Nâng cao hiệu quả kinh tế đất trồng lúa
ĐBP - Thành phố Điện Biên Phủ là một trong những địa bàn có diện tích gieo cấy lúa lớn trong toàn tỉnh, với hơn 1.212ha lúa đông xuân và hơn 1.362ha lúa vụ mùa. Xác định ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) là 'chìa khóa' để thực hiện thành công các mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp, thành phố đã tích cực đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ KHKT, góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế.
Cán bộ khuyến nông xã Thanh Minh kiểm tra, hướng dẫn trực tiếp người dân trong quá trình canh tác.
Mô hình trình diễn áp dụng giống lúa mới, tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất lúa vụ mùa năm 2020 được triển khai tại 4 xã vùng ngoài thành phố, gồm: Pá Khoang, Nà Nhạn, Nà Tấu, Mường Phăng; với quy mô 21,33ha (5ha giống HDT10, 5ha giống ADI 168, 11,33ha nếp 97). Từ nguồn vốn của Nhà nước, các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% giống; 100% vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thường xuyên được cán bộ kỹ thuật kiểm tra, hỗ trợ, hướng dẫn trực tiếp trong quá trình canh tác.
Tham gia mô hình tại xã Nà Tấu có 55 hộ dân tại 2 bản Hồng Lứu và Tà Cáng với diện tích 6,33ha; trong đó 1,25ha trồng HDT10, 5,08ha trồng nếp 97. Theo anh Lò Văn Phong, cán bộ khuyến nông xã, kết quả triển khai mô hình cho thấy giống lúa nếp 97 phù hợp với trình độ sản xuất, mức đầu tư của người dân cũng như điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa bàn. Vì vậy, số lượng người dân lựa chọn trồng nếp 97 ngày càng tăng. Qua mô hình giúp nông dân biết áp dụng KHKT vào sản xuất để tăng năng suất, sản lượng và biết canh tác lúa bền vững, bón phân phù hợp, cân đối để tăng hiệu quả sản xuất lúa. Từ đó, giúp người dân từng bước thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống.
Nhằm bảo đảm cho cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, bảo vệ môi trường và nâng cao năng suất, chất lượng; vụ mùa năm 2021, Phòng Kinh tế thành phố đã triển khai mô hình ứng dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM trên cây lúa tại địa bàn 5 xã (Thanh Minh, Nà Nhạn, Nà Tấu, Mường Phăng, Pá Khoang), quy mô 58,4ha với 400 hộ dân tham gia, tổng kinh phí hơn 820 triệu đồng bao gồm giống thóc, phân bón, thuốc trừ rầy…
Là 1 trong 90 hộ dân tại xã Thanh Minh tham gia mô hình, gia đình chị Lò Thị Hoàn, bản Púng Tôm (xã Thanh Minh) đã quyết định sử dụng 2.500m2 ruộng để trồng giống lúa nếp 97. Sau hơn 1 tháng gieo mạ, chị Hoàn cho biết: Trực quan cho thấy lúa đang phát triển tốt, cây lúa cao hơn, đẻ nhánh tốt hơn so với các giống lúa trước đây. Ngoài bón đủ lượng phân bón do Nhà nước hỗ trợ, bón đúng thời điểm, chăm sóc kịp thời, gia đình tôi còn mua thêm ngoài lượng phân bón theo quy trình để đảm bảo cho cây lúa sinh trưởng, phát triển.
Với nỗ lực chuyển giao tiến bộ KHKT cho nông dân, Trung tâm Dịch vụ kinh tế tổng hợp thành phố đã phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức tập huấn cho nông dân cũng như cán bộ nông nghiệp các xã về các tiến bộ KHKT trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, chú trọng lý thuyết gắn với thực hành trên đồng ruộng, nhờ đó đã giúp học viên nâng cao kỹ năng thực hành, chỉ đạo sản xuất và hoàn thiện phương pháp khuyến nông.
Bà Trần Thị Mai, Trưởng phòng Kinh tế thành phố cho biết: Việc ứng dụng các tiến bộ KHKT, giống lúa mới vào sản xuất không chỉ cho năng suất cao, chất lượng gạo tốt, giống lúa mới còn có khả năng chống chịu với sâu bệnh và thời tiết khắc nghiệt của vùng cao, thời gian sinh trưởng của cây lúa lại ngắn. Nhờ vậy có thể đẩy mạnh việc thâm canh tăng vụ, tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con. Qua đó từng bước thay đổi tập quán canh tác, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa các giống lúa mới vào gieo cấy thay thế giống lúa thuần địa phương năng suất thấp, góp phần tăng năng suất, chất lượng lúa trên cùng một đơn vị diện tích.