Nâng cao hiệu quả công tác xử lý rác thải
Tăng cường giải pháp thu gom, phân loại, đầu tư cơ sở hạ tầng các khu xử lý chất thải rắn... là những giải pháp tỉnh Hòa Bình đã và đang triển khai để đảm bảo vệ sinh môi trường.
Tăng cường giải pháp thu gom, phân loại, đầu tư cơ sở hạ tầng các khu xử lý chất thải rắn... là những giải pháp tỉnh Hòa Bình đã và đang triển khai để đảm bảo vệ sinh môi trường.
Thời gian qua, tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm quy hoạch và xây dựng các khu xử lý chất thải rắn. Theo báo cáo của UBND tỉnh, trên địa bàn tỉnh đã quy hoạch 16 khu xử lý chất thải rắn, trong đó, một số khu đã được đầu tư xây dựng và hoạt động, như khu xử lý tại xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) với công suất xử lý đạt hơn 1.150 tấn/ngày. Đây là bước tiến lớn trong việc xử lý chất thải sinh hoạt và công nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và đảm bảo vệ sinh đô thị. Ngoài ra, UBND tỉnh chú trọng chỉ đạo cải tạo, nâng cấp công nghệ tại các nhà máy xử lý rác thải hiện có. Phương pháp phân loại rác tại nguồn và xử lý theo hướng giảm thiểu lượng chất thải chôn lấp cũng được thúc đẩy nhằm nâng cao hiệu quả và giảm tác động môi trường.
Tuy nhiên, hiện nay, công tác xử lý rác thải vẫn còn những bất cập. Theo thống kê sơ bộ, mỗi ngày trong tỉnh phát sinh xấp xỉ 400 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó, rác thải nhựa phát sinh khoảng 80 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom, xử lý mới đạt khoảng trên 200 tấn/ngày, chỉ một số ít rác thải nhựa được tái chế, tận dụng. Khoảng 60 - 70% rác thải trên địa bàn tỉnh vẫn xử lý bằng phương pháp chôn lấp, 20 - 30% được đốt bằng các lò đốt nhỏ, phần lớn đã dừng hoạt động. Tỷ lệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt đạt tiêu chuẩn bảo vệ môi trường ước tính chỉ đạt 47,5%.
Một số khu vực gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động các cơ sở xử lý rác do thiếu nhà đầu tư có năng lực hoặc công nghệ xử lý chưa đạt chuẩn. Điều này dẫn đến tình trạng rác thải tồn đọng, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường tại các bãi chôn lấp tự phát hoặc không đảm bảo vệ sinh.
Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về xử lý rác thải chưa cao, nhiều nơi vẫn chưa thực hiện phân loại rác tại nguồn, hoặc còn cản trở việc xây dựng các khu xử lý rác thải tập trung. Việc xã hội hóa trong công tác xử lý rác cũng gặp khó khăn do chi phí đầu tư lớn, rủi ro cao và lợi nhuận thấp.
Để giải quyết những vấn đề trên, ngành Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo công tác xây dựng và nâng cấp hạ tầng xử lý rác. Trong đó, chú trọng đầu tư vào các nhà máy xử lý rác thải hiện đại, áp dụng công nghệ tiên tiến để tăng cường tái chế và giảm thiểu chôn lấp. Cải tạo, mở rộng các cơ sở hiện có, đặc biệt là nhà máy tại xã Thịnh Minh (TP Hòa Bình) và xã Đồng Tâm (Lạc Thủy). Đồng thời, tập trung thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân bằng việc xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực xử lý rác, như miễn giảm thuế, hỗ trợ vốn vay hoặc chia sẻ rủi ro.
Bên cạnh đó, thúc đẩy phân loại rác tại nguồn thông qua đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cộng đồng về lợi ích của việc phân loại rác tại nguồn, kết hợp với các chính sách khuyến khích và chế tài cụ thể để nâng cao hiệu quả triển khai. Tăng cường đào tạo cán bộ nâng cao năng lực quản lý về xử lý rác thải và giám sát môi trường, xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật chặt chẽ hơn cho các cơ sở xử lý. Triển khai hệ thống quản lý rác thải thông minh, theo dõi quá trình thu gom, vận chuyển, xử lý, từ đó cải thiện tính minh bạch và hiệu quả quản lý…
Việc xử lý rác thải tại tỉnh đang đi đúng hướng với những nỗ lực từ chính quyền và nhân dân. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, cần khắc phục các hạn chế hiện tại và triển khai các giải pháp đồng bộ. Chỉ khi toàn bộ hệ thống xử lý rác thải được nâng cấp, cùng với sự đồng lòng của cộng đồng và các bên liên quan mới có thể xây dựng một môi trường xanh, sạch, đẹp như mong đợi.
Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/28/197727/nang-cao-hieu-qua-cong-tac-xu-ly-rac-thai.htm