Nâng cao hiệu quả giám sát của cộng đồng
Dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, từ đầu năm 2020 đến nay, hoạt động giám sát của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tại các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đã góp phần cùng chính quyền cơ sở, cơ quan chức năng phát hiện, ngăn chặn nhiều sai phạm. Tuy nhiên, vẫn rất cần nhân dân vào cuộc mạnh mẽ hơn trong khi các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp tiếp tục tạo điều kiện để nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát này.
Đại diện Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng xã Phú Thị (huyện Gia Lâm) kiểm tra chất lượng một công trình đang thi công (ảnh chụp tháng 6-2020).
Ngăn chặn nhiều vụ việc vi phạm
Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) Bùi Tiến Sơn cho biết, vừa qua, Ban Thanh tra nhân dân xã phát hiện công trình nhà văn hóa thôn 1 xây dựng bằng vật liệu không đúng chủng loại thiết kế. Nhờ đó, xã đã kịp thời vào cuộc xử lý... Tương tự, tại xã Hạ Bằng (huyện Thạch Thất), Ban Thanh tra nhân dân xã đã phát hiện 2 vụ xây dựng trái phép, lấn chiếm đất công và báo cáo chính quyền xử lý dứt điểm.
Tại quận Cầu Giấy, với sự vào cuộc kịp thời của Ban Thanh tra nhân dân phường Mai Dịch, 36 lô đất thuộc dự án tái định cư phường Mai Dịch từng bị chiếm dụng, sử dụng sai mục đích đã được trả lại cho chính quyền. Về vấn đề này, Trưởng ban Thanh tra nhân dân phường Mai Dịch Lê Đình Can chia sẻ: “36 lô đất được trả lại, vừa bảo đảm lợi ích của người dân, vừa giúp chính quyền thực hiện tốt hơn việc quản lý nhà nước”. Đánh giá về hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Chủ tịch UBND phường Mai Dịch Phạm Văn Lợi khẳng định: “Họ thực sự hỗ trợ đắc lực cho chính quyền, được nhân dân tin cậy, góp phần cùng địa phương giải quyết nhiều việc khó”.
Cũng với tinh thần kiên quyết xử lý vi phạm, Ban Thanh tra nhân dân phường Xuân La (quận Tây Hồ) đã phát hiện tại tổ 37, Khu dân cư số 5 có công trình xây dựng không phép với diện tích vi phạm là 185m2. Bà Nguyễn Thị Lan (Khu dân cư số 5, phường Xuân La) chia sẻ: “Nhờ kiến nghị của Ban Thanh tra nhân dân, UBND phường đã cưỡng chế dỡ bỏ công trình vi phạm và tới đây sẽ xây dựng vườn hoa trên khu đất này”.
Trong khi đó, nhờ bám sát địa bàn, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng phường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng) đã kiến nghị UBND phường yêu cầu đơn vị thi công bổ sung, làm lại nhiều hạng mục tại các công trình xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng khu dân cư số 7, số 9. Đến nay các công trình đã được nghiệm thu, đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả trong đời sống.
Những ví dụ trên cho thấy, Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã ngày càng phát huy vai trò, bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân, từ đó góp phần xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng vững mạnh.
Đẩy mạnh hơn nữa sự phối hợp
Một cuộc tọa đàm nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức.
Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Phạm Ngọc Quỳnh cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, các Ban Thanh tra nhân dân đã tổ chức 3.131 cuộc giám sát, phát hiện 534 vụ việc vi phạm, kiến nghị chính quyền các cấp, các cơ quan có thẩm quyền 511 vụ việc, trong đó có 488 vụ việc được giải quyết; kiến nghị thu hồi gần 300m2 đất. Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tham gia giám sát 1.497 công trình, dự án, phát hiện 93 vụ vi phạm, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời 89 vụ. Ngoài ra, Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng còn phối hợp giám sát trên các lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng được 2.309 vụ việc; quản lý đất đai 514 vụ việc...
Để trở thành “kênh” quan trọng trong việc phát huy dân chủ ở cơ sở, hoạt động của các Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng cần được quan tâm nhiều hơn nữa. Theo Trưởng ban Thanh tra nhân dân phường Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm) Phạm Minh Thân, lãnh đạo chính quyền địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi hơn, kịp thời cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho Ban Thanh tra nhân dân thực hiện nhiệm vụ. Còn Trưởng ban Thanh tra nhân dân phường Cổ Nhuế 2 (quận Bắc Từ Liêm) Hoàng Văn Chương cho rằng: “Nhiều lĩnh vực như tài chính, đất đai, công trình xây dựng đòi hỏi phải có hiểu biết chuyên sâu. Để Ban Thanh tra nhân dân làm tốt nhiệm vụ, cần chú trọng tới việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho các thành viên...”.
Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Đàm Văn Huân khẳng định: “Thời gian tới, hoạt động thanh tra nhân dân, giám sát cộng đồng của Mặt trận sẽ tiếp tục dựa vào dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân và cần người dân vào cuộc mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó, mỗi thành viên của hai thiết chế trên phải nêu cao trách nhiệm trước dân, công tâm, nắm vững cơ sở pháp lý về hoạt động giám sát theo quy định của pháp luật để vận dụng phù hợp với thực tiễn”.
Cũng theo ông Đàm Văn Huân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, nhất là ở cơ sở cần tăng cường tham mưu cho cấp ủy cùng cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; đẩy mạnh sự phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận để xử lý nghiêm, kịp thời những vi phạm từ cơ sở, không để tích tụ thành “điểm nóng”. "Để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, bức xúc trong nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã cần chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền trong xử lý các kiến nghị của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng", ông Đàm Văn Huân nói.