Nâng cao hiệu quả hoạt động của đoàn thể ở địa bàn dân cư - Bài cuối: Xây dựng 'ngôi nhà' tập hợp đoàn viên, hội viên vững chắc

Để nâng cao hiệu quả hoạt động, chi đoàn, chi hội, tổ hội ở địa bàn dân cư trong tỉnh Kiên Giang cần có các mô hình hoạt động hiệu quả và cán bộ am hiểu công tác đoàn thể, tâm huyết, trách nhiệm để làm chuyển biến chất lượng sinh hoạt, hoạt động.

● Nâng cao hiệu quả hoạt động của đoàn thể ở địa bàn dân cư - Bài 1: Thiếu sức hút với đoàn viên, hội viên

● Nâng cao hiệu quả hoạt động của đoàn thể ở địa bàn dân cư - Bài 2: Đổi mới phương thức tập hợp đoàn viên, hội viên

ĐƯA SINH HOẠT VÀO NỀ NẾP

Nói đến sinh hoạt của các chi đoàn, chi hội ở địa bàn dân cư của tỉnh Kiên Giang, phải khẳng định sinh hoạt của chi hội cựu chiến binh rất đều đặn, nề nếp. Theo đồng chí Quách Hoàng Thành - Trưởng Phòng Tổ chức - chính sách - kiểm tra, Hội Cựu chiến binh tỉnh Kiên Giang, tỉnh có 984 chi hội cựu chiến binh với trên 23.600 hội viên. Số chi hội sinh hoạt 1 lần/tháng đạt 70% với tỷ lệ hội viên tham gia 65-75%, có những nơi tỷ lệ hội viên tham gia đạt 80-99%. Đối với các chi hội địa bàn xã đảo, biên giới sinh hoạt 3 tháng/lần hoặc 2 tháng/lần, tỷ lệ đạt 65-70% hội viên tham gia.

Đồng chí Quách Hoàng Thành cho biết để có kết quả này, các cấp hội tập trung tuyên truyền, giáo dục cán bộ, hội viên giữ gìn và phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ. Với nề nếp kỷ luật của người lính dù đã trở về địa phương, các hội viên luôn giữ gìn ý thức sinh hoạt chi hội đúng quy định. Hội cựu chiến binh các cấp đẩy mạnh phong trào thi đua cựu chiến binh gương mẫu, cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, nâng cao đời sống, tham gia chương trình kinh tế - xã hội ở địa phương…

Hội Cựu chiến binh phường Vĩnh Hiệp, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) duy trì sinh hoạt đều đặn vào chiều ngày 3 hoặc ngày 4 hàng tháng. Đồng chí Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Vĩnh Hiệp giải thích sau sinh hoạt chi bộ vào sáng ngày 3, chi hội tổ chức sinh hoạt để các chi hội trưởng nắm chủ trương của chi bộ, qua đó triển khai đến hội viên đầy đủ các công việc liên quan.

Đồng chí Hoàng Xuân Khánh - Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh khu phố Vĩnh Viễn, phường Vĩnh Hiệp cho biết: “Chi hội có 24 hội viên, có 2 hội viên đi làm xa, hàng tháng chi hội sinh hoạt với tỷ lệ hội viên từ 85-90%. Cùng với hội cấp trên, chi hội phát động hội viên tự lực, tự cường phát triển kinh tế. Chi hội xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế đáng chú ý như vườn ao chuồng, trồng rau an toàn và góp vốn giúp nhau làm kinh tế thu hút sự quan tâm của hội viên”.

TIN TƯỞNG VÀ THAM GIA

Nhằm phát huy vai trò của các cấp hội trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) triển khai thực hiện mô hình quỹ hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, thoát nghèo vào tháng 10-2021.

Đồng chí Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Vĩnh Hiệp, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) gương mẫu phát triển kinh tế để tạo động lực thúc đẩy hội viên vươn lên làm giàu chính đáng và hăng hái tham gia hoạt động hội.

Đồng chí Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Vĩnh Hiệp, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) gương mẫu phát triển kinh tế để tạo động lực thúc đẩy hội viên vươn lên làm giàu chính đáng và hăng hái tham gia hoạt động hội.

