Nâng cao hiệu quả bảo vệ và thực thi bản quyền trên không gian mạng

Những hành vi xâm phạm bản quyền, như việc tải lên, sao chép và phát tán trái phép các sản phẩm trí tuệ, đang gây thiệt hại lớn cho các chủ sở hữu bản quyền và làm suy yếu nền kinh tế sáng tạo.

Các chuyên gia thảo luận trong khuôn khổ hội nghị-hội thảo về sở hữu trí tuệ. (Ảnh: Đình Toán)

Các chuyên gia thảo luận trong khuôn khổ hội nghị-hội thảo về sở hữu trí tuệ. (Ảnh: Đình Toán)

Vấn đề bản quyền trong môi trường số ảnh hưởng không chỉ đến quyền lợi của các tác giả, các chủ sở hữu quyền, các doanh nghiệp mà còn đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế sáng tạo và thương mại điện tử.

Đó là nhận định của bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong Hội nghị-Hội thảo Tuyên truyền, phổ biến các điều ước quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan và thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, doanh nghiệp khai thác, sử dụng.

Sự kiện do Cục Bản quyền tác giả tổ chức ngày 6/12 tại Hà Nội.

Theo bà Phạm Thị Kim Oanh, trong môi trường thương mại điện tử, việc bảo vệ bản quyền trở nên phức tạp hơn bao giờ hết. Các tác phẩm nghệ thuật, phần mềm, bài viết, hình ảnh, video và các sản phẩm trí tuệ khác dễ dàng bị sao chép, phân phối mà không có sự kiểm soát đầy đủ. Những hành vi xâm phạm bản quyền, như việc tải lên, sao chép và phát tán trái phép các sản phẩm trí tuệ, đang gây thiệt hại lớn cho các chủ sở hữu bản quyền và làm suy yếu nền kinh tế sáng tạo.

 Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại hội nghị-hội thảo. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại hội nghị-hội thảo. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Ngoài ra, một vấn đề không thể bỏ qua là các nền tảng thương mại điện tử, vốn đóng vai trò trung gian trong các giao dịch, cũng phải đối mặt với yêu cầu bảo vệ bản quyền. Các nền tảng này cần có trách nhiệm trong việc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, với các chủ thể quyền để xử lý các vi phạm bản quyền, tạo ra một môi trường trực tuyến minh bạch và công bằng.

“Trong thời gian qua, các quốc gia, trong đó có Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp lý liên quan đến bảo vệ bản quyền trong thương mại điện tử. Một trong những bước tiến quan trọng là việc áp dụng các điều khoản trong các hiệp định quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan,” bà Phạm Thị Kim Oanh nêu rõ.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức trong việc thực thi và bảo vệ bản quyền trong thương mại điện tử, đặc biệt là khi đối diện với những vi phạm không giới hạn về địa lý và thời gian. Những hành vi xâm phạm bản quyền trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, cũng như việc xử lý các vi phạm trên không gian mạng, đòi hỏi sự phối hợp và hợp tác mạnh mẽ giữa các quốc gia, các tổ chức quốc tế và các nền tảng trực tuyến.

Do đó, theo Phó Cục trưởng Phạm Thị Kim Oanh, để giải quyết vấn đề này, cần có một hệ thống quản lý bản quyền toàn diện, kết hợp giữa các chính sách pháp lý, công nghệ, và sự hợp tác quốc tế. Cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường các biện pháp giám sát và xử lý vi phạm, đồng thời các nền tảng thương mại điện tử cũng cần phải áp dụng các công cụ và công nghệ hiện đại để giám sát và ngăn chặn hành vi xâm phạm.

Các hệ thống nhận dạng nội dung, theo dõi bản quyền tự động và công cụ nhận diện hình ảnh là những giải pháp công nghệ hữu ích giúp phát hiện và ngừng các hành vi xâm phạm ngay từ khi chúng xuất hiện. Việc xây dựng các chính sách bảo vệ bản quyền rõ ràng và công khai trên các nền tảng thương mại điện tử cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng niềm tin của người dùng và các tác giả.

 Các tác phẩm nghệ thuật, phần mềm, bài viết, hình ảnh, video và các sản phẩm trí tuệ khác dễ dàng bị sao chép trên không gian mạng. (Ảnh minh họa: Internet)

Các tác phẩm nghệ thuật, phần mềm, bài viết, hình ảnh, video và các sản phẩm trí tuệ khác dễ dàng bị sao chép trên không gian mạng. (Ảnh minh họa: Internet)

Đóng góp ý kiến, Luật sư Dương Việt Đức (Công ty Luật IPMAX) cho rằng cần hoàn thiện pháp luật, quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của sàn thương mại điện tử, trong ngăn chặn, xử lý hành vi xâm phạm nhãn hiệu trên sàn thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, sàn thương mại điện tử cần áp dụng biện pháp sàng lọc đối tượng, nội dung vi phạm; ứng dụng công nghệ hiện đại để nhận diện và sàng lọc hàng giả, đối tượng xâm phạm...

Theo đó, bên cạnh sự kết hợp của các biện pháp pháp lý, các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng, áp dụng công nghệ; bằng cách hợp tác cùng nhau, Nhà nước, cơ quan thực thi, chủ sở hữu trí tuệ, sàn thương mại điện tử và người tiêu dùng có thể tạo ra một mặt trận thống nhất chống hành vi xâm phạm bản quyền./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/nang-cao-hieu-qua-bao-ve-va-thuc-thi-ban-quyen-tren-khong-gian-mang-post999448.vnp