Nâng cao hiệu quả đầu tư, khai thác các khu, cụm công nghiệp (kỳ 1)
Thời gian qua, các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh đã thu hút nhiều dự án đầu tư, tạo tín hiệu tích cực đối với sản xuất công nghiệp, góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của tỉnh. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Kỳ I: Tín hiệu tích cực trong phát triển các khu, cụm công nghiệp
Thời gian qua, các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh đã thu hút nhiều dự án đầu tư, tạo tín hiệu tích cực đối với sản xuất công nghiệp, góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của tỉnh.
Theo quy hoạch đã được phê duyệt đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh có 9 KCN với tổng diện tích quy hoạch 2.146ha, phân bố chủ yếu tại các huyện: Nghĩa Hưng, Vụ Bản, Ý Yên và thành phố Nam Định. Đến nay, đã có 5 KCN đang được triển khai xây dựng, đưa vào khai thác gồm các KCN Hòa Xá, Mỹ Trung, Bảo Minh, Dệt may Rạng Đông, Mỹ Thuận với tổng diện tích 1310.3ha. Cũng theo quy hoạch đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh có 59 CCN với tổng diện tích 1.773,77ha. Hiện tại, đã thành lập đã và đang đầu tư xây dựng 24 CCN với tổng diện tích 495,21ha. Trong đó có 22 CCN với tổng diện tích 445,41ha đã đi vào hoạt động; đang tập trung đầu tư xây dựng 2 CCN mới gồm: CCN Yên Bằng (Ý Yên) 50ha (trong đó: đất tại xã Yên Bằng là 36,37ha, đất tại xã Yên Hồng là 13,63ha), CCN Thanh Côi tại xã Tam Thanh (Vụ Bản) 49,8ha.
Trên cơ sở quy hoạch đã phê duyệt, các ngành, các địa phương đặc biệt chú trọng hoàn thiện và tổ chức thực hiện đầy đủ, hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, CCN và các nhà đầu tư thứ cấp trong các khu, CCN; nhất là quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng khu, CCN được tiếp cận nguồn vốn tín dụng một cách thuận lợi. Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến, kêu gọi các doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm, uy tín, tiềm lực tài chính đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các KCN, CCN cung ứng mặt bằng sạch cho nhà đầu tư thứ cấp để triển khai dự án sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh thực hiện đột phá về cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa liên thông, đơn giản hóa thủ tục và quy trình giải quyết thủ tục hành chính, rà soát loại bỏ các thủ tục không còn phù hợp để các doanh nghiệp thuận lợi tối đa trong thực hiện các thủ tục liên quan đến đầu tư, xây dựng các khu, CCN.
Trong các năm 2021, 2022, với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh và sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương trong việc triển khai thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng các khu, CCN trên toàn tỉnh đã khởi công xây dựng hạ tầng KCN Mỹ Thuận, CCN Thanh Côi, CCN Yên Bằng; đã hoàn thiện các thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư mở rộng KCN Bảo Minh; đồng ý về chủ trương, cho phép các nhà đầu tư khảo sát lập quy hoạch dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng các KCN Hồng Tiến, Trung Thành (Ý Yên), dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng CCN Tân Thịnh (Nam Trực), CCN Giao Hải, Giao Lạc, Yến Châu (Giao Thủy). Ngoài ra, tỉnh cũng tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương và huy động các nguồn lực tiếp tục cải tạo, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngoài hàng rào các khu, CCN, nhất là các dự án giao thông trọng điểm, có tính kết nối đến các vùng kinh tế trọng điểm, góp phần nâng cao vị thế, sức hút của các khu, CCN; đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào xây dựng nhà xưởng, phát triển sản xuất, kinh doanh tại các khu, CCN. Đánh giá của các doanh nghiệp đang hoạt động ở các khu, CCN tỉnh cho thấy, bên cạnh môi trường đầu tư thuận lợi, hệ thống hạ tầng đồng bộ, các khu, CCN của tỉnh đều nằm ở vị trí giao thông thuận lợi, kết nối các khu, CCN ra bên ngoài và kết nối vùng thuận lợi, giúp cho hàng hóa của doanh nghiệp vận chuyển thông suốt, nhanh chóng. Nhờ đó, các khu, CCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút được nhiều nhà đầu tư thứ cấp trong và ngoài nước tham gia một khối lượng lớn vốn đầu tư cho phát triển công nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh: Giai đoạn trước năm 2021, vốn thu hút đầu tư vào các KCN đạt bình quân khoảng 200 triệu USD/năm. Cụ thể, năm 2018 thu hút được 110 triệu USD, năm 2019 đạt 247 triệu USD. Năm 2020 đạt 220 triệu USD, năm 2021 đạt 116 triệu USD; 10 tháng năm 2022 thu hút đầu tư vào các KCN đạt 4,1 triệu USD. Về điểm nhấn trong đáp ứng nhu cầu về mặt bằng cho nhà đầu tư thứ cấp của các KCN, có thể kể đến các KCN gồm: KCN Hòa Xá (thành phố Nam Định) là KCN đầu tiên của tỉnh với quy mô 285,37ha, có rất nhiều doanh nghiệp dệt may trong và ngoài nước, quy mô lớn, thu hút nhiều lao động. KCN Bảo Minh giai đoạn 1 với quy mô 154,50ha đã được lấp đầy bởi hầu hết các tập đoàn lớn và đang phát triển mạnh trên thế giới như Sumi Wiring thuộc Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) với 3.800 công nhân; đặc biệt còn có cụm doanh nghiệp dệt may thuộc các công ty nước ngoài nổi tiếng với hơn 6.000 lao động của Sunrise Smart Shirts (Hồng Kông), Luentai, YulunTextile (Trung Quốc), Padmac (Đức), Junzhen (Đài Loan)... KCN Dệt may Rạng Đông được đầu tư với mục tiêu xây dựng một KCN dệt may hiện đại nhằm phát triển theo hướng khép kín quá trình sản xuất, tạo chuỗi giá trị gia tăng cao cho ngành dệt may, đưa Nam Định trở thành trung tâm lớn về dệt may của cả nước. Hiện giai đoạn 1 của KCN với diện tích 519,6ha đã được đưa vào khai thác, cung ứng mặt bằng cho 2 nhà đầu tư thứ cấp là Công ty TNHH TOP Textiles và Công ty TNHH Jehong Textiles với tỷ lệ lấp đầy 11% đất KCN; mới đây Tập đoàn Hoa Lợi của Đài Loan đang có nhu cầu đầu tư hơn 340ha tại KCN Dệt may Rạng Đông. Tại KCN Mỹ Thuận hiện đã có Tập đoàn Foxconn đang nghiên cứu, triển khai các bước đầu tư dự án điện, điện tử...
