Nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội

Thời gian qua, MTTQ tỉnh Bắc Kạn đã nỗ lực trong việc tập trung nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và là một giải pháp quan trọng góp phần đổi mới hoạt động của MTTQ Việt Nam.

Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng giám sát làm đường liên thôn Nà Sliến - Tọt Còn (xã Cao Thượng, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn). Ảnh: Thu Trang.

Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng giám sát làm đường liên thôn Nà Sliến - Tọt Còn (xã Cao Thượng, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn). Ảnh: Thu Trang.

Theo ông Phạm Huy Hoàng - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Kạn, trong năm 2023, MTTQ các cấp đã chủ trì giám sát được 108 cuộc, thông qua hình thức giám sát như: thành lập đoàn đến cơ sở giám sát trực tiếp, giám sát thông qua nghiên cứu văn bản... Qua giám sát, MTTQ các cấp đã có các kiến nghị với các cấp, ngành liên quan và các đối tượng giám sát quan tâm chỉ đạo, xem xét, giải quyết những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, bất cập để tháo gỡ kịp thời.

Cùng với đó, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng từng bước nâng cao chất lượng. Trong năm, Ban Thanh tra nhân dân giám sát được 187 cuộc, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng giám sát được 323 cuộc về các chế độ, chính sách đối với người nghèo... các công trình xây dựng cơ bản đang thi công tại các địa phương. Qua giám sát, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã phát hiện ra một số thiếu sót, kiến nghị với chủ đầu tư, nhà thầu thi công công trình và được khắc phục, sửa chữa. Thêm vào đó, MTTQ tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức các cuộc khảo sát, nhân rộng mô hình “Giám sát của cộng đồng” tại 8 xã theo lộ trình đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao năm 2023-2024, kết hợp tổ chức cho đại diện các hộ gia đình trong thôn ký kết thực hiện mô hình đạt hiệu quả.

Bên cạnh đẩy mạnh giám sát, công tác phản biện xã hội cũng được MTTQ tỉnh Bắc Kạn chú trọng thực hiện. Năm qua, MTTQ các cấp trong tỉnh đã tổ chức 33 hội nghị, hội thảo phản biện xã hội vào các dự thảo Đề án; nổi bật là phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức được 2.825 hội nghị, hội thảo lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại các thôn, tổ dân phố với hơn 50.000 lượt cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và nhân dân tham dự. Nhiều ý kiến tham gia góp ý cụ thể vào các điều khoản của dự thảo Luật, góp phần hoàn thiện các cơ chế, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tại địa phương.

Đặc biệt, MTTQ các cấp tỉnh Bắc Kạn đã tham gia góp ý, phản biện xã hội bằng hình thức gửi văn bản vào 166 dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, kế hoạch, đề án, chủ trương, chính sách pháp luật theo đề nghị của UBTƯ MTTQ Việt Nam, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn, các sở, ban, ngành của tỉnh gửi đến; qua đó đã phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa phù hợp với thực tế. Sau khi tổ chức góp ý, phản biện xã hội, MTTQ các cấp tỉnh đã tổng hợp gửi các ý kiến đến các cơ quan, đơn vị soạn thảo và đề nghị xem xét tiếp thu, giải trình. Các ý kiến góp ý, phản biện xã hội của Mặt trận đã được cơ quan soạn thảo tiếp thu, giải trình.

“Thông qua hoạt động giám sát và phản biện xã hội, chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân ngày càng được thể hiện rõ nét, góp phần quan trọng vào đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Bên cạnh đó, hoạt động này cũng góp phần thúc đẩy thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội” - ông Hoàng cho biết.

Trung Quân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nang-cao-hieu-qua-giam-sat-phan-bien-xa-hoi-10282802.html