Nâng cao hiệu quả các công trình cấp nước sạch tập trung
Với mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 80% dân số đô thị được cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung, 70% hộ dân ở vùng nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn 02 của Bộ Y tế theo tinh thần Nghị quyết số 12 của Tỉnh ủy về nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân Vĩnh Phúc, thời gian qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư nâng cấp, sửa chữa và đưa vào sử dụng nhiều công trình cấp nước tập trung, "phủ sóng" nước sạch từ thành thị về nông thôn, nâng cao khả năng tiếp cận nước sạch cho người dân.
Cung cấp nước sạch cho gần 42.000 hộ dân khu vực thành phố Vĩnh Yên và một số địa phương lân cận, Công ty cổ phần Cấp thoát nước số 1 Vĩnh Phúc hiện đang quản lý 5 nhà máy nước và 4 trạm bơm tăng áp với tổng công suất hơn 70.700m3 nước/ngày đêm.
Ông Trần Duy Thập, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cấp thoát nước số 1 Vĩnh Phúc cho biết: Giai đoạn 2010 – 2021, công ty đã đầu tư hơn 20 dự án xây mới, nâng cấp các công trình cấp nước tập trung, trong đó có một số dự án lớn như Dự án mở rộng hệ thống cấp nước thành phố Vĩnh Yên – công suất 32.000m3/ngày đêm.
Đến nay, nhà máy đã phát huy được 60% công suất thiết kế, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch phục vụ sinh hoạt, SXKD của người dân và các KCN trong thành phố. Ngoài ra, với việc đầu tư phát triển mạng lưới đường ống cấp nước tại các khu vực như Vân Hội, Hương Sơn, Thiện Kế, Thanh Trù... đã tạo điều kiện cho người dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa được sử dụng nước sạch, cải thiện chất lượng đời sống.
Là đơn vị cung cấp nước sạch lớn trên địa bàn tỉnh, chủ yếu tập trung tại khu vực nông thôn, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường (VSMT) nông thôn, Sở NN&PTNT hiện đang quản lý 10 công trình cấp nước tập trung với 32.300 đấu nối, trong đó có 5 công trình quy mô cấp xã gồm các xã Trung Hà, Trung Kiên huyện Yên Lạc; Sơn Đông, Vân Trục huyện Lập Thạch; Tân Cương huyện Vĩnh Tường và 5 công trình quy mô liên xã (Hồng Phương - Liên Châu, Đại Tự - Phú Đa huyện Yên Lạc; Tứ Trưng- Ngũ Kiên, liên 12 xã huyện Vĩnh Tường; Thái Hòa - Hoa Sơn huyện Lập Thạch).
Các công trình hiện đang cung cấp nước sạch cho hơn 21.000 hộ dân thuộc 25 xã tại các huyện Yên Lạc, Vĩnh Tường và Lập Thạch.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Giám đốc Trung tâm: Giai đoạn 2013- 2020, thực hiện Chương trình Nước sạch & VSMT dựa trên kết quả tại 8 tỉnh đồng bằng sông Hồng từ vốn vay Ngân hàng Thế giới, trung tâm được UBND tỉnh giao thực hiện đầu tư xây mới 5 công trình gồm Công trình liên xã Thái Hòa - Hoa Sơn, huyện Lập Thạch; công trình liên xã Hồng Phương - Liên Châu, Đại Tự - Phú Đa, huyện Yên Lạc; công trình liên xã Tứ Trưng - Ngũ Kiên và công trình liên 12 xã huyện Vĩnh Tường với tổng kinh phí đầu tư gần 400 tỷ đồng.
Năm 2020, trung tâm được giao thực hiện Dự án cải tạo, nâng cấp công trình công trình cấp nước xã Bạch Lưu, khu vực tận cùng phía Bắc của huyện Sông Lô với tổng kinh phí đầu tư 10,6 tỷ đồng. Các công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả cấp nước, đảm bảo phục vụ đủ nhu cầu cho người dân khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa.
Hiện nay, tỷ lệ người dân khu vực nông thôn sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung thuộc quản lý của trung tâm là 66,2%; trong đó, một số công trình đạt tỷ lệ cao như công trình cấp nước xã Trung Hà, Trung Kiên, liên xã Hồng Phương - Liên Châu huyện Yên Lạc; công trình cấp nước liên 12 xã huyện Vĩnh Tường...
Tuy nhiên, theo chia sẻ của các đơn vị, hiện nay, nhiều công trình cấp nước sạch tập trung rơi vào tình trạng khó khăn trong quá trình vận hành, nguyên nhân xuất phát từ mực nước ngầm trên địa bàn tỉnh đang có chiều hướng suy thoái, ô nhiễm, dẫn đến lưu lượng và chất lượng nước ngày càng giảm.
Bên cạnh đó, nhiều công trình cấp nước tập trung xây dựng đã lâu, chưa bố trí được kinh phí duy tu, bảo dưỡng thường xuyên dẫn đến xuống cấp, giảm khả năng cấp nước và chất lượng nước.
Mặt khác, theo Quyết định số 08 của UBND tỉnh về việc ban hành bộ đơn giá xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, một số nội dung công việc chuyên ngành cấp thoát nước có đơn giá nhân công thấp, chưa phù hợp với yêu cầu thực tế, nên việc hợp đồng nhân công gặp nhiều khó khăn.
Để nâng cao khả năng tiếp cận nước sạch của người dân, năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 29 về quy định thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư dự án cung cấp nước sạch và hỗ trợ giá nước cho vùng nông thôn.
Theo đó, các doanh nghiệp (DN) có dự án cung cấp nước sạch cho các xã, thị trấn thuộc khu vực vùng dân tộc thiểu số và miền núi được hỗ trợ 5,5 triệu đồng/m3/ngày đêm công suất cho dự án xây mới, hoặc 3,5 triệu đồng/m3/ngày đêm công suất cho dự án nâng cấp cải tạo nhà máy sản xuất nước sạch. Hỗ trợ tối đa 70% chi phí đường ống chính dẫn đến các khu vực dân cư có từ 5 hộ trở lên.
Giá nước sạch cho hộ dân nông thôn các xã, thị trấn thuộc khu vực vùng dân tộc thiểu số và miền núi (theo quy định của Trung ương) được hỗ trợ 80% giá nước, các xã, thị trấn còn lại trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ 40% giá nước theo cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc hỗ trợ được thực hiện theo lượng nước sử dụng thực tế, không quá 10m3 đầu tiên/hộ/tháng.
Với chính sách hỗ trợ kịp thời, phù hợp, thời gian tới sẽ có nhiều DN đầu tư vào lĩnh vực nước sạch, hoàn thành mục tiêu mà Nghị quyết 12 của Tỉnh ủy về nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân Vĩnh Phúc đề ra.