Đồng chí Lê Thị Sang - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) cho biết từ việc tiết kiệm nguồn quỹ hội và tranh thủ vận động, kêu gọi nguồn xã hội hóa từ nhà hảo tâm và các tổ chức, cá nhân, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tiết kiệm xây dựng quỹ hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, thoát nghèo được 60 triệu đồng, hỗ trợ 12 hội viên, phụ nữ khó khăn với số tiền 5 triệu đồng/người trong 12 tháng không tính lãi suất. Qua thời gian triển khai các mô hình duy trì hiệu quả, có lợi nhuận, góp phần tăng thu nhập, hỗ trợ chi phí sinh hoạt, ổn định cuộc sống gia đình cho phụ nữ. Sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tạo sự đoàn kết, thống nhất trong hội viên, hội viên tin tưởng và tham gia tích cực các phong trào do hội phát động.

Vui mừng khi nhận được nguồn vốn 5 triệu đồng từ quỹ hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, thoát nghèo của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, bà Phạm Thị Nhiều, ngụ ấp Minh Cường, xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng đầu tư mua con giống, làm chuồng trại để nuôi gà thả vườn. Sau hơn 5 tháng chăm sóc, bà Nhiều xuất chuồng được lứa gà đầu tiên với gần 70 con. Từ thu nhập đó, bà tiếp tục làm thêm chuồng trại, mở rộng quy mô chăn nuôi để tăng thêm thu nhập.

Chị Nguyễn Thị Phượng, cùng ngụ ấp Minh Cường chia sẻ niềm vui khi vụ hoa màu vừa trúng mùa lại được giá. Sau khi tiếp cận được nguồn vốn từ quỹ hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, thoát nghèo, chị sử dụng số tiền hỗ trợ mua hạt giống và lên liếp đất ruộng để chuyển qua trồng hoa màu. Từ 3 công hoa màu, nhờ thu hoạch liên tục nên thu nhập hàng ngày của chị từ vài trăm ngàn đồng đến 1 triệu đồng. Hay bà Trần Thị Quan - hộ nghèo ấp Minh Cường được hỗ trợ vốn để nuôi vịt, bước đầu giúp bà có thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình.

CHỖ DỰA TINH THẦN

Bằng sự quyết liệt của cấp ủy, các đoàn thể chính trị - xã hội trong thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TU, ngày 1-8-2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang về tăng cường công tác quản lý đoàn viên, hội viên; củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của các chi đoàn, chi hội, tổ hội ở địa bàn dân cư, năm 2021, dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, toàn tỉnh phát triển mới 49.584 đoàn viên, hội viên.

Năm 2021, qua sơ kết thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TU, đồng chí Mai Văn Huỳnh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang yêu cầu Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tiếp tục quán triệt thực hiện tốt Chỉ thị số 11-CT/TU phù hợp với đối tượng, tổ chức đoàn thể. Tăng cường hơn nữa công tác quản lý đoàn viên, hội viên và nâng chất lượng hoạt động của chi đoàn, chi hội, tổ hội ở địa bàn dân cư, các doanh nghiệp ngoài khu vực kinh tế nhà nước.

Các đoàn thể chính trị - xã hội phát huy vai trò là chỗ dựa tinh thần cho đoàn viên, hội viên. Cán bộ đoàn thể bằng nhiều hình thức phải sâu sát với đoàn viên, hội viên; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và chia sẻ với đoàn viên, hội viên; phản ánh đúng, kịp thời và bảo vệ yêu cầu, kiến nghị chính đáng của đoàn viên, hội viên.

Là đầu mối, nhịp cầu hỗ trợ, tư vấn tạo việc làm, tăng thu nhập cho đoàn viên, hội viên, các đoàn thể chính trị - xã hội xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh hoặc liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh để tạo việc làm ổn định cho đoàn viên, hội viên. Có như vậy, đoàn viên, hội viên thấy được lợi ích thiết thực của đoàn thể và tự nguyện, tha thiết tham gia sinh hoạt.

Bài và ảnh: HOÀNG THU

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//phong-su-ghi-chep/nang-cao-hieu-qua-hoat-dong-cua-doan-the-o-dia-ban-dan-cu-bai-cuoi-xay-dung-ngoi-nha-tap-hop-doan-vien-hoi-vien-vung-chac-9387.html