Nâng cao hiệu quả công tác quản lý chợ

Thời gian qua, công tác quản lý và phát triển chợ trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực; hệ thống chợ đã góp phần tích cực đẩy mạnh sản xuất, phát triển dịch vụ, lưu thông hàng hóa phục vụ đời sống người dân. Tuy nhiên, công tác quản lý Nhà nước về chợ hiện còn nhiều khó khăn, bất cập.

Chợ Nậm Pố, xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé) đang được đầu tư xây dựng.

Chợ Nậm Pố, xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé) đang được đầu tư xây dựng.

Nhiều chợ bỏ hoang

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 34 chợ (trong đó chợ Suối Lư huyện Điện Biên Đông đang tạm ngừng hoạt động để chuẩn bị đầu tư xây dựng nâng cấp). Các chợ đều nằm trong quy hoạch, hoạt động chủ yếu là bán lẻ hàng tiêu dùng phục vụ nhu cầu của dân cư nội vùng. Trong đó, tại đô thị có 16 chợ và khu vực nông thôn có 18 chợ, gồm: 1 chợ hạng I (có trên 400 điểm kinh doanh); 8 chợ hạng II (trên 200 điểm kinh doanh) và 25 chợ hạng III (dưới 200 điểm kinh doanh).

Nhìn chung, các chợ đều phát huy tốt hiệu quả trong việc thu hút, tập trung lượng hàng hóa từ các nguồn sản xuất, kinh doanh tại địa phương cũng như các vùng lân cận; cơ bản đáp ứng được nhu cầu mua bán trao đổi hàng hóa và tiêu dùng của người dân. Tuy nhiên, nhiều chợ dù được đầu tư hàng tỷ đồng nhưng đến nay không phát huy hiệu quả, công năng sử dụng; nhiều chợ để hoang, thậm chí người dân tận dụng, sử dụng vào mục đích khác.

Đơn cử, Chợ trung tâm xã Mường Toong, huyện Mường Nhé, được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2012 nhưng hiện nay chợ này bị bỏ hoang. Chợ Mường Toong có quy mô bố trí gần 100 hộ dân vào kinh doanh buôn bán và một dãy nhà cấp 4 phục vụ công tác quản lý chợ. Thời điểm mới xây dựng, nhiều người đăng ký vào chợ buôn bán, nhưng do sức tiêu thụ hàng hóa chậm nên các hộ kinh doanh và người dân chọn nơi gần đường giao thông để thuận lợi cho việc mua bán hàng hóa. Cấp ủy, chính quyền xã đã tuyên truyền, vận động và thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để các tiểu thương vào chợ buôn bán, nhưng không hiệu quả.

Tương tự, chợ Mường Phăng, xã Mường Phăng, TP. Điện Biên Phủ được đầu tư từ nguồn vốn chương trình 135/CP với tổng mức hơn 500 triệu đồng. Chợ được đầu tư khang trang với diện tích hơn 1.000m2 bao gồm đầy đủ các hạng mục cần thiết cho hoạt động mua, bán tại địa phương. Thế nhưng suốt nhiều năm qua chợ bỏ hoang, trong khi ngay cạnh chợ người dân tụ họp buôn bán hai bên đường. Theo ông Lò Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Mường Phăng, hiện nay chợ đang được đầu tư cải tạo, nâng cấp, dự kiến hoàn thành trong năm 2023. Sau khi hoàn thành sẽ đưa hết các hộ kinh doanh vào chợ buôn bán đúng quy định.

Ngoài chợ Mường Toong, chợ Mường Phăng, trên địa bàn tỉnh còn nhiều chợ cũng rơi vào tình trạng bỏ hoang, không hiệu quả trong nhiều năm qua, như: Chợ Chi Luông, chợ Đồi Cao (TX. Mường Lay); chợ Mường Tùng (huyện Mường Chà)... Những chợ này đều có mức đầu tư hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng nhưng chưa thực sự mang lại hiệu quả. Các địa phương cũng đã vận động người dân vào chợ buôn bán nhưng đều chung cảnh là họp trong chợ không hút được khách, vắng người mua.

Khó chuyển đổi hình thức

Thực hiện Nghị định 02/2003/NĐ-CP ngày 14/1/2003 của Chính phủ về quản lý và phát triển chợ, Sở Công Thương đã phối hợp với các sở, ngành hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch và chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn tỉnh, từ loại hình các ban quản lý chợ sang các doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý, kinh doanh và khai thác chợ. Mục tiêu là thiết lập mô hình tổ chức quản lý chợ phù hợp với quy mô và tính chất của các loại hình chợ trên địa bàn tỉnh, bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Đồng thời huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế đầu tư, kinh doanh, khai thác và quản lý chợ, từng bước xã hội hóa hoạt động đầu tư xây dựng phát triển chợ, phục vụ tốt nhu cầu đời sống của Nhân dân trên địa bàn, xây dựng nông thôn mới.

Nhìn chung sau khi chuyển đổi mô hình sang doanh nghiệp kinh doanh chợ và hợp tác xã hoạt động đều có hiệu quả. Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện, việc chuyển đổi hình thức quản lý chợ còn hạn chế, nhất là các chợ khu vực nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh chỉ có 4 chợ chuyển đổi hình thức quản lý do doanh nghiệp và hợp tác xã, như: Chợ trung tâm thị xã, chợ Nậm Cản (TX. Mường Lay); chợ trung tâm huyện Mường Nhé; chợ Mường Luân (huyện Điện Biên Đông). Các chợ còn lại chưa chuyển đổi và vẫn do ban quản lý chợ, tổ quản lý chợ quản lý, khai thác.

Nguyên nhân gây khó khăn trong chuyển đổi mô hình kinh doanh, khai thác, quản lý chợ là hiện nay nguồn vốn dành cho đầu tư phát triển chợ còn hạn chế trong khi việc huy động vốn của các nguồn khác thì khó khăn. Các doanh nghiệp chỉ quan tâm đến các dự án nơi có lợi thế thương mại (tập trung chủ yếu ở thành phố và các thị trấn của huyện, thị) có khả năng thu hồi vốn nhanh và sinh lợi cao. Trong khi các chợ nông thôn, vùng sâu, vùng xa có nhu cầu đầu tư lớn mà không kêu gọi được doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư do đa số có quy mô nhỏ, phạm vi hoạt động hẹp, chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt của dân cư, hiệu quả kinh tế thấp, không thu hút được các thành phần kinh tế tham gia. Bên cạnh đó, UBND các xã, ban quản lý chợ ngại vì chuyển đổi sẽ làm xáo trộn hoạt động chợ, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các hộ kinh doanh cố định tại chợ, dễ gây bất ổn, mất trật tự an ninh.

Hiện nay, để đáp ứng tiêu chí về chợ trong bộ tiêu chí nông thôn mới, các địa phương chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng chợ nông thôn. Đơn cử như huyện Mường Nhé, dự kiến đến năm 2025 tất cả các xã đều có chợ nông thôn. Tuy nhiên, bên cạnh đó cần phải nghiên cứu, xem xét hiệu quả đầu tư; đặc biệt cần quan tâm nguyện vọng, sự tham gia góp ý của tiểu thương, người dân về vị trí, nhu cầu đầu tư xây dựng chợ, tránh tình trạng chạy theo thành tích dẫn đến xây chợ xong người dân không vào họp, buôn bán, gây lãng phí nguồn lực đầu tư.

Bài, ảnh: Văn Tâm

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/kinh-te/205813/nang-cao-hieu-qua-cong-tac-quan-ly-cho