Nâng cao hiệu quả cung cấp thông tin tại cấp cơ sở để góp phần thúc đẩy xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
Để các quy định pháp luật về tiếp cận thông tin đi vào cuộc sống, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, các cơ quan, địa phương cần quan tâm hướng dẫn triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành
Mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin . Để bảo đảm, thực hiện quyền của công dân, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 đã quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc cung cấp thông tin (bao gồm công khai thông tin, cung cấp thông tin theo yêu cầu của công dân) do mình tạo ra . Trong đó Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm cung cấp thông tin do mình tạo ra và thông tin do mình nhận được để trực tiếp thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, trừ thông tin công dân không được tiếp cận; đối với thông tin công dân được tiếp cận có điều kiện thì cung cấp thông tin khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
Xuất phát từ vị trí, vai trò và hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương cấp xã, trước hết là Ủy ban nhân dân cấp xã có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm, thực hiện các quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong đó có quyền tiếp cận thông tin ngay tại cơ sở, Bộ tiêu chí đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật quy định 02 chỉ tiêu gắn với trách nhiệm của cấp xã trong triển khai nhiệm vụ cung cấp thông tin, đó là chỉ tiêu 1 và chỉ tiêu 2 thuộc tiêu chí 2 về tiếp cận thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật (Điểm a, điểm b khoản 2 Điều 3 Quyết số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật).
Các chỉ tiêu này đặt ra yêu cầu cung cấp thông tin thuộc trách nhiệm của chính quyền cấp xã phải kịp thời, chính xác, đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật, tập trung vào các nội dung lập, đăng tải các Danh mục thông tin; thực hiện công khai thông tin, cung cấp thông tin theo yêu cầu đúng thời hạn, chính xác, đầy đủ, đúng hình thức theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, tiêu chí cấp huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với Bộ tiêu chí quốc gia huyện nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 và chuẩn đô thịn văn mình (Điểm 2 mục I phần 1 Hướng dẫn Tiêu chí huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới, tiêu chí tiếp cận pháp luật thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 và tiêu chí quận, thị xã, thành phố đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thuộc tiêu chí quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh đạt chuẩn đô thị văn minh ban hành kèm theo Quyết định số 1723/QĐ-BTP ngày 15/8/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp) cũng xác định công khai, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ, đúng quy định pháp luật về tiếp cận thông tin là một nội dung để đánh giá trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp huyện.
Triển khai Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg, Thông tư số 09/2021/TT-BTP và Quyết định số 1723/QĐ-BTP của Bộ trường Bộ Tư pháp thông qua các tổ chức các hoạt động kiểm tra, khảo sát thực tế và tập huấn nghiệp vụ tại địa phương cho thấy, cấp cơ sở vẫn còn gặp những khó khăn nhất định trong tổ chức triển khai việc cung cấp thông tin, làm ảnh hưởng đến kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Trong đó chính quyền cấp xã chưa chú trọng tổ chức triển khai nhiệm vụ được giao theo đúng quy định của pháp luật; công chức tham mưu, tổ chức thực hiện nhiệm vụ còn chưa nắm vững kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ triển khai việc cung cấp thông tin, còn lúng túng trong việc lập các Danh mục thông tin; chưa lập Phiếu yêu cầu cung cấp thông tin và Sổ theo dõi cung cấp thông tin theo yêu cầu; chưa chủ động tham mưu cho cấp chính quyền trong việc cập nhật thông tin, chủ yếu mới đăng tải hoặc niêm yết Danh mục các thủ tục hành chính; nguồn lực triển khai nhiệm vụ chưa được quan tâm, nhất là kinh phí… Mặc dù việc triển khai trên thực tế còn hạn chế nhưng một số cơ sở vẫn chấm điểm các chỉ tiêu tiếp cận thông tin đạt kết quả cao, chấm điểm tối đa, dẫn đến tính hình thức trong đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Để các quy định pháp luật về tiếp cận thông tin đi vào cuộc sống, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, các cơ quan, địa phương cần quan tâm hướng dẫn triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trước hết các cơ quan, địa phương tiếp tục tổ chức các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ cung cấp thông tin cho đội ngũ công chức được giao tham mưu, tổ chức thực hiện hoạt động cung cấp thông tin của cấp xã; chú trọng xây dựng, cung cấp các tài liệu hướng dẫn cung cấp thông tin.
Đối với cấp xã, cần tập trung hướng dẫn các công việc, nhiệm vụ mà cấp xã có trách nhiệm tổ chức thực hiện, cụ thể như việc lập, đăng tải các Danh mục thông tin; việc cập nhật các Danh mục thông tin. Từ đó bảo đảm các Danh mục thông tin được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; Danh mục thông tin phải được công khai có đầy đủ các nội dung, bao gồm tên, số, ký hiệu văn bản, hồ sơ, tài liệu; ngày, tháng, năm tạo ra văn bản, hồ sơ, tài liệu kèm theo hình thức công khai thông tin, thời điểm, thời hạn công khai thông tin. Đồng thời thực hiện thường xuyên việc cập nhật Danh mục theo quy chế của cơ quan; hướng dẫn rõ thời điểm, thời hạn, hình thức công khai thông tin; việc lập, lưu trữ Phiếu yêu cầu cung cấp thông tin; lập, theo dõi, ghi chép các nội dung của Sổ theo dõi cung cấp thông tin theo yêu cầu; các thông tin và các trường hợp mà cấp xã từ chối cung cấp; trình tự, thủ tục cung cấp thông tin theo yêu cầu của người dân; việc xử lý thông tin công khai không chính xác…
Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cơ quan, địa phương, nhất là người đứng đầu và chính quyền địa phương cấp cơ sở trong việc phổ biến, giới thiệu, truyền thông về quyền của công dân trong tiếp cận thông tin và quy trình, cách thức thực hiện quyền đó. Từ đó giúp người dân thực hiện quyền theo đúng quy định của pháp luật, góp phần phòng ngừa khiếu nại, kiến nghị, phản ánh trái pháp luật, giảm bớt khó khăn, áp lực cho cơ sở trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo…
Chọn điểm và hỗ trợ địa phương, cơ sở, nhất là địa bàn đặc biệt khó khăn trong triển khai các nhiệm vụ cung cấp thông tin thông qua lồng ghép, sử dụng các nguồn lực thực hiện chương trình, đề án, dự án có liên quan, qua đó góp phần thúc đẩy cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, bảo đảm thực chất, hiệu quả.
Tăng cường kiểm tra chuyên đề công tác tiếp cận thông tin; tổ chức các diễn đàn, tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm, nắm bắt kịp thời tình hình thực hiện nhiệm vụ tại cấp cơ sở để chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, hướng dẫn việc cung cấp thông tin đúng trách nhiệm được giao.
Kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các cấp nói chung và cấp xã việc cung cấp thông tin theo quy định tại Nghị định số 98/2022/NĐ-CP ngày 29/11/2022 của Chính phủ (Khoản 8 Điều 2 Nghị định số 98/2022/NĐ-CP ngày 29/11/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp), giúp các cơ quan, địa phương và cơ sở không còn gặp khó khăn, lúng túng, từ đó chủ động triển khai nhiệm vụ được thống nhất, đồng bộ.