Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông

Những năm qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, ngày càng nhiều mô hình sản xuất mới được áp dụng và nhân rộng ở các địa phương. Trong thành quả chung của ngành Nông nghiệp có vai trò quan trọng của hệ thống Khuyến nông, nhất là trong xây dựng các mô hình, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất.

Tham quan mô hình kinh tế tuần hoàn nuôi giun trùn quế tại xã Giao Phong (Giao Thủy).

Tham quan mô hình kinh tế tuần hoàn nuôi giun trùn quế tại xã Giao Phong (Giao Thủy).

Bám sát nhu cầu phát triển sản xuất trong tỉnh, Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã đẩy mạnh công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; gắn các nội dung xây dựng mô hình với tập huấn kỹ thuật. Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông đã tổ chức 11 lớp tập huấn về nuôi thủy sản tại các huyện Vụ Bản, Ý Yên, Trực Ninh, Hải Hậu, Giao Thủy và thành phố Nam Định; 1 lớp tập huấn ToT (đào tạo lực lượng tập huấn viên) về “kỹ thuật sản xuất nông nghiệp hữu cơ tiếp cận kinh tế tuần hoàn” từ nguồn kinh phí Khuyến nông Trung ương; 2 lớp tập huấn đào tạo ngoài mô hình cho 60 cán bộ khuyến nông cơ sở, cộng tác viên khuyến nông, nông dân, chủ trang trại về kỹ thuật chăn nuôi lợn, gà theo hướng chăn nuôi hữu cơ. Qua đó, giúp nông dân từng bước thay đổi tập quán canh tác truyền thống sang áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và thu nhập, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với quy hoạch và đặc điểm sản xuất từng vùng sinh thái của địa phương.

Ngày 08/3/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 318/QĐ-TTg về Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) và xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025, trong đó tiêu chí thành phần 13.5 quy định xã đạt chuẩn NTM phải có “tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả”. Đến thời điểm hiện tại, các xã, thị trấn trong tỉnh đã thành lập tổ khuyến nông cộng đồng. Từ khi thành lập, lực lượng này đã thực hiện tốt nhu cầu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại các địa phương như: tư vấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ; tư vấn hỗ trợ hình thành hợp tác xã nông nghiệp; phát triển thị trường, liên kết sản xuất; tư vấn, hướng dẫn chuyển đổi số trong các hợp tác xã, tổ hợp tác, người nông dân... Đồng chí Nguyễn Văn Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Mô hình tổ khuyến nông cộng đồng là một hướng đi mới để kết nối hệ thống khuyến nông với cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp nhằm hỗ trợ người dân tốt hơn trong việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, các giải pháp hữu ích vào sản xuất, giúp cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; đồng thời góp sức thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM ở các địa phương. Để nâng cao năng lực hệ thống khuyến nông thông qua xây dựng tổ khuyến nông cộng đồng, cuối tháng 8/2024, Trung tâm đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức lớp “Tập huấn nhân rộng mô hình tổ khuyến nông cộng đồng” cho các học viên là cán bộ của Trung tâm và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố trong tỉnh. Tại lớp tập huấn, các học viên được phổ biến, chuyển tải mục tiêu, nhiệm vụ của tổ khuyến nông cộng đồng trong xây dựng NTM nhằm phát triển nâng cao kiến thức, nắm bắt chủ trương của Đảng, Nhà nước, định hướng của ngành Nông nghiệp về chuyển đổi số… Từ đó từng bước củng cố, kiện toàn hệ thống khuyến nông cơ sở theo mô hình tổ khuyến nông cộng đồng phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương; tạo điều kiện cho các tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của nông dân, trở thành lực lượng chủ lực của ngành Nông nghiệp ở cơ sở.

Thực tế sản xuất trên địa bàn tỉnh cho thấy, ngày càng nhiều mô hình sản xuất được triển khai hiệu quả từ mô hình khuyến nông. Điển hình là Trung tâm Khuyến nông đã thực hiện khảo nghiệm tập đoàn giống lúa tại thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng) và xã Minh Tân (Vụ Bản); đã lựa chọn một số giống có năng suất, chất lượng cao và có khả năng chống chịu tốt như VNR20, LP5, TT900… nhằm giúp cho các địa phương lựa chọn, bổ sung vào cơ cấu giống, thay thế dần các giống lúa cũ năng suất, chất lượng và sức chống chịu kém hơn. Trong lĩnh vực chăn nuôi, đã thực hiện nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn dịch bệnh như: mô hình chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ tại xã Hải An (Hải Hậu); mô hình xây dựng nguyên liệu chuỗi thịt lợn an toàn tại các xã Xuân Thượng, Xuân Giang (Xuân Trường) và Hải Sơn, Hải Giang (Hải Hậu). Ở lĩnh vực thủy sản, Trung tâm đã phối hợp thực hiện một số mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao, thân thiện với môi trường như: mô hình nuôi tôm công nghiệp quy mô nhỏ liên kết hợp tác theo chuỗi giá trị; mô hình nuôi cá trê trong ao tại xã Giao Thịnh (Giao Thủy); mô hình nuôi cá trắm đen bằng thức ăn công nghiệp tại huyện Nam Trực…

Có thể nói, các mô hình khuyến nông được chấp nhận và nhân rộng thời gian qua đã thúc đẩy nông dân hiện đại hóa sản xuất, cũng như nâng cao nhận thức và hành động trong sản xuất theo hướng an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và bảo vệ môi trường. Thúc đẩy đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo điều kiện cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân. Đồng thời góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng NTM. Phát huy các kết quả đã đạt được và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác khuyến nông, thời gian tới, hệ thống khuyến nông tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung hoạt động theo sự phát triển của khoa học công nghệ và các yêu cầu của thực tiễn. Quan tâm xây dựng các mô hình khuyến nông theo chuỗi giá trị, theo vùng chuyên canh và vùng nguyên liệu. Thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn của thị trường. Hỗ trợ nông dân xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, nông nghiệp xanh gắn với bảo vệ môi trường như nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ... nhằm phát triển ngành Nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, đảm bảo chất lượng, hội nhập quốc tế theo chiều sâu và nâng cao thu nhập cho nông dân.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202409/nang-cao-hieu-qua-hoat-dong-cong-tac-khuyen-nong-d864702/