Nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng
Ngày 17.4.2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 49 quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng.
Nguyên tắc bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng được quy định tại Điều 3 của Nghị định thể hiện: Bảo đảm sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình trong việc thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng; Tạo điều kiện thuận lợi cho người chấp hành xong hình phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, phòng ngừa tái phạm và vi phạm pháp luật.
Đồng thời, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử hoặc xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của phạm nhân và người chấp hành xong hình phạt tù.
Kết quả và những tồn tại cần khắc phục
Thời gian qua, công tác thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh thực hiện bảo đảm đúng quy định của Luật Thi hành án hình sự, tạo điều kiện thuận lợi để người chấp hành xong án phạt tù sớm ổn định cuộc sống, góp phần ngăn ngừa tình trạng vi phạm pháp luật và tái phạm tội.
Tuy nhiên công tác này cũng còn những tồn tại, hạn chế. Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc của một số ngành, địa phương còn chưa sâu sát; công tác quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành án hình sự tại cộng đồng, người chấp hành xong án phạt tù chưa chặt chẽ, còn mang tính hình thức, chưa huy động được các ngành, tổ chức chính trị-xã hội tham gia nên tỉ lệ tái phạm tội vẫn còn cao.
Có 33 trường hợp tái phạm bị xử lý hình sự, 37 trường hợp vi phạm pháp luật bị xử lý hành chính, chiếm 2,6%; việc tổ chức dạy nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù chiếm 15,8%.
Công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng chưa chặt chẽ, còn mang tính hình thức; nhất là việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng chưa được thực hiện thường xuyên, tuyên truyền chưa tập trung vào đúng đối tượng.
Khắc phục hạn chế, nâng cao hiệu quả
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng; chú trọng xây dựng, lựa chọn nội dung, phương pháp tuyên truyền phù hợp để tuyên truyền về các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù theo Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17.4.2020 của Chính phủ quy định thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng; phổ biến các quy định của pháp luật, vai trò tầm quan trọng của công tác thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng trong phòng chống tội phạm, hạn chế tình trạng tái phạm tội, góp phần bảo đảm ANTT tại địa phương.
Trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương
Ngoài nhiệm vụ tham mưu UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh, Công an tỉnh chủ động mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ về thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng cho cán bộ trực tiếp thực hiện công tác này. Làm tốt công tác tiếp nhận, quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù. Tạo điều kiện cho họ thực hiện các quyền, nghĩa vụ công dân theo quy định pháp luật.
Thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng ở cơ sở; theo dõi, hướng dẫn hoạt động của các mô hình tái hòa nhập cộng đồng; tăng cường thực hiện công tác quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành án hình sự tại cộng đồng, người chấp hành xong án phạt tù đang cư trú trên địa bàn.
Ngoài ra, Công an tỉnh chỉ đạo Công an các huyện, thị xã, thành phố chủ trì, phối hợp với Tòa án, Viện Kiềm sát cùng cấp, các phòng, ban có liên quan và UBND cấp xã thực hiện đúng các quy định của pháp luật về thi hành án tại xã, phường, thị trấn; người bị kết án phạt tù còn ngoài xã hội và số tha tù trước thời hạn có điều kiện.
Sở Lao động-Thương binh và Xã hội có trách nhiệm hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù về địa phương; thông báo rộng rãi các lớp đào tạo nghề, chế độ, chính sách ưu đãi có liên quan đến người chấp hành xong án phạt tù.
Sở Tư pháp cập nhật thông tin về tình hình án phạt của người chấp hành xong án phạt tù và thực hiện cấp phiếu lý lịch tư pháp theo quy định.
UBND các huyện, thị xã, thành phố có chính sách khuyến khích dạy nghề, hỗ trợ vay vốn, giới thiệu việc làm và vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tiếp nhận người chấp hành xong án phạt tù vào làm việc, ổn định cuộc sống, khuyến khích thành lập Quỹ tái hòa nhập cộng đồng ở địa phương để hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân và gia đình của người chấp hành án tích cực phối hợp chính quyền địa phương cùng tham gia quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người đang chấp hành án tại xã, phường, thị trấn, người bị kết án phạt tù còn ngoài xã hội, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện và số người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng.
Thực hiện đúng các quy định của pháp luật về thi hành án hình sự và hòa nhập cộng đồng; quản lý, giám sát; tạo điều kiện thuận lợi cho họ thực hiện quyền và nghĩa vụ tại địa phương, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời rà soát người chấp hành xong án phạt tù có hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu vay vốn để hỗ trợ, giúp đỡ.
Củng cố, kiện toàn Ban điều hành mô hình tái hòa nhập cộng đồng, bảo đảm hoạt động có hiệu quả. Phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù có việc làm, ổn định cuộc sống, sống có ích cho xã hội.