Nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường

Để nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về môi trường, thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp: tăng cường quản lý; khắc phục những khu vực ô nhiễm và thực hiện các đề án, dự án để bảo vệ môi trường, góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh.

Xử lý rác bằng phương pháp chôn lấp dần được thay thế bằng công nghệ lò đốt để xử lý triệt để nguồn rác thải. Trong ảnh: Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Đá Mài (T.P Thái Nguyên), xử lý hơn 150 tấn rác mỗi ngày bằng phương pháp nhiệt hóa.

Xử lý rác bằng phương pháp chôn lấp dần được thay thế bằng công nghệ lò đốt để xử lý triệt để nguồn rác thải. Trong ảnh: Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Đá Mài (T.P Thái Nguyên), xử lý hơn 150 tấn rác mỗi ngày bằng phương pháp nhiệt hóa.

Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 2.500 doanh nghiệp hoạt động sản xuất công nghiệp, khai khoáng và hàng trăm trang trại chăn nuôi quy mô lớn nên nguy cơ ô nhiễm môi trường nguồn nước, không khí rất lớn. Vì vậy, thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường được các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm. Bà Hoàng Thị Liên, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường nguồn nước, không khí đang là vấn đề nóng của toàn xã hội. Đối với Thái Nguyên, vấn đề này chưa đến mức báo động, chất lượng nguồn nước, không khí cơ bản đạt chuẩn, chưa phát sinh điểm “nóng”, nhưng vẫn có nhiều nguy cơ ô nhiễm… Một trong các giải pháp nhằm bảo vệ môi trường được cơ quan chức năng đưa ra là quản lý chặt các nguồn thải, phòng ngừa và khắc phục tại những điểm ô nhiễm.

Hiện nay, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh ra môi trường gần 700 tấn/ngày, gần 23 nghìn tấn bùn thải trong khai khoáng sản và gần 1.000 tấn rác thải công nghiệp. Vì vậy, cơ quan chức năng đã rà soát, phối hợp với các địa phương, các đơn vị liên quan hướng dẫn việc quản lý, xử lý chất thải rắn. Tại 9 huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh đều có bãi xử lý rác, lò đốt. Một số địa phương như: T.P Thái Nguyên, T.X Phổ Yên, huyện Phú Bình, T.P Sông Công đã xây dựng được nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ nhiệt hóa, với công suất xử lý khoảng 250 tấn/ngày. Qua đó, góp phần xử lý hiệu quả, triệt để nguồn rác thải, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường... Điển hình như bãi rác thải sinh hoạt Đồng Hầm ( T.X Phổ Yên) từng là điểm nóng về ô nhiễm sau thu gom, do nước rỉ rác thải và việc chôn lấp không đảm bảo, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Từ năm 2019, Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ nhiệt hóa bắt đầu đi vào hoạt động đã giải quyết cơ bản vấn đề ô nhiễm tại đây. Ông Dương Văn Diễn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường T.X Phổ Yên cho biết: Với việc phát triển công nghiệp nhanh, mạnh nên lượng rác, nước thải phát sinh ra môi trường rất lớn. Nếu không xử lý được, dễ hình thành các điểm “nóng” về ô nhiễm môi trường. Từ năm 2017 đến nay, T.X Phổ Yên đã thu hút được 2 dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại bãi rác Đồng Hầm và nhà máy xử lý rác thải nguy hại. Hiện nay, lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn đã cơ bản được xử lý triệt để.

Thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường được Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường, thông qua các cuộc thanh kiểm tra, xử lý vi phạm, theo dõi, giám sát hoạt động quan trắc môi trường. Riêng năm 2019 và 5 tháng đầu năm 2020, cơ quan chức năng đã tổ chức 8 đợt giám sát quá trình thực hiện quan trắc hiện trạng môi trường tại các đơn vị sản xuất. Việc thực hiện lấy mẫu quan trắc đảm bảo quy trình kỹ thuật. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan tìm kiếm vị trí và tổ chức lắp đặt, vận hành trạm quan trắc tự động liên tục khí thải tại T.P Thái Nguyên. Tổ chức thực hiện kế hoạch QA/QC (Đảm bảo chất lượng/Kiểm soát chất lượng) thuộc Mạng quan trắc hiện trạng môi trường tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016-2020. Trong năm 2019, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiếp nhận hơn 430 lượt báo cáo kiểm soát ô nhiễm của hơn 170 đơn vị và tiến hành kiểm tra 18/19 đơn vị trong thực hiện công tác bảo vệ môi trường theo kế hoạch. Tổ chức lấy mẫu đột xuất để đánh giá chất lượng xả thải nước thải tại 18 đơn vị sản xuất, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh và tổng hợp, báo cáo kết quả về UBND tỉnh. Xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra đối với 26 đơn vị là các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo một số đơn vị sản xuất kinh doanh như Công ty CP Đầu tư phát triển Yên Bình; Công ty TNHH Khai thác và Chế biến khoáng sản Núi Pháo, Công ty Than Khánh Hòa, Công ty Xi măng Quan Triều, Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn... hướng dẫn lắp đặt, hoàn thiện việc thực hiện kết nối truyền nhận dữ liệu quan trắc nước thải tự động về Sở Tài nguyên và Môi trường. Kết quả cho thấy, các chỉ số về môi trường cơ bản đạt chuẩn theo quy định. Đặc biệt, sau 3 năm thực hiện Đề án “Tăng cường quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường giai đoạn 2017-2020”, vấn đề ô nhiễm môi trường trong khai thác khoáng sản đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tình trạng đơn thư, kiến nghị của người dân sinh sống quanh khu vực khai thác khoáng sản đã giảm rõ rệt...

Có thể thấy, công tác quản lý bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, song ở một số đơn vị sản xuất và một bộ phận người dân chưa tuân thủ đúng các quy định. Bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp không phải trách nhiệm của riêng cơ quan quản lý về lĩnh vực này mà cần sự chung tay của cả cộng đồng…

Dương Hưng - Vũ Công

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/xa-hoi/nang-cao-hieu-qua-cong-tac-bao-ve-moi-truong-271686-85.html