Nâng cao hiệu quả của hệ thống thương vụ tại nước ngoài trong hội nhập kinh tế quốc tế
Trong thời gian qua, hệ thống Thương vụ của nước ta tại nước ngoài đã tranh thủ, tận dụng các cơ hội khai thác thị trường đối tác, các thị trường mới, góp phần thúc đẩy giao thương giữa Việt Nam và các thị trường trên thế giới, đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế đất nước. Trong thời gian tới, trước bối cảnh khu vực và thế giới có nhiều biến động phức tạp, cần tiếp tục phát huy hiệu quả vai trò của hệ thống Thương vụ với vai trò là 'sứ giả kinh tế' trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Đặt vấn đề
Trong những năm gần đây, bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương và những nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp (DN) và người dân, tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam ta vẫn khởi sắc.
Theo đó, đất nước đạt được nhiều kết quả tích cực, tương đối toàn diện trên các lĩnh vực như: kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; chuỗi cung ứng lao động hồi phục nhanh; giữ vững ổn định chính trị, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ... Các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh... Tiến trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới của nước ta tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng, vị thế đất nước trên các diễn đàn, chính trường ngày càng được nâng lên; Xếp hạng tín nhiệm quốc gia ngày càng cải thiện...
Đóng góp vào thành công chung đó có vai trò hết sức quan trọng của hệ thống các cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Theo Bộ Công Thương, hiện nay, hệ thống Thương vụ tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài gồm 61 Thương vụ và Chi nhánh Thương vụ.
Trong đó, khu vực châu Á - châu Phi có 28 Thương vụ và 4 Chi nhánh (kể cả 2 Thương vụ là Iraq và Liban chưa triển khai); khu vực châu Âu - châu Mỹ có 26 Thương vụ và 3 Chi nhánh. Ngoài ra, có 1 Phái đoàn Việt Nam tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và 3 Văn phòng Xúc tiến thương mại (1 Trung tâm giới thiệu sản phẩm tại Mỹ và 2 Văn phòng Xúc tiến thương mại tại Trung Quốc).
Tuy nhiên, với trước sự biến động ngày càng khó lường của các yếu tố địa chính trị, cần tiếp tục phát huy hiệu quả vai trò của hệ thống Thương vụ - "sứ giả kinh tế" của Việt Nam tại nước ngoài trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Vai trò của Hệ thống Thương vụ trong hội nhập kinh tế quốc tế
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính chung 9 tháng đầu năm 2022, kinh tế - xã hội Việt Nam tiếp tục phục hồi mạnh mẽ với nhiều điểm sáng: dịch bệnh được kiểm soát; sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng tốt; hoạt động bán lẻ phục hồi mạnh; xuất nhập khẩu tăng trưởng tích cực, cán cân thương mại xuất siêu đạt 6,52 tỷ USD; giải ngân FDI khả quan; thu ngân sách đạt khá nhờ kinh tế phục hồi; lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát; hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và người dân tiếp tục phục hồi...
Trước những tác động của tình trạng xăng dầu tăng giá, chiến tranh Nga – Uckraine đến nền kinh tế toàn cầu, kinh tế của Việt Nam vẫn phục hồi và tăng trưởng nhanh chóng, được các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển Á Châu (ADB)... đánh giá cao với GDP năm 2022 đạt từ 6,7-7,5%, lạm phát dưới 4%. Tháng 8/2022, tổ chức xếp hạng tín dụng Moody’s dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt 8,5% năm 2022, mức cao nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tháng 9/2022, tổ chức này nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng Ổn định. Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là một trong 4 quốc gia trên thế giới được Moody’s nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay. S&P cũng nâng xếp hạng lên BB+ với triển vọng "ổn định"; Fitch xếp hạng BB với triển vọng "tích cực". Nikkei Asia nâng hạng chỉ số phục hồi COVID-19 của Việt Nam lên thứ 2 thế giới.
Đặc biệt, cùng với tiến trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, độ mở của nền kinh tế Việt Nam được đánh giá khá lớn, với tỷ trọng xuất, nhập khẩu trên tổng GDP là hơn 200%. Việt Nam đã có quan hệ thương mại với trên 220 đối tác, 71 nước đã công nhận quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam. Việt Nam đã tham gia và có quan hệ tốt đẹp với nhiều tổ chức, cơ chế hợp tác kinh tế-phát triển hàng đầu như: WTO, IMF, Diễn đàn hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).
