Nâng cao hiệu quả hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập
Nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, thời gian qua, trên cơ sở các quy định hiện hành, tỉnh đã tiến hành tinh gọn những đơn vị không đáp ứng yêu cầu, hoạt động kém hiệu quả; giải thể đơn vị không còn phù hợp; giảm mạnh số đơn vị và đầu mối trực thuộc.
Tổ chức lại nhiều đơn vị sự nghiệp công lập
Giai đoạn 2018 - 2023, tỉnh đã giải thể Ban Quản lý (BQL) Khu du lịch bán đảo Cam Ranh, 2 trung tâm dịch vụ - thương mại ở 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, Tạp chí Văn hóa - Thể thao và Du lịch; sáp nhập BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp vào BQL Dự án phát triển tỉnh; thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trên cơ sở sáp nhập, tổ chức lại 5 đơn vị thuộc hệ dự phòng tuyến tỉnh; tổ chức lại các trung tâm y tế cấp huyện trên cơ sở sáp nhập thêm trung tâm dân số - kế hoạch hóa gia đình cấp huyện. Tỉnh cũng thành lập Bệnh viện Đa khoa Yersin Nha Trang, trực thuộc Sở Y tế; tiếp nhận Bệnh viện Giao thông vận tải thuộc Cục Y tế (Bộ Giao thông vận tải) vào Bệnh viện Ung bướu tỉnh, trực thuộc Sở Y tế; tổ chức lại BQL Dự án giao thông nông thôn thành BQL Bảo trì công trình giao thông, trực thuộc Sở Giao thông vận tải.
Ở lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Trường Bổ túc Trung học Nha Trang 2, Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp Khánh Hòa, Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Hướng nghiệp Nha Trang được hợp nhất thành Trung tâm Giáo dục thường xuyên Nha Trang, trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo. Năm học 2023 - 2024, Trường Trung cấp Nghề Cam Ranh hợp nhất với Trường Trung cấp Nghề Cam Lâm thành Trường Trung cấp Du lịch - Kỹ thuật Cam Ranh. Các trường trung cấp nghề ở các huyện: Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Cam Lâm, Vạn Ninh, Diên Khánh được tổ chức lại... Tỉnh cũng hướng tới sáp nhập các trường trung cấp vào trường cao đẳng; sáp nhập các trường cao đẳng công lập cùng địa bàn có đa số ngành, nghề đào tạo trùng nhau; phấn đấu chỉ còn 1 đầu mối đào tạo nghề công lập trên địa bàn tỉnh.
Một số lĩnh vực khác cũng được rà soát, sắp xếp cho phù hợp hơn. Trong đó, Trung tâm Văn hóa tỉnh và Trung tâm Điện ảnh tỉnh được hợp nhất thành Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, thuộc Sở Văn hóa và Thể thao. Các thư viện cấp huyện được củng cố. Các trung tâm văn hóa và thể thao cấp huyện sáp nhập với các đài truyền thanh - truyền hình cấp huyện thành các trung tâm văn hóa - thông tin và thể thao cấp huyện. Các văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện hợp nhất với văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh thành Văn phòng Đăng ký đất đai Khánh Hòa. Trung tâm Dịch vụ và Thương mại, BQL Công trình công cộng và Môi trường trực thuộc UBND huyện Khánh Sơn được giải thể. 2 trung tâm trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ đã sắp xếp phù hợp nên được giữ nguyên…
Năm 2015, toàn tỉnh có 683 đơn vị sự nghiệp công lập; đến năm 2022 giảm 68 đơn vị và hết năm 2023 giảm tiếp 24 đơn vị, còn 591 đơn vị.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từ năm 2016 đến nay, đội ngũ viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập được tham gia nhiều chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Riêng về đào tạo lý luận chính trị, toàn tỉnh có gần 400 lượt người được đào tạo trình độ cao cấp; hơn 3.500 lượt người được đào tạo trung cấp; hơn 500 lượt người được đào tạo sơ cấp; bồi dưỡng cho 2.500 lượt người. Về đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, hơn 80 lượt người được đào tạo tiến sĩ và chuyên khoa II; thạc sĩ và chuyên khoa I có 868 lượt; cao đẳng, đại học gần 2.000 lượt. Cùng với đó, hơn 3.000 lượt người được bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính, chuyên viên, cán sự; hơn 20.000 lượt người được bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp; gần 1.000 lượt người được bồi dưỡng chức vụ, quản lý; gần 15.000 lượt người được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành; gần 11.000 lượt người được bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học…
Bên cạnh đó, tỉnh còn có chế độ thu hút người có trình độ cao về công tác tại tỉnh; xây dựng nguồn cán bộ quy hoạch dự bị dài hạn. Giai đoạn 2017 - 2023, tỉnh đã thực hiện chế độ thu hút đối với hơn 160 trường hợp. UBND tỉnh cũng phê duyệt tạm thời danh mục vị trí việc làm của 100% đơn vị sự nghiệp đảm bảo chi thường xuyên và tự đảm bảo một phần chi thường xuyên. Một số ngành cũng có kế hoạch phát triển nhân lực riêng.
Đến hết năm 2023, toàn tỉnh giảm 92 đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015, bằng 13,4%; còn 591 đơn vị. Từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh giảm 2.335 chỉ tiêu biên chế viên chức, đạt 10%; cả giai đoạn 2015 - 2022, giảm 4.785 chỉ tiêu, bằng 18,55%.
Ông Võ Chí Vương - Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, thời gian qua, việc đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng các mục tiêu Nghị quyết số 19, ngày 25-10-2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; bám sát chủ trương, định hướng của Trung ương và chỉ đạo của Tỉnh ủy, tuân thủ đúng các quy định hiện hành. So với năm 2015, đến nay, số đơn vị sự nghiệp và các đầu mối trực thuộc đã giảm mạnh; khắc phục tình trạng manh mún, trùng lắp; bảo đảm quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo lộ trình, đến năm 2026, tỉnh sẽ tiếp tục giảm hơn 10% số đơn vị sự nghiệp so với năm 2021; tinh giản 10% biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước giai đoạn 2022 - 2025.
NGUYỄN VŨ