Nâng cao hiệu quả hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất ở Triệu Phong
Để nâng cao hiệu quả của hệ thống các công trình thủy lợi nói chung và hệ thống kênh mương nội đồng nói riêng, huyện Triệu Phong tập trung chỉ đạo ngành chức năng, huy động nhân dân các địa phương ra quân làm thủy lợi, gia cố, nạo vét để khơi thông dòng chảy các tuyến kênh. Qua đó, đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời và tránh thất thoát nước trong vụ sản xuất đông xuân 2019 - 2020.
Tuyến kênh N1A1 đoạn qua địa phận xã Triệu Đông và xã Triệu Tài dài hơn 4,7 km, phục vụ tưới tiêu cho diện tích lúa, hoa màu của các địa phương. Do nằm trong khu dân cư nên tuyến kênh này bị nhiều rác thải ùn ứ, bồi lấp dẫn đến cản trở dòng chảy. Để khơi thông dòng chảy, hơn 150 người là thành viên các hợp tác xã (HTX) và cán bộ, công nhân viên Công ty TNHH MTV Nam Thạch Hãn đã tiến hành nạo vét đất cát, vớt rác thải bồi lấp, phát quang và dọn sạch các vật cản trong lòng kênh; tu sửa lại các điểm sạt lở trong lòng kênh và các điểm mở nước.
Ông Lê Mậu Hoài, Giám đốc HTX SXKD DV nông nghiệp Bích La, xã Triệu Đông cho biết: “Tổng diện tích gieo cấy của HTX trong vụ đông xuân 2019 - 2020 là 162,5 ha. Hiện nay, chúng tôi đã chuẩn bị các điều kiện phục vụ sản xuất vụ đông xuân. Theo dự báo thời tiết, năm nay tiếp tục là một năm hạn hán nên công tác thủy lợi hết sức quan trọng. Kênh N1A1 đi qua địa bàn HTX Bích La đảm bảo tưới tiêu cho 35 ha, hiện đang xuống cấp. Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện trong việc tổ chức ra quân làm thủy lợi chuẩn bị cho vụ sản xuất, HTX đã vận động thành viên HTX, người dân chung tay ra quân nạo vét kênh mương, khơi thông các dòng chảy, đảm bảo cho việc tưới tiêu đạt hiệu quả tốt nhất”.
Vụ đông xuân năm nay, xã Triệu Độ tiến hành gieo cấy với tổng diện tích trên 500 ha. Là một trong những địa phương nằm cuối kênh tưới của hệ thống Nam Thạch Hãn, những phương án để đảm bảo tưới tiêu cho vụ này được xã chuẩn bị chu đáo. Nguồn nước tưới cho lúa và hoa màu chủ yếu từ được khai thác từ đầm eo Phan Xá, đầm Quy Hà và hệ thống kênh Nam Thạch Hãn. Hiện các hồ, đầm ở đây đã triển khai gia cố và dự trữ nước, 4 trạm bơm điện và 7 trạm bơm lẻ cũng đã sẵn sàng. Địa phương cũng đã chỉ đạo các HTX nạo vét kênh mương để giữ nước và có kế hoạch điều phối nước hợp lí, chống thất thoát, đảm bảo đủ nước cho vụ sản xuất.
Toàn huyện Triệu Phong hiện có 55 công trình thủy lợi (trong đó có 4 hồ chứa gồm: Triệu Thượng 1, Triệu Thượng 2, Ái Tử và Bà Huyện), công trình thủy nông Nam Thạch Hãn, 50 trạm bơm điện có công suất từ 18 - 33 kW; tổng chiều dài kênh mương phục vụ tưới trên 539,1 km, trong đó kênh cấp I 5 km, kênh cấp II 138,1 km, kênh cấp III 396 km; tỉ lệ kênh mương kiên cố hóa đạt trên 55%. Riêng hệ thống kênh N1 phục vụ việc tưới cho hầu hết các địa phương với diện tích hơn 5.000 ha/vụ. Theo dự báo, năm nay tình hình hạn hán và xâm nhập mặn tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, nguy cơ thiếu nước tưới là rất có thể xảy ra.
