NÂNG CAO HIỆU QUẢ KIỂM SOÁT QUYỀN LỰC, BẢO ĐẢM YÊU CẦU PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC

Công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua đã được thực hiện một cách quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đạt nhiều kết quả quan trọng. Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Bàn về vấn đề này, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực, bảo đảm yêu cầu phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua đã được thực hiện một cách quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản, với quyết tâm chính trị cao, đạt nhiều kết quả quan trọng, để lại dấu ấn tốt, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cho thấy, cử tri và nhân dân bày tỏ tin tưởng vào quyết tâm của Đảng và Nhà nước đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; bước đầu ghi nhận kết quả hoạt động của các cơ quan hữu quan, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng hơn nữa.

Tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó yêu cầu hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực (KSQL) nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC). Những nguyên tắc quan trọng về KSQL tiếp tục được khẳng định và làm sâu sắc thêm: “Bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường KSQL bên trong mỗi cơ quan và giữa các cơ quan nhà nước, giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương và giữa các cơ quan trong cùng một cấp chính quyền”; “Mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, phải được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn; lạm dụng, lợi dụng quyền lực phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý. KSQL gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước và cán bộ, công chức, viên chức”. Nghị quyết số 27-NQ/TW cũng yêu cầu phải: “Hoàn thiện cơ chế để nhân dân trực tiếp KSQL nhà nước; “Nghiên cứu thành lập các thiết chế mới về KSQL, PCTN, TC; ban hành các quy định về KSQL để PCTN, TC trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; trong công tác xây dựng pháp luật và quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Cho ý kiến tại phiên họp của Đảng đoàn Quốc hội nhằm cho ý kiến về dự thảo quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, công tác xây dựng pháp luật có rất nhiều khâu, liên quan đến rất nhiều chủ thể khác nhau - không chỉ cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền mà còn cả đối tượng chịu sự tác động, điều chỉnh của chính sách. Theo Chủ tịch Quốc hội, kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật không chỉ có Quốc hội giám sát Chính phủ mà nhiều cơ quan, chủ thể phải cùng giám sát lẫn nhau, phòng, chống tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong tất cả các khâu từ đề xuất chính sách cho đến soạn thảo, ban hành chính sách pháp luật.

Trên cơ sở đó, xây dựng các quy định cụ thể, hiệu quả để kiểm soát quyền lực, phòng, chống tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật. Chủ tịch Quốc hội cũng đặc biệt lưu ý phải chú trọng cả quy định “phòng” và quy định “chống”; có chế tài cụ thể, rõ ràng để bảo đảm kiểm soát quyền lực hiệu quả.

Bàn về giải pháp tăng cường chất lượng kiểm soát các văn bản pháp quy hướng tới mục tiêu phòng, chống tham nhũng, TS.Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ đề nghị nghiên cứu để hoàn thiện thể chế, pháp luật về PCTN trong xây dựng pháp luật, trong đó bao gồm: Xây dựng cơ sở pháp lý cho lĩnh vực “vận động hành lang” và “vận động chính sách” ở Việt Nam; Tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật hiện hành về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

TS.Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ

TS.Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ

Các cơ quan bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp cần nghiên cứu để tiếp tục kiện toàn bộ máy, biên chế các đơn vị được giao trách nhiệm rà soát, kiểm soát văn bản, bảo đảm nguồn nhân lực dồi dào cả về số lượng, chất lượng, đủ khả năng thực hiện chức năng thẩm tra, kiểm định số lượng văn bản pháp quy lớn được soạn thảo, ban hành mỗi năm. Ngoài ra, cần nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, thủ trưởng bộ, ngành, chính quyền địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện công tác kiểm soát văn bản pháp quy nhằm tạo sự chuyển biến theo hướng mạnh mẽ và quyết liệt hơn.

