Nâng cao hiệu quả các nguồn lực tài chính để phát triển kinh tế

Ngày 23/8/2024, tại Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của Ban Kinh tế Trung ương, Vụ Kinh tế tổng hợp phối hợp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức Hội thảo 'Phát huy và nâng cao hiệu quả các nguồn lực tài chính phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh mới'.

TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương

TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương

Đây là sự kiện trong chuỗi hoạt động nghiên cứu, khảo sát, tham vấn ý kiến các bên liên quan và chuyên gia nhằm có thêm luận cứ khoa học và thực tiễn phục vụ xây dựng Đề án sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW (ban hành ngày 15/1/2019) của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế.

Tham dự và chủ trì Hội thảo có TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; đại diện Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam và Tạp chí Kinh tế Việt Nam. Đóng góp tham luận và thảo ý kiến tại Hội thảo có đại diện các ban, bộ ngành trung ương, các ủy ban của Quốc hội và đông đảo các hiệp hội, chuyên gia kinh tế, tài chính cùng lãnh đạo các Tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước…

Tại hội thảo, ông Lê Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Dự báo Thống kê, NHNN trình bày báo cáo tham luận về “Hoạt động điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) và cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng nhằm khơi thông nguồn lực tài chính đối với phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2019-2024”.

Ông Lê Quốc Hưng

Ông Lê Quốc Hưng

Theo đại diện NHNN, một trong những thành công lớn nhất trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều bất ổn, lạm phát toàn cầu tăng cao giai đoạn 2019-2024 là điều hành CSTT linh hoạt, thận trọng góp phần kiểm soát lạm phát. Từ năm 2019 đến nay, lạm phát tổng thể được kiểm soát dưới 4% (năm 2019: 2,79%; năm 2020: 3,23%; năm 2021: 1,84%; năm 2022: 3,15%; năm 2023: 3,25%), góp phần quan trọng trong việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Để góp đạt được thành công ấy, CSTT đã có những đóng góp tích cực trên nhiều khía cạnh: (i) Lãi suất được điều hành phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu CSTT trong từng giai đoạn; (ii) Điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt, ổn định thị trường ngoại hối; (iii) Điều hành tín dụng an toàn, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó, hiệu quả phân bổ vốn tín dụng tăng lên. Tăng trưởng tín dụng những năm gần đây (05 năm gần đây trung bình khoảng 13,48%/năm) thấp hơn rất nhiều so với giai đoạn trước đây nhưng phù hợp với khả năng hấp thụ của nền kinh tế. Tăng trưởng tín dụng thấp hơn, trong khi tăng trưởng kinh tế vẫn đạt được thành tựu đáng ghi nhận, là minh chứng rõ cho sự gia tăng của hiệu quả phân bổ vốn tín dụng đã tăng lên.

Cùng với đó, phát triển các phương tiện, mạng lưới thanh toán không dùng tiền mặt đạt được thành tựu vượt bậc; Tình trạng đôla hóa trong nền kinh tế được khắc phục về căn bản; Thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng luôn được đảm bảo, ngay cả trong tình huống khó khăn nhất…

Bên cạnh các mặt đạt được, vẫn còn hạn chế mang tính cố hữu, nội tại từ nền kinh tế mà ngành ngân hàng cùng với nền kinh tế cần tiếp tục khắc phục. Đáng chú ý như chất lượng tín dụng bị ảnh hưởng trong bối cảnh diễn biến kinh tế trong và ngoài nước kém thuận lợi; nhu cầu vốn cho phục hồi tăng trưởng kinh tế vẫn tập trung phần lớn vào tín dụng ngân hàng (tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam ở mức cao và có xu hướng tiếp tục tăng, tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống các tổ chức tín dụng); sự phát triển của công nghệ được ứng dụng trong lĩnh vực tiền tệ - ngân hàng đã đem lại nhiều tiện ích, dịch vụ mới nhưng phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn thanh toán ngân hàng...

Trình bày tham luận “Đánh giá kết quả huy động các nguồn tài lực cho phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2019-2024 theo Nghị quyết số 39-NQ/TW”, TS. Cấn Văn Lực Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng bên cạnh nhiều kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, thách thức.

