Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với ngành công nghiệp hóa chất
Ngày 29/5, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi). Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng chủ trì phiên họp. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cùng dự.
Ngành công nghiệp hóa chất đã có bước phát triển mạnh mẽ
Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Công Thương cho biết, Luật Hóa chất và các văn bản dưới luật đã hình thành một hệ thống quy định quản lý hóa chất tương đối toàn diện từ trung ương đến địa phương. Nhờ đó, ngành công nghiệp hóa chất đã có bước phát triển mạnh mẽ, duy trì được mức tăng trưởng ổn định qua các năm (trung bình 10-11%/năm). Sản phẩm hóa chất sản xuất trong nước đa dạng hơn về chủng loại, chất lượng cũng được cải thiện, tiếp cận với các sản phẩm trong khu vực. Một số lĩnh vực của ngành cơ bản đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, săm lốp, sơn thông dụng, sản phẩm tẩy rửa, tiền chất thuốc nổ amoni nitrat. Hầu hết các dự án hóa chất trong những năm gần đây cũng sử dụng công nghệ tiên tiến, tiệm cận với trình độ khu vực và thế giới; các yếu tố an toàn, môi trường được nâng cao.
Bên cạnh những kết quả đạt được, sau hơn 15 năm thi hành, Luật Hóa chất đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: chưa có quy định rõ ràng và chính xác phạm vi, đối tượng áp dụng các hoạt động quản lý; chưa có cơ chế, chính sách ưu đãi hấp dẫn, có tính ổn định để thu hút đầu tư trong hoạt động hóa chất;...
Vì vậy, việc xây dựng Luật Hóa chất (sửa đổi) là cần thiết nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp hóa chất phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng được nêu tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với ngành công nghiệp hóa chất. Bên cạnh đó, Luật Hóa chất (sửa đổi) sẽ góp phần tạo môi trường thông thoáng, thu hút đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia, tập đoàn hóa chất lớn hoạt động tại Việt Nam; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước giao thương quốc tế.
Làm rõ phạm vi điều chỉnh của Luật Hóa chất (sửa đổi)
Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Tài Nguyên và Môi trường đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo quy định cụ thể khoảng cách an toàn đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh và tồn trữ hóa chất nguy hiểm; trong đó làm rõ mốc tính khoảng cách an toàn là từ khu vực lưu trữ hóa chất hay từ hàng rào nhà máy để đảm bảo thống nhất và dễ áp dụng thực hiện.
Bên cạnh đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát và sử dụng thống nhất thuật ngữ “hóa chất nguy hiểm cần kiểm soát đặc biệt” hay “hóa chất cần kiểm soát đặc biệt” trong dự thảo Luật sửa đổi; nghiên cứu thêm cách thức phân cấp sự cố hóa chất cho phù hợp với thực tiễn; làm rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của các Bộ, ngành liên quan trong việc phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trong trường hợp xảy ra sự cố hóa chất.
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết việc quy định hoạt động kinh doanh hóa chất phải có kế hoạch và phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc xác nhận theo quy định là chưa phù hợp, vì có cơ sở có hoạt động kinh doanh hóa chất nhưng không tồn trữ hóa chất, không có nơi lưu trữ hóa chất (kho lưu trữ) nên không thể xây dựng kế hoạch này.
Về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong đảm bảo an toàn, an ninh hóa chất, theo đồng chí, quy định như dự thảo Luật sửa đổi là chưa phù hợp với thực tế của Việt Nam và không có tính khả thi. Đồng chí cho biết, phần lớn người dân sử dụng các hóa chất trong lĩnh vực nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không thể đảm bảo quy định về an ninh hóa chất, trang thiết bị phòng, chống chảy nổ.... hay xây dựng các kế hoạch và biện pháp phòng ngừa sự cố hóa chất. Cùng với đó, nơi sử dụng các hóa chất nông nghiệp chủ yếu là trên đồng ruộng và cá nhân sử dụng cũng chủ yếu là người nông dân nên việc quy định như dự thảo là chưa sát với thực tế, gây khó khăn trong quá trình thực thi. Do đó, đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu thêm về nội dung này.
Theo đại diện Bộ Tài chính, dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) đang quy định phạm vi điều chỉnh rất rộng, bao gồm cả hoạt động hóa chất, hóa chất trong sản phẩm. Tuy nhiên, dự thảo Luật sửa đổi chưa đưa ra định nghĩa “hóa chất trong sản phẩm”, gây khó khăn trong việc phân định hóa chất thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này với hóa chất trong các sản phẩm gia dụng, sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp, hóa dược được điều chỉnh tại các Luật chuyên ngành khác. Vì vậy, đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo định nghĩa cụ thể thế nào là “hóa chất trong sản phẩm”; đồng thời quy định nguyên tắc phân định hóa chất thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này với hóa chất có trong các sản phẩm thuộc phạm vi điều chỉnh của các Luật khác.
Ngoài ra, đồng chí cũng đề nghị cơ quan chủ trì làm rõ có áp dụng quy định tại Luật này với hàng hóa đưa từ nước ngoài và từ nội địa vào khu vực hải quan riêng hay không; bổ sung quy định quản lý nhà nước đối với hoạt động khai báo hóa chất của doanh nghiệp trên hệ thống một cửa quốc gia;…
Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của cơ quan chủ trì thẩm định trong việc xây dựng Luật Hóa chất (sửa đổi) vì đây là một luật khó, có tác động đến nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. Thứ trưởng cho biết, dự thảo Luật sửa đổi đã thể chế hóa đầy đủ bốn chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 95/NQ-CP ngày 07/7/2023; đồng thời bám sát các chủ trương, nhiệm vụ tại Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tuy nhiên, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo chủ động rà soát nội dung dự thảo Luật sửa đổi với các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành hoặc đang xây dựng để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Cơ quan chủ trì cũng cần nghiên cứu và quy định chi tiết, tối đa các thủ tục hành chính có thể phát sinh trong nội dung dự thảo Luật; từ đó làm căn cứ cho các cơ quan liên quan triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo quy định cụ thể, chi tiết nội dung về phân cấp, phân quyền bám sát theo tinh thần chỉ đạo Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới; đồng thời nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về hóa chất trong sản phẩm để vừa đảm bảo công tác quản lý nhà nước, nhưng không tạo rào cản, hạn chế sự phát triển, kinh doanh của doanh nghiệp.