Thực hiện tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND huyện Triệu Phong đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương, HTX phối hợp với Xí nghiệp thủy nông Nam Thạch Hãn và Xí nghiệp thủy nông Gio Cam Hà chủ động xây dựng các phương án tưới tiêu, đặc biệt tăng cường các biện pháp tưới tiết kiệm; giao chỉ tiêu cụ thể cho các địa phương, các HTX, huy động sức dân tổ chức ra quân làm thủy lợi để khơi thông dòng chảy, tu sửa, nạo vét kênh mương, các cửa dẫn nước đảm bảo chuyển nước tốt nhất; duy trì, bảo dưỡng tốt các trạm bơm, máy móc thiết bị, các dụng cụ gàu, guồng, nhân công, vật tư, nhiên liệu… để sẵn sàng bơm tưới; chuẩn bị các loại máy bơm dự phòng để sẵn sàng bơm hỗ trợ tưới, chủ động chống hạn bằng mọi biện pháp. Các địa phương thường xảy ra tình trạng khô hạn, nằm cuối kênh tưới của hệ thống Nam Thạch Hãn như Triệu Độ, Triệu Đại, Triệu Phước, Triệu Giang và Triệu Thượng... phải chủ động triển khai các phương án chống hạn, tiến hành đắp đập, be bờ giữ nước; kiểm tra và duy tu bảo dưỡng toàn bộ hệ thống trạm bơm điện, bơm dầu và nạo vét hệ thống kênh mương nội đồng.
Vụ đông xuân 2019 - 2020 huyện Triệu Phong dự kiến gieo trồng khoảng 9.783 ha cây trồng các loại, trong đó cây lúa thực hiện trên 5.930 ha, cơ cấu các giống lúa chất lượng cao như HN6, Thiên Ưu 8, Khang Dân, NA2, TBR279… trên 80%; năng suất bình quân phấn đấu đạt 58,5 tạ/ha. Diện tích ngô, sắn, khoai lang, lạc khoảng 1.960 ha, còn lại là rau đậu các loại. Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, để chủ động việc tưới tiêu, bên cạnh các hệ thống tưới chính, các đơn vị, địa phương cũng đã tiến hành lắp đặt và vận hành hàng chục trạm bơm dã chiến, hàng trăm máy bơm điện gia đình để tăng cường bơm nước từ hệ thống kênh, hồ tưới, tận dụng tối đa nguồn nước tự nhiên tưới cho lúa khi tình trạng hạn hán xảy ra. Xí nghiệp thủy nông Nam Thạch Hãn và Xí nghiệp thủy nông Gio Cam Hà cũng đã lên phương án cụ thể trong việc điều tiết nước và sẵn sàng chống hạn. Các HTX thống nhất tưới tiết kiệm, chống hao hụt, hạn chế nước về các kênh tiêu; tập trung be bờ, khơi thông dòng chảy để kịp thời bơm khi có hạn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong Phan Quang Giải cho biết: “Hiện nay, các đơn vị, địa phương, HTX trên địa bàn đã và đang tích cực huy động nhân dân tham gia nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, tu sửa các công trình thủy lợi để tích nước, vệ sinh đồng ruộng…phục vụ cho vụ đông xuân 2019 - 2020. Riêng 3 hồ phía bắc sông Thạch Hãn là Triệu Thượng 1, Triệu Thượng 2 và Ái Tử mực nước tích trong hồ đến thời điểm này đạt khoảng 90%, khả năng tưới tiết kiệm sẽ đảm bảo nước cho cả 2 vụ. Huyện cũng đã hỗ trợ kinh phí, vật lực cho các đơn vị, địa phương khắc phục diện tích lúa bị ngập úng đầu vụ và chống hạn kịp thời. Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn quản lí, vận hành và điều tiết hợp lí các công trình thủy lợi theo từng giai đoạn phù hợp với yêu cầu của cây trồng, tăng cường kiểm tra để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình thủy lợi. Huy động đóng góp của người dân và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư sửa chữa, nâng cấp, nạo vét các hệ thống tưới tiêu do địa phương quản lí góp phần giảm thiểu tổn thất nước, tăng thời gian tưới và tạo nguồn hỗ trợ bơm, tát chống hạn. Vận động nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm giảm thiểu thiệt hại do hạn hán gây ra. Áp dụng biện pháp tưới luân phiên, ướt khô xen kẽ, phân loại diện tích và các loại cây trồng để có thứ tự ưu tiên cấp nước tưới, rút ngắn thời gian các đợt tưới ưu tiên đủ nước cho giai đoạn gieo sạ và trổ đòng đối với lúa. Đảm bảo sản xuất với diện tích gieo trồng không vượt quá năng lực tưới từ nguồn địa phương và hợp đồng với các xí nghiệp thủy nông trên địa bàn”.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=144820