TS. Cấn Văn Lực

TS. Cấn Văn Lực

Cụ thể với chính sách tài khóa (CSTK), khâu thực thi các chương trình, chính sách hỗ trợ còn chậm; thể chế, pháp luật về đầu tư công, đầu tư PPP chưa thực sự đồng bộ, thống nhất; hiệu quả đầu tư khu vực Nhà nước còn thấp; giải ngân đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia và nhiều chương trình, gói hỗ trợ trong Chương trình phục hồi 2022-2023 còn chậm và không đồng đều giữa các địa phương, cấu phần...

Cùng với đó, điều hành CSTT của Việt Nam trở nên khó khăn hơn khi độ mở kinh tế lớn và xu hướng CSTT thay đổi nhanh; đa mục tiêu; chất lượng tài sản, vấn đề tăng vốn của các tổ chức tín dụng còn là thách thức, ảnh hưởng đến khả năng cung ứng tín dụng; kênh dẫn vốn của các tổ chức tín dụng phi ngân hàng còn thấp; tín dụng chính sách, nhất là qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam VDB chưa thực sự hiệu quả; Phối hợp CSTK - CSTT còn một số bất cập... Trên cơ sở các đánh giá đó, chuyên gia này đưa ra một số kiến nghị để huy động, triển khai và phân bổ các nguồn tài lực tốt hơn trong thời gian tới.

Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cần đạt mức tối thiểu từ 6-6,5% liên tục trong vòng 20 năm tới đây. Hỗ trợ cho mỗi bước dịch chuyển sang nấc thang mới này là các cơ chế, chính sách để huy động quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế.

Tại Phiên thảo luận về “Mô hình và các cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội nhằm khơi thông nguồn lực tài chính phát triển kinh tế - xã hội”, nhiều đại biểu, chuyên gia đã tập trung phân tích về các nguồn lực của nền kinh tế bao gồm tài chính công (NSNN), thị trường tiền tệ, thị trường vốn, và các nguồn lực khác (đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, bảo hiểm, đất đai,…); những vướng mắc, rào cản cần tháo gỡ. Từ đó, đưa ra các gợi ý, khuyến nghị về mô hình, chính sách, cơ chế, nhằm phát huy, nâng cao hiệu quả các nguồn lực tài chính.

Bên cạnh đó, nhằm hiện thực hóa cam kết của Chính phủ Việt Nam về tăng trưởng xanh, hướng tới phát triển bền vững, tài chính xanh được xác định là một cấu phần quan trọng. Phiên thảo luận về “Thu hút và phát huy hiệu quả tài chính xanh, tài chính khí hậu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới” tập trung vào 3 nhóm vấn đề trọng tâm của tài chính xanh bao gồm thị trường tín dụng xanh; thị trường trái phiếu, cổ phiếu xanh; thị trường carbon - tín chỉ carbon. Theo đó thực trạng, tiến trình, những khó khăn của các thị trường này đã được các chủ thể doanh nghiệp, quỹ đầu tư, các tổ chức tài chính đi sâu phân tích. Trên cơ sở đó, hiến kế các giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy phát triển bền vững tài chính xanh, cung ứng hiệu quả nguồn vồn xanh cho nền kinh tế.

Theo mục tiêu đối với nguồn tài lực tại Nghị quyết 39/NQ-TW, đến năm 2025, giữ vững an ninh tài chính quốc gia; bảo đảm cân đối ngân sách tích cực, giảm dần tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước đến năm 2020 xuống dưới 4% GDP, đến năm 2030 xuống khoảng 3% GDP, hướng tới cân bằng thu - chi ngân sách nhà nước. Đến năm 2030, nợ công không quá 60% GDP, nợ chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45% GDP.

Đến năm 2020 cơ bản hoàn thành và đến năm 2025 hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên phạm vi cả nước; hoàn thành di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, cơ sở phải di dời theo quy hoạch đã được phê duyệt. Đến năm 2025 mức dự trữ quốc gia đạt 0,8-1% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt 55% GDP.

Lê Đỗ

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nang-cao-hieu-qua-cac-nguon-luc-tai-chinh-de-phat-trien-kinh-te-154896.html