Việt Nam đã có bước tiến dài trên đại lộ hội nhập với 17 FTA đã và đang đàm phán (có 15 FTA đã ký kết), với nhiều hiệp định đa phương thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và mới đây là FTA giữa Việt Nam, Anh và Bắc A-len (UKVFTA)... Công tác hội nhập kinh tế quốc tế đã giúp thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước, đa dạng hóa thị trường, vị thế quốc tế của đất nước không ngừng được nâng lên...
Có thể khẳng định, thành công chung của nền kinh tế đất nước trong hội nhập kinh tế quốc tế phải kể đến vai trò hết sức quan trọng của hệ thống các cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Trong những năm qua, hệ thống Thương vụ đã bảo đảm thực hiện tốt các chức năng chính là đại diện và bảo vệ lợi ích quốc gia trong lĩnh vực kinh tế - thương mại; xúc tiến mở rộng thị trường nước ngoài cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp ở Việt Nam và ở nước ngoài; thu thập thông tin, nghiên cứu cơ chế, chính sách thị trường sở tại, tham mưu, đề xuất về Bộ Công Thương các biện pháp thúc đẩy quan hệ thương mại song phương phù hợp; tích cực cập nhật những thông tin thay đổi quy định, chính sách của nước sở tại để kịp thời hướng dẫn cho các DN tiếp cận với các thị trường…
Thương vụ tại các nước đã có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng chính sách thương mại để phát triển quan hệ thương mại, công nghiệp giữa Việt Nam với nước sở tại, mở rộng thị trường ngoài nước; tích cực tham gia các hoạt động đàm phán, ký kết nhiều FTA thế hệ mới; cung cấp nhiều thông tin về thị trường cho các bộ, ngành và các DN để hỗ trợ việc tìm đối tác, tổ chức giao thương, giúp các DN tiếp cận, thâm nhập hiệu quả thị trường nước ngoài.
Bên cạnh đó, hệ thống Thương vụ đã chủ động phát hiện và tháo gỡ các rào cản thương mại mà các nước áp dụng đối với hàng hóa Việt Nam cũng như: giải quyết các tranh chấp thương mại giữa nước ta và nước ngoài, bảo vệ tốt được quyền lợi kinh tế của quốc gia cũng như là chỗ dựa vững chắc cho các DN tại nước ngoài. Chủ trì và phối hợp các cơ quan trong và ngoài nước tổ chức các diễn đàn DN, hội thảo về thương mại-đầu tư ở Việt Nam và tham gia quảng bá cho hàng Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại các hệ thống siêu thị của nước sở tại... Tích cực triển khai nhiều chương trình để xúc tiến đầu tư, quảng bá hình ảnh, thúc đẩy giao thương giữa Việt Nam và các nước; Phối hợp tổ chức các hoạt động kết nối các tập đoàn lớn tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Việt Nam...
Giải pháp nâng cao vai trò của hệ thống Thương vụ tại nước ngoài
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định rõ: “Đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế quốc tế, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác. Nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước tác động tiêu cực từ những biến động của bên ngoài; chủ động hoàn thiện hệ thống phòng vệ để bảo vệ nền kinh tế, DN, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế.
Thực hiện nhiều hình thức hội nhập kinh tế quốc tế với các lộ trình linh hoạt, phù hợp với điều kiện, mục tiêu của đất nước trong từng giai đoạn. Hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với điều ước quốc tế và cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
Tăng cường bồi dưỡng, đào tạo cán bộ am hiểu sâu về luật pháp quốc tế, thương mại, đầu tư quốc tế, trước hết là cán bộ trực tiếp làm công tác hội nhập kinh tế quốc tế, giải quyết tranh chấp quốc tế”. Như vậy, việc xây dựng và phát huy được vai trò của hệ thống Thương vụ tại nước ngoài sẽ góp phần giúp hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ mà Văn kiện Đại hội XIII đề ra.
Tuy vậy, trong thời gian tới, tình hình kinh tế - xã hội nước ta sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như: Rủi ro, thách thức do suy giảm kinh tế, bất ổn tài chính trên thế giới. Thực tế cho thấy, từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình thế giới có nhiều biến động, diễn biến của dịch COVID-19 phức tạp, nhiều nền kinh tế rơi vào lạm phát cao, khủng hoảng thiếu, đứt gãy chuỗi cung ứng cả về nguyên vật liệu cho đến các hàng hóa, sản phẩm thiết yếu phục vụ đời sống và sản xuất của người dân...
