Nâng cao hiệu quả các hoạt động hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh

Tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm là một trong những nhiệm vụ quan trọng để phát triển kinh tế nông nghiệp. Chính vì vậy, trong năm qua, Hội Nông dân huyện Đan Phượng, Hà Nội đã đưa nội dung này là nhiệm vụ trọng tâm để tập chung chỉ đạo, tạo đòn bẩy, cầu nối giúp người nông dân gặt hái được nhiều thành quả kinh tế trên đồng ruộng.

Về hỗ trợ vốn, tính đến nay nguồn vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân trên toàn huyện đã đạt 30,025 tỷ đồng, giúp gần 1.000 hộ hội viên vay vốn làm kinh tế. Ông Thiều Văn Son - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng cho biết, các cấp hội đã hướng dẫn các xã, thị trấn xây dựng và trực tiếp đi giải ngân nguồn mới và nguồn quay vòng Quỹ Hỗ trợ nông dân với 30 dự án điểm, cho 323 hộ vay để trồng bưởi, sản xuất rau, trồng hoa, sản xuất gia công đồ kim khí, sản xuất mộc, kinh doanh tạp hóa...

Hội Nông dân huyện Đan Phượng phối hợp với công ty dược phẩm để sử dụng chế phẩm Anisat cho sản phẩm bưởi của xã Hạ Mỗ giúp nâng cao năng suất.

Hội Nông dân huyện Đan Phượng phối hợp với công ty dược phẩm để sử dụng chế phẩm Anisat cho sản phẩm bưởi của xã Hạ Mỗ giúp nâng cao năng suất.

Công tác tín chấp vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội thông qua 78 tổ tiết kiệm và vay vốn đã giúp 2.695 hộ vay với số tiền trên 130,144 tỷ đồng (tăng trên 5 tỷ đồng so với năm 2022). Công tác vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông qua 39 tổ vay đã giúp 279 hộ với số tiền trên 28,363 tỷ đồng. Thông qua các nguồn vốn đã giúp hàng nghìn hộ nông dân có việc làm, thu nhập, giảm hàng tỷ đồng chi phí cho nông dân so với lãi suất phải đi vay ngân hàng thương mại, góp phần hạn chế tín dụng đen.

Đặc biệt, Hội đã phối hợp với Công ty Xuất nhập khẩu Hà Anh tổ chức tuyên truyền đến các cơ sở và hội viên, tín chấp mua phân bón trả chậm chăm sóc cây trồng vụ xuân năm 2023. Chỉ đạo Hội Nông dân xã Hạ Mỗ ký chương trình phối hợp với Công ty Dược phẩm Hoàng Giang và tổ chức hội thảo hướng dẫn sử dụng chế phẩm Anisat cho cây bưởi tại 3 tổ hội nghề nghiệp; cấp thuốc sâu thảo mộc cho các hộ nông dân trong tổ Hội nghề nghiệp sử dụng chăm sóc bưởi;…

“Thông qua việc triển khai các dự án vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân và các nguồn vốn vay từ các ngân hàng đã tạo điều kiện để nông dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động trên địa bàn nông thôn”, ông Thiều Văn Son cho biết.

Cùng với các hoạt động hỗ trợ vay vốn, Hội Nông dân huyện còn tổ chức các hoạt động hỗ trợ hội viên, nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học, công nghệ; cung ứng vật tư, thiết bị nông nghiệp. Đến nay, các cấp hội đã phối hợp tổ chức 85 buổi tập huấn khoa học kỹ thuật cho 8.300 lượt cán bộ, hội viên nông dân. Trong đó, Hội Nông dân huyện đã tổ chức 33 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, bảo vệ thực vật cho 3.200 lượt hội viên nông dân. Hướng dẫn nông dân xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ mới theo chuỗi giá trị đạt tiêu chuẩn chất lượng Vietgap, Globalgap.

Đời sống nông dân được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của huyện năm 2023 ước đạt 76,3 triệu đồng/người/năm.

Đời sống nông dân được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của huyện năm 2023 ước đạt 76,3 triệu đồng/người/năm.

Cùng với đó là các chương trình hỗ trợ hội viên, nông dân quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Vận động hội viên nông dân tham gia các gian hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp an toàn tại các hội chợ xuân, lễ hội truyền thống, triển lãm của địa phương.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng, người nông dân đã có được nhiều lợi thế trong kết nối tiêu thụ sản phẩm nhờ tham gia các hội chợ giới thiệu sản phẩm như: Festival Nông sản - Văn hóa - Ẩm thực - Du lịch lần thứ 2 năm 2023 với 24 gian hàng nông sản; trưng bày tại Đại hội Nông dân cấp huyện Đan Phượng với 17 gian hàng sản phẩm OCOP; 1 gian hàng tại Đại hội Nông dân thành phố Hà Nội. Duy trì 2 điểm kết nối tiêu thụ nông sản an toàn tại các xã Thượng Mỗ, thị trấn Phùng, ra mắt 1 điểm mới tại cụm 1 xã Liên Trung,...

“Cùng với các hoạt động hỗ trợ trên, chúng tôi tiếp tục tổ chức các hoạt động tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ việc làm cho nông dân. Trong năm 2023, các cấp hội đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức 3 lớp dạy nghề cho 105 hội viên nông dân về trồng cây ăn quả, trồng rau an toàn”, ông Thiều Văn Son cho biết.

Nhờ những chính sách hỗ trợ bài bản, trong những năm qua, đời sống nông dân được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của huyện năm 2023 ước đạt 76,3 triệu đồng/người/năm, không còn hộ nghèo theo chuẩn mới.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nang-cao-hieu-qua-cac-hoat-dong-ho-tro-nong-dan-phat-trien-san-xuat-kinh-doanh-163745.html