Tỷ lệ lấp đầy ở các CCN các địa phương tương đối cao. Nhiều CCN, nhất là các CCN phục vụ việc di dời, mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp, hộ sản xuất trong làng nghề nông thôn truyền thống thu hút đầu tư đạt hiệu quả khá, tỷ lệ lấp đầy bảo đảm được mục tiêu đề ra như các CCN: Vân Chàng, Đồng Côi, La Xuyên, Xuân Tiến... Theo UBND huyện Nam Trực: địa phương có nhiều làng nghề, nhất là các làng nghề cơ khí phát triển mạnh, vì vậy việc đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác các CCN đã đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của các làng nghề, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong huyện được tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, di dời được sản xuất ra ngoài khu dân cư và hình thành khu vực sản xuất tập trung, ổn định để ổn định phát triển, xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề. Các CCN đã đóng góp vào tăng trưởng sản xuất công nghiệp, nâng cao tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu GDP của huyện, giải quyết vấn đề lao động, việc làm, làm thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng công nghiệp hóa. Đây là một trong những điều quan trọng khi phát triển, quy hoạch CCN mà địa phương nào cũng hướng tới. Tại 2 CCN được thành lập trước khi có Quyết định số 105/2002/NĐ-CP có hiệu lực là Đồng Côi, Vân Chàng (Nam Trực) đến nay tỷ lệ lấp đầy là 100%, thu hút được trên 100 dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, tổng số vốn đăng ký đầu tư khoảng 280 tỷ đồng; tổng số lao động làm việc trong 2 CCN khoảng 1.200 người thu nhập bình quân đầu người từ 5-8 triệu đồng… Bên cạnh đó, các CCN mới đầu tư trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay cũng đạt kết quả thu hút đầu tư tích cực. Tại CCN Xuân Tiến (Xuân Trường) phần mở rộng, đến nay đã có 17 dự án được cho thuê đất với tổng diện tích là 26.469m2, tổng số vốn đăng ký gần 130 tỷ đồng; 8 dự án với diện tích 12.610m2 đang tiến hành các thủ tục đầu tư. Hiện có 2 đơn vị đã hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt thiết bị, đang bắt đầu thực hiện công việc sản xuất kinh doanh với tổng số 40 lao động, còn lại đang trong quá trình đầu tư máy móc, trang thiết bị. Theo UBND huyện Ý Yên, CCN Yên Dương được thành lập theo Quyết định số 1186/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 7-6-2018 với tổng diện tích khoảng 50ha, tổng mức đầu tư 426 tỷ 371 triệu đồng. Đến nay, CCN đã thực hiện đạt 99% tiến độ dự án. Đã có 24 dự án của các nhà đầu tư đến từ Đài Loan, Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án thứ cấp với diện tích là 190.508m2, đạt tỷ lệ 51% diện tích với tổng vốn đầu tư là 963,49 tỷ đồng, tổng vốn đã thực hiện đến nay khoảng 305,98 tỷ đồng; trong đó có 5 doanh nghiệp đã hoàn thành xây dựng, đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho khoảng 200 lao động; các doanh nghiệp còn lại đang trong quá trình lập các thủ tục đầu tư xây dựng.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, việc chủ động xây dựng hạ tầng các khu, CCN giúp đáp ứng quỹ đất công nghiệp cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đầu tư hoạt động ổn định, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động, làm gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu và nguồn thu cho ngân sách địa phương. Đặc biệt, việc chủ động đáp ứng quỹ đất công nghiệp còn là một trong những yếu tố tiên quyết nâng cao sức thu hút, quyết định lựa chọn Nam Định là điểm đến của các nhà đầu tư, trong đó có nhiều nhà đầu tư tiềm năng, quy mô lớn. Riêng năm 2021, kết quả thu hút đầu tư của tỉnh đạt trên 90% mục tiêu về tổng số vốn thu hút đầu tư của cả giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 18-6-2021 của Tỉnh ủy; số vốn đầu tư trong nước gấp trên 4,5 lần của cả giai đoạn 2016-2020, lớn nhất từ trước đến nay. Năm 2022, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, nhất là những tháng đầu năm nhưng tỉnh tiếp tục đạt kết quả khả quan trong thu hút đầu tư với nhiều Tập đoàn, Tổng Công ty lớn trong và ngoài nước quan tâm tìm hiểu, về khảo sát thực tế để chuẩn bị đầu tư vào địa bàn tỉnh.
(Còn nữa)
Bài và ảnh: Thanh Thúy