Trong bối cảnh đó, tại Hội nghị trực tuyến với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu cần tiếp tục phát huy hiệu quả vai trò của hệ thống Thương vụ - "sứ giả kinh tế" của Việt Nam tại nước ngoài trong hội nhập kinh tế quốc tế. Do vậy, trong thời gian tới, hệ thống Thương vụ tại nước ngoài cần tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm:
Một là, cần phát huy hiệu quả vai trò tiền tuyến, trực tiếp tiếp cận hàng ngày với những biến động của thế giới và thị trường nước sở tại, chủ động tiếp cận, nắm bắt, phân tích, đánh giá chính sách, điều chỉnh chính sách của nước sở tại, từ đó vận dụng, tham mưu, đề xuất các vấn đề mang tính chiến lược và những phản ứng chính sách phù hợp, bảo đảm quyền lợi của đất nước, của DN trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Hai là, phải thúc đẩy đa dạng hóa thị trường để bù đắp khó khăn tại các thị trường truyền thống như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN; mở rộng thị trường sang khu vực Đông Âu, Trung Đông, Nam Mỹ, Nam Á, châu Phi; đồng thời tăng cường đa dạng hóa các chuỗi cung ứng.
Ba là, tăng cường tìm kiếm đối tác, kết nối các DN trong và ngoài nước đầu tư, thu hút các DN nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp trong nước, đặc biệt là ngành công nghiệp có tính chất nền tảng như cơ khí chế biến, chế tạo, điện tử, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp hóa chất, dược phẩm.
Bốn là, nghiên cứu và nắm vững hệ thống luật pháp, quy định và các phong tục, tập quán thương mại của nước sở tại để hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi, lợi ích chính đáng của các DN Việt Nam, nhất là trong ứng phó với các vụ điều tra phòng vệ thương mại. Chủ động cảnh báo, phòng ngừa, đưa ra khuyến cáo, kiến nghị xử lý các rủi ro, hỗ trợ các Hiệp hội ngành hàng, DN, địa phương của Việt Nam xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và xuất khẩu phù hợp nhằm tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.
Năm là, hỗ trợ đẩy mạnh hợp tác phát triển lực lượng lao động kỹ thuật thông qua việc đưa lao động thực tập sinh ra nước ngoài học tập, làm việc, tiếp cận công nghệ sản xuất mới, góp phần đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước
Sáu là, hỗ trợ thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam thông qua việc tích cực tìm kiếm, kết nối DN, thu hút đầu tư phát triển ngành năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo, tiến tới làm chủ về công nghệ, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các thiết bị trong quá trình chuyển đổi năng lượng mới.
Bảy là, xây dựng đội ngũ cán bộ Thương vụ với vai trò là những "sứ giả" kinh tế tại nước ngoài chuyên nghiệp, có trình độ, đáp ứng yêu cầu công việc. Cụ thể, cần chú trọng xây dựng, phát triển hệ thống Thương vụ Việt Nam đồng bộ, chặt chẽ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả công việc. Cán bộ thương vụ phải đáp ứng trình độ đào tạo cơ bản các chuyên ngành Luật, Kinh tế...; có khả năng nắm bắt, phân tích chính sách, thị trường để tham mưu phản ứng chính sách trong nước phù hợp với các thị trường; Thành thạo tiếng Anh, khuyến khích thành thạo thêm tiếng bản địa của nước sở tại...
Tài liệu tham khảo:
1. Thủ tướng Chính phủ (2022), Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 16/9/2022 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình mới;
2. Tổng cục Thống kê (2022), Báo cáo kinh tế xã hội 8 tháng năm 2022;
3. Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương (2022), Phát huy hiệu quả vai trò của hệ thống Thương vụ - sứ giả kinh tế của Việt Nam tại nước ngoài trong hội nhập kinh tế quốc tế, Tạp chí Công Thương;
4. Việt Hằng (2022), Phát huy hơn nữa vai trò của các thương vụ trong khuyến nghị chính sách và kết nối thị trường, Tạp chí Công Thương.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 10/2022