Nâng cao hiệu quả hoạt động, tối ưu hóa nguồn lực cơ sở giáo dục đại học

Dù đã được quy định trong Luật, nhưng trong thực tiễn triển khai, việc tổ chức và hoạt động của các mô hình cơ sở giáo dục đại học cũng nảy sinh một số vướng mắc, bất cập.

Trao quyền tự chủ cao hơn cho hai Đại học Quốc gia

Phát biểu khai mạc hội thảo "Về Mô hình tổ chức, hoạt động của các đại học ở Việt Nam" do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp tổ chức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, việc xây dựng và phát triển mô hình cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực là xu thế vận động chung của giáo dục đại học thế giới nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về đào tạo nhân lực trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động trước tác động của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa phát biểu khai mạc Hội thảo

Phó Chủ nhiệm Ủy ban ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa phát biểu khai mạc Hội thảo

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thị Mai Hoa, mô hình cơ sở giáo dục đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân ở Việt Nam được quy định khá rõ trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018 (Luật số 34/2018/QH14), nhưng trong thực tiễn triển khai thi hành, việc tổ chức và hoạt động của mô hình cơ sở giáo dục đại học cũng nảy sinh một số vướng mắc, bất cập, cần được quan tâm, làm rõ để tạo sự thống nhất từ nhận thức tới thực tiễn...

Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân cho biết, sau gần 30 năm thành lập, cơ bản mô hình tổ chức, hoạt động Đại học Quốc gia Hà Nội đi vào ổn định. Các quy định, quy chế cũng như các vấn đề quản trị nội bộ đang được phát huy tốt. Tuy nhiên, một số khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các điều kiện tự chủ của Đại học Quốc gia Hà Nội như: Việc triển khai mô hình hội đồng các trường đại học thành viên; việc phân định mức độ tự chủ của các trường đại học thành viên trong bức tranh tự chủ chung của Đại học Quốc gia Hà Nội... Về cơ chế chính sách và các quy định khác của pháp luật, có các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các mục tiêu, kế hoạch phát triển theo từng giai đoạn đối với các dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc; các quyền tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự vẫn chưa được thể chế hóa theo luật định....

Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân phát biểu chào mừng Hội thảo

Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân phát biểu chào mừng Hội thảo

Đại học Quốc gia Hà Nội kiến nghị được Chính phủ trao các quyền tự chủ cao hơn cho hai Đại học Quốc gia trong các văn bản Nghị định và Quy chế mới thay thế Nghị định 186/2013/NĐ-CP ngày 17.11.2013 của Chính phủ về Đại học Quốc gia và Quyết định số 26/2014/QĐ-TTg ngày 26.3.2014 của Thủ tướng ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Đại học Quốc gia và các cơ sở giáo dục đại học thành viên.

Theo Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Minh Tâm, trong quá trình triển khai, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cũng có một số điểm vướng, khó khăn hạn chế, do tính đồng bộ của các luật, thông tư liên quan quá trình triển khai tự chủ của các trường chưa bảo đảm tính đồng bộ; việc chậm ban hành Nghị định về Đại học Quốc gia và Quy chế tổ chức và hoạt động của Đại học Quốc gia và các cơ sở giáo dục thành viên ảnh hưởng rất lớn đến quá trình thực hiện tự chủ đại học tại Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh...

Chủ tịch Hội đồng Đại học Huế Huỳnh Văn Chương kiến nghị, mô hình đại học quốc gia, đại học vùng cần có cơ chế quản lý, quản trị và tự chủ đại học “rất đặc thù” phù hợp với mô hình đại học hai cấp trong giai đoạn hiện nay. Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định riêng hướng dẫn về tự chủ giáo dục đại học, không đánh đồng tự chủ đại học nói chung với tự chủ đại học hai cấp với tự túc nguồn lực về tài chính.
Trong khi đó, GS. TS. Từ Quang Hiền, nguyên Giám đốc Đại học Thái Nguyên góp ý: Cần tăng quyền tự chủ cho các đại học quốc gia, đại học vùng nhưng không “cắt xén” quyền hạn của trường đại học thành viên...
Đẩy mạnh tự chủ gắn với trách nhiệm xã hội

Tham gia góp ý tại hội thảo, PGS.TS. Phan Thanh Bình - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Khóa XIV cho rằng, mô hình đại học là mô hình hoạt động của cơ sở giáo dục đại học, không phân biệt loại đại học. Do đó, cần nhìn nhận dựa trên trách nhiệm của đại học đối với quá khứ, tương lai của đất nước để vượt qua “rào cản” của vị thế, vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn.

PGS.TS. Phan Thanh Bình - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Khóa XIV phát biểu tại hội thảo

PGS.TS. Phan Thanh Bình - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Khóa XIV phát biểu tại hội thảo

GS. VS. Đào Trọng Thi - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Khóa XIII cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, xu hướng đa ngành đa lĩnh vực phải tiếp tục phát triển; đẩy mạnh đào tạo chất lượng cao, trình độ cao; tăng cường quyền tự chủ cho các đại học quốc gia, đại học, trường đại học theo tinh thần của Luật Giáo dục đại học. Cần tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục đại học phát triển có đủ điều kiện để sẵn sàng hoàn thành các yêu cầu nhiệm vụ.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho rằng, mô hình tổ chức, hoạt động phải bảo đảm hiệu quả, tính cạnh tranh của đại học

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho rằng, mô hình tổ chức, hoạt động phải bảo đảm hiệu quả, tính cạnh tranh của đại học

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, trong 10 - 20 năm trở lại đây, tự chủ trong giáo dục đại học nổi lên như chủ đề, chủ trương quan trọng. Tuy bàn về chủ đề hẹp hơn là mô hình tổ chức, hoạt động của các đại học, nhưng cũng cần tập trung làm rõ mô hình tổ chức nào để nâng cao hiệu quả hoạt động, tối ưu hóa nguồn lực, bảo đảm tính cạnh tranh của đại học. Các đại học đa ngành, đa lĩnh vực, mô hình tổ chức, phân chia quyền ra sao cũng để mang lại lợi ích tốt nhất cho các bên, cả giảng viên sinh viên, và xã hội. Cần xây dựng mô hình thực hiện quyền tự chủ gắn với trách nhiệm xã hội.

Toàn cành hội thảo

Toàn cành hội thảo

Phát biểu kết thúc hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, các ý kiến tại hội thảo nhìn từ góc độ lý luận cũng như thực tiễn, đã xoay quanh các vướng mắc trong nhận thức, thiếu sự đồng bộ, nhất quán nên có lúng túng trong quá trình hoàn thiện hệ thống văn bản hành lang pháp lý để triển khai; vướng trong mô hình pháp lý triển khai trong phân cấp phân quyền; vướng về tổ chức thực hiện cơ chế tự chủ, có sự chồng chéo trong tổ chức nhân sự, về tài chính, tài sản...
Từ những vấn đề được đặt ra cho thấy, cần sớm ban hành sớm Nghị định về Đại học Quốc gia (và thực tế đến nay đã là quá muộn). Ủy ban sẽ theo dõi, giám sát vấn đề này. Về lâu dài, rà soát nghiên cứu đầy đủ về mô hình tổ chức đại học Việt Nam, từ đó có định hướng, giải pháp, để thời điểm thích hợp có thể nghiên cứu sửa Luật Giáo dục đại học...

Ngọc Phương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/nang-cao-hieu-qua-hoat-dong-toi-uu-hoa-nguon-luc-co-so-giao-duc-dai-hoc-i291193/