Nâng cao hiệu quả công tác thẩm tra
Tại các kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội, để ban hành được những nghị quyết chất lượng, các ban và đại biểu HĐND được giao nhiệm vụ thường có quá trình thẩm tra, xem xét kỹ lưỡng. Do đó, để làm tốt hơn nữa công tác thẩm tra, ngoài nắm chắc quy định và văn bản pháp lý, thì việc mỗi đại biểu cần nâng cao năng lực hoạt động, khảo sát, nắm thông tin… là cần thiết.
Cử tri thị xã Sơn Tây phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc cử tri với tổ đại biểu HĐND thành phố Hà Nội sau kỳ họp thứ mười lăm, HĐND thành phố khóa XV.
Đóng góp không nhỏ của công tác thẩm tra
Kỳ họp thứ mười lăm, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV diễn ra đầu tháng 7-2020 vừa qua đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề có tác động trực tiếp đến đời sống dân sinh, được cử tri ghi nhận, đánh giá cao. Ông Nghiêm Xuân Hưng (phường Xuân La, quận Tây Hồ) cho biết, ông rất vui khi HĐND thành phố ban hành mức hỗ trợ đối với cán bộ cấp cơ sở phải nghỉ công tác do thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và do sáp nhập thôn, tổ dân phố theo Đề án số 21-ĐA/TU ngày 16-9-2019 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
“Nhiều người trăn trở, băn khoăn trước việc sáp nhập theo Đề án số 21-ĐA/TU, nhưng nay chính sách ban hành kịp thời là nguồn động viên lớn cho những trường hợp vì lý do khách quan phải nghỉ việc”, ông Nghiêm Xuân Hưng bày tỏ.
Đồng tình cao với kết quả kỳ họp thứ mười lăm, bà Hoàng Thị Túc (xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai) cho rằng, thành phố Hà Nội quyết định không tăng học phí đối với bậc học giáo dục mầm non, phổ thông công lập năm học 2020-2021 là hợp lý, bởi do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đời sống đại bộ phận người dân gặp khó khăn hơn.
Phó Trưởng ban phụ trách Ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội Duy Hoàng Dương cho biết, thành công của kỳ họp thứ mười lăm có đóng góp không nhỏ từ hiệu quả của công tác thẩm tra. Để có được báo cáo thẩm tra sát thực tiễn, giúp đại biểu thêm căn cứ để xem xét, quyết định đối với một số nghị quyết thuộc lĩnh vực phụ trách, trước kỳ họp thứ mười lăm khoảng 2 tháng, Ban Pháp chế HĐND thành phố đã thực hiện khảo sát rất kỹ ở cơ sở.
“Đơn cử như việc thẩm tra liên quan đến Nghị quyết về việc thành lập, đặt tên và đổi tên thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2020, Ban Pháp chế đã làm việc, trao đổi với nhiều bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác Mặt trận ở các quận: Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm và huyện Hoài Đức để nghe ý kiến từ cơ sở. Qua khảo sát cho thấy, do tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ chung cư cao tầng tăng lên. Tại các khu chung cư thường có số hộ dân lớn nên gặp khó khăn nếu thực hiện việc ghép vào các tổ dân phố liền kề. Vì thế, trong 122 tổ dân phố mới thành lập, có 91 tổ dân phố “khai sinh” từ các khu vực dân cư vừa hình thành gần đây”, ông Duy Hoàng Dương thông tin.
Thu thập thông tin từ nhiều nguồn
Ngoài việc khảo sát thực tiễn của các ban HĐND thành phố Hà Nội trước khi thẩm tra tờ trình, dự thảo nghị quyết, thì kinh nghiệm của nhiều đại biểu HĐND thành phố trong lĩnh vực này chính là phải tự thu thập thông tin từ nhiều nguồn.
Theo Phó Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Hoàng Thị Thúy Hằng, thẩm tra các văn bản là nghiên cứu tài liệu, so sánh, đối chiếu với thực tế để tìm ra thiếu sót, bất cập, trên cơ sở đó đại biểu đưa ra ý kiến thảo luận và đề xuất, kiến nghị. Để có thể so sánh, đối chiếu các thông tin trong báo cáo thì đại biểu phải có nguồn thông tin do mình tự thu thập.
Đồng quan điểm trên, đại biểu HĐND thành phố Hà Nội khóa XV Đỗ Thùy Dương (thành viên Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố Hà Nội) cho biết, muốn nhận xét, phản biện xác đáng thì đại biểu phải có thông tin từ thực tiễn cuộc sống, thu thập từ hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, từ các phương tiện thông tin đại chúng, hoạt động giám sát. Khi có thông tin đầy đủ sẽ giúp cho hoạt động thẩm tra được thuận lợi, các báo cáo thẩm tra chặt chẽ và có tính thuyết phục. “Về quy định mức thu học phí đối với bậc học giáo dục mầm non, phổ thông công lập năm học 2020-2021, cá nhân tôi đã trao đổi, lấy ý kiến của nhiều phụ huynh, trên cơ sở đó hoàn toàn đồng tình với tờ trình của UBND thành phố về việc giữ nguyên mức thu học phí năm học tới như năm học 2019-2020”, bà Đỗ Thùy Dương chia sẻ.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá, trên cơ sở phân công của Thường trực HĐND thành phố và bằng kinh nghiệm thẩm tra của mình theo từng lĩnh vực, các ban HĐND thành phố đã rất trách nhiệm, hiệu quả trong việc thẩm tra các tờ trình, dự thảo nghị quyết. Trên cơ sở đó, kỳ họp thứ mười lăm, HĐND thành phố khóa XV đã thông qua nhiều nghị quyết bám sát đời sống.
“Để chuẩn bị tốt cho kỳ họp cuối năm 2020, thời gian tới, ngoài thực hiện các đợt giám sát chuyên đề theo kế hoạch, Thường trực HĐND thành phố cũng chỉ đạo các ban phối hợp với các sở, ban, ngành của thành phố vào cuộc thẩm tra ngay từ đầu khi xây dựng tờ trình, dự thảo nghị quyết, nhằm nắm bắt rõ sự cần thiết ban hành nghị quyết”, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.