo hộ giúp hợp tác xã mỗi năm tăng lượng sản xuất bình quân thêm 15%.
Ông Lê Thanh Hoa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương cho biết, đến nay, toàn huyện đã có 8 sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của các vùng được bảo hộ nhãn hiệu, gồm: Chè shan, tương ớt, gạo Séng cù, lợn đen, chè Ô long, đậu tương và sa nhân Mường Khương. Các sản phẩm được bảo hộ đang phát triển tốt, góp phần phát triển vùng nguyên liệu bền vững và nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Theo nhận định của cơ quan chức năng tỉnh, sở hữu trí tuệ là lĩnh vực đa ngành và phức tạp nên công tác nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ, các thông tin, kiến thức và pháp luật có liên quan đến nội dung này rất cần thiết, giúp giảm tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong cộng đồng, góp phần tăng trưởng về kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Số lượng đơn đăng ký bảo hộ nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ và văn bằng sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang có dần tăng lên. Giai đoạn 2011 - 2015 có 79 văn bằng sở hữu công nghiệp được bảo hộ trong toàn tỉnh, đến giai đoạn 2016 - 2020, đã có 385 đơn đăng ký và được cấp 183 văn bằng, tăng 104 văn bằng. Năm 2021, có 110 đơn đăng ký và được cấp 46 văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp, trong đó có 7 nhãn hiệu sản phẩm đặc thù địa phương được bảo hộ chứng nhận nhãn hiệu tập thể và 1 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Hết năm 2022, Lào Cai có khoảng 80 đơn đăng ký và cấp được 60 văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp.
Đến nay, toàn tỉnh đang có 379 văn bằng sở hữu công nghiệp được bảo hộ ở trong nước còn thời hạn, trong đó có 377 nhãn hiệu (46 nhãn hiệu tập thể, 17 nhãn hiệu chứng nhận, 2 chỉ dẫn địa lý mang địa danh của tỉnh, còn lại 312 nhãn hiệu thông thường không mang địa danh) và 2 kiểu dáng công nghiệp.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong những năm qua, công tác sở hữu trí tuệ trong tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, như: Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chưa quan tâm đúng mức tới việc đăng ký và bảo vệ tài sản trí tuệ; các địa phương, tổ chức và cả chủ sở hữu nhãn hiệu còn lúng túng trong quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu đã được bảo hộ nên nhiều nhãn hiệu cộng đồng chưa được khai thác hiệu quả. Hoạt động bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp vẫn hạn chế…
Trước những khó khăn đang đặt ra, UBND tỉnh đã ban hành chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Lào Cai đến năm 2030. Trong đó tỉnh đặt mục tiêu đưa sở hữu trí tuệ thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương; nâng cao năng lực nhận thức của doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân về tài sản trí tuệ; thúc đẩy và nâng cao hiệu quả bảo hộ, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể đến năm 2030, Lào Cai sẽ đáp ứng 100% nhu cầu được tư vấn, hướng dẫn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của các tập thể, cá nhân có nhu cầu trên địa bàn tỉnh. Số văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp được cấp tăng 20% so với giai đoạn 2021 - 2025. Đảm bảo 100% tổ chức, cá nhân được tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các kết quả nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo. Tối thiểu 10% sản phẩm, dịch vụ được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý, sản phẩm hình thành từ các sáng chế, giải pháp hữu ích được hỗ trợ quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc, chất lượng, được giới thiệu, quảng bá và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại sau khi được bảo hộ. Có 30% cán bộ, công chức, chủ thể quản lý nhãn hiệu được học tập kinh nghiệm công tác quản lý, khai thác, phát triển nhãn hiệu sản phẩm, tìm hiểu pháp luật ở ngoài tỉnh và ở nước ngoài…