Theo TS.Đinh Văn Minh, cơ chế kiểm soát quyền lập quy bằng con đường tư pháp còn hạn chế khi tòa án không có thẩm quyền hủy bỏ các văn bản quy phạm trái luật mà chỉ có quyền giải quyết khiếu kiện đối văn bản hành chính cá biệt. Điều này cần sớm thay đổi về nhận thức và pháp luật trong thời gian sớm nhất để tăng cường kiểm soát quyền lực trong hoạt động lập quy.

Cùng với đó, cần hoàn thiện các công cụ pháp lý hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả, chất lượng của phản biện xã hội đối với hoạt động xây dựng pháp luật. Cụ thể, cần nghiên cứu để bổ sung các quy định về xây dựng báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong dự thảo đến công tác PCTN, trong đó, đề cập các rủi ro, nguy cơ về tham nhũng có thể nảy sinh khi các quy định của dự thảo được hiện thực hóa. Về việc lấy ý kiến nhân dân và các đối tượng tác động của dự thảo văn bản, cần nghiên cứu để bổ sung các quy định cụ thể hơn về trách nhiệm tiếp nhận, tổng hợp, giải trình tiếp thu và phản hồi ý kiến góp ý, từng bước khắc phục tính hình thức của việc lấy ý kiến trong hoạt động lập quy nói riêng và công tác xây dựng pháp luật nói chung.

Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Chia sẻ về vấn đề kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, TS.Nguyễn Xuân Trường (Ban Nội chính Trung ương) cho rằng, cần thường xuyên quán triệt, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan tổ chức, kiểm tra, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị về thực thi quyền lực và KSQL trong công tác cán bộ. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác cán bộ, coi đó là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp ủy đảng. Các cấp ủy, tổ chức đảng phải thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát về công tác cán bộ; tăng cường kiểm tra, giám sát trách nhiệm người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quyết định và người đứng đầu cơ quan tham mưu về công tác cán bộ.

TS.Nguyễn Xuân Trường (Ban Nội chính Trung ương)

TS.Nguyễn Xuân Trường (Ban Nội chính Trung ương)

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, ủy ban kiểm tra các cấp phải chủ động nắm tình hình, phát hiện và tiến hành kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, kể cả cấp ủy viên cùng cấp, người đứng đầu trong thực hiện quy chế làm việc của cấp ủy, việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác cán bộ; xem xét xử lý kỷ luật hoặc đề nghị xử lý kỷ luật nghiêm minh tổ chức đảng, đảng viên vi phạm trong công tác cán bộ.

Thêm vào đó, cần tạo cơ chế cạnh tranh lành mạnh trong công tác cán bộ, nhất là thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục và hồ sơ nhân sự trong bổ nhiệm, đề bạt cán bộ, tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, luân chuyển cán bộ. Thực hiện nghiêm nguyên tắc dân chủ trong tất cả các khâu, các bước của công tác cán bộ, phải cung cấp đầy đủ thông tin và biết lắng nghe ý kiến của cấp ủy cấp dưới, của các cấp, các ngành liên quan, của quần chúng trong cơ quan, đơn vị và của cấp ủy, chính quyền địa phương nơi cán bộ sinh sống. Quy định rõ tiêu chuẩn chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý các cơ quan trong hệ thống chính trị bảo đảm tính định lượng cụ thể, tạo sự rõ ràng, khách quan, qua đó có cơ sở giám sát, kiểm tra đầy đủ, chính xác.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng đặt ra là cần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên làm công tác cán bộ phải liêm chính, trung thực, vững vàng, có trách nhiệm và tâm huyết, có kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng chuyên sâu, nắm vững chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác cán bộ; không nao núng và bị cám dỗ trước lợi ích hoặc các “nhóm lợi ích” muốn chi phối trong công tác cán bộ.

Ngoài ra, cần xử lý nghiêm minh, kịp thời, không có “vùng cấm” đối với các sai phạm trong công tác cán bộ, nhất là việc lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ. Nếu lạm quyền, lợi dụng quyền lực để tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ đều phải được kiểm tra, thanh tra, điều tra, xem xét, kết luận và xử lý nghiêm minh theo kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kể cả khi đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác.

Minh Hùng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=78182